Quản lý, phát triển bền vững Vườn Quốc gia Tràm Chim

Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc địa phận huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp là khu vực sinh thái đất ngập nước tiêu biểu của vùng Đồng Tháp Mười. Để bảo vệ đa dạng sinh học tại đây, chính quyền địa phương chú trọng phát triển các hoạt động sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, gắn với quản lý Vườn.
0:00 / 0:00
0:00
Du lịch sinh thái khu vực Vườn Quốc gia Tràm Chim hấp dẫn du khách.
Du lịch sinh thái khu vực Vườn Quốc gia Tràm Chim hấp dẫn du khách.

Huyện Tam Nông có diện tích tự nhiên hơn 47.426 ha, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và thủy sản. Tam Nông có một thị trấn và 11 xã, trong đó, vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim nằm trong địa giới hành chính của năm xã và một thị trấn, cũng là nơi cư trú của 46.762 người, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 46,7% dân số toàn huyện.

Người dân các xã vùng đệm chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp. Một bộ phận có nghề truyền thống như đan ghế nhựa, đan lục bình, làm khô, làm nhang và làm thuê phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Dẻo là một trong những hộ khó khăn của xã vùng đệm Tân Công Sính, huyện Tam Nông. Được tiếp cận nguồn vốn vay của dự án "Chuyển giao khoa học công nghệ và phát triển kinh tế hộ gia đình" cho bà con các xã vùng đệm, gia đình chị đã đầu tư nuôi ong. Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình chị Dẻo đã vượt qua khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Dẻo cho biết, chị đã mở rộng quy mô sản xuất và tạo việc làm cho gần 10 lao động địa phương có thu nhập ổn định. Hiện, chị Dẻo là Tổ trưởng Tổ Phụ nữ ấp Cà Dâm, xã Tân Công Sính, tham gia hỗ trợ, vận động người dân trên địa bàn cùng chăm lo, bảo vệ rừng...

Thực tế cho thấy, do nhu cầu mưu sinh, không ít người dân cư trú ở các xã vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim đã có những tác động làm ảnh hưởng đến việc sinh tồn và phát triển của các loài sinh vật bản địa, làm giảm đáng kể số lượng chủng loài sinh vật quý, hiếm và làm suy giảm đa dạng sinh học. Do đó, việc quản lý kết hợp bảo tồn bền vững là vấn đề quan tâm hàng đầu khi Vườn Quốc gia Tràm Chim chính thức trở thành khu RAMSAR thứ 4 ở Việt Nam.

Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông đã xây dựng đề án "Phát triển sinh kế vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim" trên cơ sở vừa tạo thêm sinh kế, vừa bảo vệ đa dạng sinh học, dung hòa mâu thuẫn giữa lợi ích sinh kế và lợi ích bảo tồn. Về tạo sinh kế, đề án đặc biệt quan tâm đến kinh tế nông nghiệp, công nghiệp. Hiện nay, khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim đang có tám mô hình canh tác nhưng hiệu quả, lợi nhuận từ các mô hình này mang lại không đồng đều và cũng không áp dụng đại trà được cho tất cả người dân ở khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông, người dân sử dụng tài nguyên tự nhiên trong vùng đệm chưa hợp lý vì độc canh cây lúa còn phổ biến, mặc dù nuôi trồng thủy sản rất có tiềm năng. Hiệu quả sản xuất còn thấp do trình độ và kỹ thuật canh tác chưa đồng đều, giá thành sản xuất cao, trong khi đó, việc tiếp cận tài chính và tín dụng cho sản xuất còn hạn chế. Sự di chuyển lớn lực lượng lao động, nhất là lao động trẻ, khu vực nông thôn ra thành thị kiếm việc làm khiến cho cơ cấu lao động có sự thay đổi. Do vậy, gia tăng sinh kế, nâng cao năng lực cho người dân và cán bộ địa phương là yếu tố quan trọng để thực hiện an sinh xã hội bền vững cho vùng đệm.

Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim Lê Thành Cư cho biết, biến đổi khí hậu toàn cầu, sự thay đổi chế độ thủy văn đã gây khó khăn trong công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là việc điều tiết mực nước bảo đảm sự thích nghi của các loài bên trong các phân khu của vườn quốc gia. Bên cạnh đó, áp lực từ hơn 46.700 người sống chung quanh, sinh kế không ổn định, thường xuyên đánh bắt thủy sản trái phép, "ăn" ong vào mùa khô, chăn thả gia súc trái phép, đánh bắt các loài động vật hoang dã từ bên ngoài vườn... đã gây nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và quản lý sinh thái vùng đất ngập nước của Vườn Quốc gia Tràm Chim. Do đó, để thích ứng biến đổi khí hậu, việc xây dựng đề án "Phát triển sinh kế vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim" là rất cần thiết.

Thời gian tới, huyện Tam Nông đặc biệt chú trọng giải pháp tạo sinh kế cho nông dân không có tư liệu sản xuất. Các xã vùng đệm và Vườn Quốc gia tham mưu Ủy ban nhân dân huyện lập kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các lao động nhằm ổn định sinh kế. Vườn Quốc gia sẽ triển khai sớm đề án phát triển các loại hình du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim đã được tỉnh phê duyệt nhằm giải quyết việc làm, tạo thêm sinh kế cho người dân, từ đó giảm áp lực tác động xâm hại Vườn.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông Châu Văn Bo, huyện tiếp tục phối hợp Vườn Quốc gia Tràm Chim xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền cho cộng đồng dân cư vùng đệm về việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nắm và hiểu ý nghĩa, mục tiêu, nội dung của đề án đang được xây dựng. Cùng với đó, tạo điều kiện cho một số hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu sử dụng tài nguyên thuộc địa bàn năm xã và thị trấn Tràm Chim.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết thêm, địa phương đang tiến hành xây dựng Dự án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ giai đoạn 2022-2032 gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong vùng đệm nhằm tạo ra môi trường sống an toàn cho sếu ở ngoài vùng đệm. Theo đó, dự án triển khai thực hiện tại Vườn Quốc gia Tràm Chim và vùng phụ cận trong huyện Tam Nông...