Cụ thể, 22 dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020 đã hoàn thành. Ngoài bốn nhiệm vụ có sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể tiếp tục được hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và phát triển, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tiếp tục trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 18 nhiệm vụ có sản phẩm và được đưa vào khai thác thực tiễn.
18 sản phẩm cụ thể bao gồm: Rau an toàn Yên Nghĩa (quận Hà Đông), hoa Đan Phượng (huyện Đan Phượng), rau an toàn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), rau an toàn Xuân Phú (huyện Phúc Thọ), gạo Đỗ Động (huyện Thanh Oai), khoai tây Hương Ngải (huyện Thạch Thất), rau an toàn Đông Cao (huyện Mê Linh), bưởi đỏ Đông Cao (huyện Mê Linh), bưởi Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), thanh long ruột đỏ (huyện Ba Vì), sản phẩm chăn nuôi Phương Đình (huyện Đan Phượng), nấm Đan Phượng (huyện Đan Phượng), trứng vịt Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa), các sản phẩm từ thịt lợn (huyện Phúc Thọ), dược liệu Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), dược liệu và thuốc Nam (huyện Ba Vì), mật ong Tản Viên (huyện Ba Vì).
Việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể sẽ giúp các sản phẩm được người tiêu dùng biết đến thông qua hệ thống nhận diện, được hỗ trợ quảng bá rộng rãi, duy trì danh tiếng, uy tín, nâng cao giá trị của sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đã được bảo hộ, đồng thời quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ phát triển sản phẩm.
Chủ sở hữu của các nhãn hiệu tập thể tăng cường tổ chức sản xuất sản phẩm theo đúng quy trình kỹ thuật đã xây dựng bảo đảm chất lượng sản phẩm; quản lý hiệu quả việc khai thác nhãn hiệu tập thể; tích cực truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đã được bảo hộ đến người tiêu dùng.