Chưa xác định được nơi trú của 4 cá thể sếu đầu đỏ

NDO - Sau khi nhân viên nhìn thấy 4 cá thể sếu đầu đỏ bay từ trên cao tại phân khu A5, đến nay đã 4 ngày trôi qua, Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) vẫn đang cử nhân viên quan sát để xác định nơi sếu đầu đỏ đang trú.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Minh Chánh, nhân viên bảo vệ Vườn quốc gia Tràm Chim có mặt tại phân khu A4 vào tháng 2/2024, khu vực này trước đây sếu đầu đỏ thường tìm đến. Ảnh: HỮU NGHĨA
Anh Minh Chánh, nhân viên bảo vệ Vườn quốc gia Tràm Chim có mặt tại phân khu A4 vào tháng 2/2024, khu vực này trước đây sếu đầu đỏ thường tìm đến. Ảnh: HỮU NGHĨA

Chiều 10/3, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim Cao Thái Phong cho biết: “Ngày 7/3, Vườn quốc gia có phát hiện 4 cá thể bay về. Tuy nhiên, đến nay, Vườn quốc gia vẫn chưa thấy sếu đáp xuống trú đậu ở đây.

Không loại trừ khả năng sếu đầu đỏ đáp xuống đồng ruộng gần Vườn quốc gia Tràm Chim để tìm thức ăn là lúa và một số loại thức ăn khác.

Do đó, ngoài việc phân công cán bộ chuyên môn, nhân viên giám sát, theo dõi ngày đêm tại các phân khu (nơi sếu từng kiếm ăn), Vườn quốc gia còn phân công giám sát ngoài đồng ruộng lân cận để có định hướng quản lý phù hợp”.

Có thông tin, trước vài ngày phát hiện 4 sếu đầu đỏ bay về, người dân sống gần Vườn quốc gia có nghe tiếng kêu của sếu và cho biết khả năng đây là một cá thể sếu đi tiền trạm. Nếu sếu nhận thấy khu vực có thức ăn, có môi trường trong lành thì sẽ quay trở lại nơi đang cư trú để dẫn đàn bay về Vườn quốc gia Tràm Chim.

Chưa xác định được nơi trú của 4 cá thể sếu đầu đỏ ảnh 1
Sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim năm 2019. Ảnh: Nguyễn Văn Hùng

Một số người cho rằng, trong ngày 7/3, nhìn thấy sếu đầu đỏ bay về khu vực Vườn quốc gia Tràm Chim là 10 cá thể. Trong đó, thấy rõ 4 cá thể, 6 cá thể sếu còn lại bay rất cao nên không dùng thiết bị quay phim lại được.

Về thông tin này, ông Cao Thái Phong cho biết: “Hôm đó, ngoại trừ 4 cá thể sếu được nhìn thấy rõ, còn 6 cá thể chim còn lại bay trên cao quá, không xác định được, nên không ai dám khẳng định đó là sếu đầu đỏ”.

Nhận định về nguyên nhân sếu trở về Vườn quốc gia Tràm Chim sau 2 năm vắng bóng, ông Cao Thái Phong cho rằng, do Vườn quốc gia đang phục hồi tốt hệ sinh thái, tạo bãi ăn cho sếu, điều tiết nước, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho sếu đầu đỏ trở về.

Những ngày qua, Vườn quốc gia Tràm Chim đã phân công lực lượng bảo vệ thường xuyên tuần tra chung quanh các tuyến đê nhằm ngăn chặn người dân vào đánh bắt ong, khai thác tài nguyên bên trong, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ.

Chưa xác định được nơi trú của 4 cá thể sếu đầu đỏ ảnh 2
Anh Minh Chánh, nhân viên bảo vệ Vườn quốc gia Tràm Chim cho biết năm nay xuất hiện rất nhiều củ năng kim, loài thức ăn ưa thích nhất của sếu đầu đỏ. Ảnh: HỮU NGHĨA

Anh Minh Chánh, nhân viên bảo vệ Vườn quốc gia Tràm Chim hơn 20 năm, và cũng là người hằng năm cùng tham gia công tác giám sát, bảo vệ sếu đầu đỏ mỗi khi sếu về phân khu A4 cho biết: “Mấy ngày nay, lòng tôi cứ nôn nao chờ gặp mặt đàn sếu, nhớ sếu lắm rồi. Ngày đêm tôi túc trực phân khu A4 để chờ sự xuất hiện của sếu nhưng chưa thấy”.

Trước đó, ngày 7/3, nhân viên của Vườn quốc gia Tràm Chim đã ghi nhận 4 cá thể sếu đầu đỏ tại phân khu A5.

Thời gian 4 cá thể sếu đầu đỏ đáp xuống bãi ăn là khoảng 30 phút. Sau đó, đàn sếu bay về hướng phân khu A4.

Hiện, Vườn quốc gia đã tăng cường bổ sung thêm nguồn thức ăn phụ (trong đó có lúa) cho sếu đầu đỏ khi quần thể sếu đã ổn định, nhằm thu hút các cá thể sếu về đông hơn.

Theo Vườn quốc gia Tràm Chim, lần gần đây nhất ghi nhận sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim vào năm 2021 và chỉ có 3 cá thể.

Sếu đầu đỏ là loài sinh vật hiếm, có tên trong Sách đỏ thế giới, đang trong tình trạng nguy cấp cần được bảo vệ; là biểu tượng của Vườn quốc gia Tràm Chim nói riêng và của tỉnh Đồng Tháp nói chung.