Phục hồi vùng đất ngập nước

Các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ đã xác định bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước (Ramsar) góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu... Những mục tiêu mang tầm “quốc tế” lớn lao này lại đang được thực hành tại các cộng đồng cơ sở như tại thị trấn Ban Boon Rueang, phía bắc tỉnh Chiang Rai, Thailand.
0:00 / 0:00
0:00
Cư dân Ban Boon Rueang trồng cây phục hồi vùng đất ngập nước. Ảnh: MONGABAY
Cư dân Ban Boon Rueang trồng cây phục hồi vùng đất ngập nước. Ảnh: MONGABAY

Nép mình giữa dãy núi Doi Yao và hạ lưu sông Ing - một nhánh của sông Mekong, Ban Boon Rueang là một ngôi làng nhỏ nơi cư dân địa phương từ nhiều thế hệ sống dựa vào canh tác nông nghiệp. Ở Ban Boon Rueang, Ramsar là nơi mang lại sinh kế và là nguồn cung cấp thực phẩm cho người dân. Trong những năm qua, cư dân đã nỗ lực tham gia bảo vệ thiên nhiên, vệ sinh và phục hồi cảnh quan, môi trường của vùng đất ngập nước. Vào năm 2015, địa phương cũng đã lựa chọn giữ gìn cảnh quan và môi trường thay vì xây dựng một khu công nghiệp ở đây. Quyết định này giúp họ khẳng định vai trò của vùng Ramsar và bảo tồn các giá trị truyền thống.

“Đối với người dân làng, rừng ngập nước là huyết mạch, cung cấp nước sạch, là vườn ươm cá giống và hình thành một hệ sinh thái ven sông mà người dân chúng tôi sống phụ thuộc vào đó. Nó giống như cái bếp ăn của làng”. Ông Srongpol Chantharueang, đại diện Nhóm bảo tồn rừng ngập nước Boon Rueang (BRWFCG) cho biết. BRWFCG hiện là cơ quan quản lý cộng đồng đối với khu vực đất ngập nước ở làng Ban Boon Rueang. Ông Srongpol chia sẻ: “Vùng đất ngập nước mang lại cho cư dân thực phẩm và thu nhập theo thời vụ. Mỗi mùa dân làng lại thu hoạch được các loại cá, tôm và sản vật khác nhau. Vì vậy nó có vai trò không thể thay thế đối với đời sống người dân”.

Theo tạp chí môi trường Mongabay, Thailand đã trải qua quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng, đi kèm sự gia tăng dân số, đô thị hóa và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên trong những năm gần đây. Từ năm 1961 đến năm 1998, độ che phủ rừng của Thailand giảm từ 53% xuống 25% tổng diện tích của quốc gia, làm mất 14,4 triệu ha rừng. Các vùng đất ngập nước đã bị khai thác quá mức, bị khai phá để làm nông nghiệp hoặc lấp đầy để phát triển các khu dân cư và khu công nghiệp. Vì vậy, việc bảo tồn vùng đất ngập nước ở làng Ban Boon Rueang lại càng có ý nghĩa quan trọng.

Rừng ngập nước ở Ban Boon Rueang là khu vực có diện tích lớn nhất trong mạng lưới 26 khu rừng ngập nước bao quanh hạ lưu sông Ing ở Thailand. Một nghiên cứu cho thấy, khả năng tạo vùng đệm nước lũ của đất ngập nước đã giúp làng Ban Boon Rueang giảm nhẹ và nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai gây ra do trận lũ lụt quét qua khu vực vào năm 2010. Dữ liệu do BRWFCG tổng hợp cho thấy, hệ sinh thái ven sông hỗ trợ ít nhất 276 loài, bao gồm 87 loại cá và vài chục loại thực vật ăn được. Các nghiên cứu gần đây cũng xác nhận một số loài động vật sắp bị đe dọa tuyệt chủng đã xuất hiện lại ở khu vực.

Thông qua BRWFCG, cộng đồng làng Ban Boon Rueang có tiếng nói tích cực để đóng góp vận động và xây dựng chính sách khu vực, nhằm nỗ lực duy trì vùng Ramsar “khỏe mạnh”. Warangkana Rattanarat, Giám đốc quốc gia của Tổ chức cộng đồng bảo vệ và quản lý rừng bền vững (RECOFTC) ở Thailand cho rằng: “Các thành viên của BRWFCG đã truyền cảm hứng cho nhiều ngôi làng lân cận thực hiện những nỗ lực tương tự để bảo vệ vùng đất ngập nước, bảo vệ sinh kế của cư dân địa phương trước các hoạt động đô thị hóa”.

Theo RECOFTC, các khu vực đất ngập nước ở vùng đất thấp như Ban Boon Rueang ngày càng hiếm trong khu vực. Ramsar có tiềm năng lưu trữ carbon rất lớn, gấp đôi khả năng của một khu rừng rụng lá hỗn hợp. Vì vậy, bằng cách bảo tồn rừng ngập nước, cộng đồng còn giúp bảo vệ đa dạng sinh học trong khu vực đồng thời giảm thiểu biến đổi khí hậu. Với những đóng góp này, BRWFCG đã nhận “Giải thưởng Xích đạo” do LHQ hỗ trợ, nhằm vinh danh những sáng kiến của các nhà tiên phong, các tổ chức cơ sở địa phương có đóng góp để cải thiện môi trường sống.