Bình luận quốc tế

Chưa thể lơ là với lạm phát

Nhiều quốc gia tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó tình trạng lạm phát tăng cao, bất chấp điều này gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế và sản xuất, kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00

Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell (G.Pao-oen) tuyên bố có thể sẽ tăng lãi suất cao hơn dự kiến để kiểm soát lạm phát. Nhận định này được người đứng đầu FED lần đầu đưa ra kể từ khi Chính phủ Mỹ công bố các số liệu cho thấy số việc làm tăng cao và lạm phát bất ngờ tăng trở lại vào tháng 1/2023.

Dù nguyên nhân của những số liệu kinh tế mạnh mẽ này có thể do các hiệu ứng theo mùa, nhưng theo ông Powell, đây cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy FED cần làm nhiều hơn để kiềm chế lạm phát, thậm chí quay lại với các đợt tăng lãi suất cao hơn mức 0,25%.

Đồng quan điểm với ông Powell, Giám đốc FED chi nhánh San Francisco Mary Daly (M.Đa-li) nhận định, phải mất nhiều thời gian nữa Mỹ mới đạt đà giảm lạm phát cần thiết, do đó để thoát khỏi tình trạng lạm phát cao hiện nay, vẫn phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo bà Daly, lạm phát ở Xứ cờ hoa đã giảm từ mức cao kỷ lục 7% hồi giữa năm 2022 xuống còn 5,4% vào tháng 1 vừa qua.

Tuy nhiên, những số liệu hằng tháng mới công bố lại cho thấy áp lực giá cả đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong 7 tháng qua. Điều này xảy ra ngay cả khi năm 2022, FED đã đưa ra những quyết định tăng lãi suất mạnh tay nhất trong 40 năm, qua đó đưa lãi suất từ mức gần 0% lên 4,5%-4,75% hiện nay.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde (C.La-gác-đơ) thông báo, do lạm phát cơ bản trong Khu vực đồng euro (Eurozone) tiếp tục ở mức cao thời gian tới cho nên nhiều khả năng, ECB sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào cuối tháng 3 này. Người đứng đầu ECB cảnh báo lạm phát cơ bản (không tính giá thực phẩm và nhiên liệu) sẽ ở mức cao, ít nhất là trong ngắn hạn, ngay cả khi tỷ lệ lạm phát chung giảm những tháng tới.

ECB đã tăng lãi suất 3 điểm phần trăm kể từ tháng 7/2022 và có thể sẽ tăng thêm 0,5 điểm phần trăm nữa vào ngày 16/3 tới. Lạm phát cơ bản ở Eurozone đã tăng lên mức cao kỷ lục 5,6% vào tháng 2/2023.

Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) vừa đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% lên 3,6%. Đây là đợt tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp và là mức lãi suất cao nhất của Australia kể từ tháng 5/2012. Đợt tăng lãi suất lần này cũng thể hiện chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất của RBA kể từ năm 1980.

Với mức lãi suất mới này, người dân Australia đang sở hữu khoản vay thế chấp 500.000 AUD (336.000 USD) sẽ phải trả thêm 82 AUD cho khoản vay này mỗi tháng. So với mức lãi suất chạm đáy 0,1% hồi tháng 4/2022, khoản thanh toán nợ cho khoản vay nêu trên đã tăng lên 1.051 AUD/tháng.

Thống đốc RBA Philip Lowe (Ph.Lô-uy) nhận định, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao và sẽ mất một thời gian để đưa về mục tiêu có thể kiểm soát. Ông Lowe cũng cho rằng, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm, với mức tăng trưởng dự kiến dưới mức trung bình trong hai năm 2023 và 2024. RBA nêu rõ, tăng lãi suất là quyết định đầy khó khăn nhưng bất khả kháng, dù ưu tiên của Hội đồng quản trị RBA là kiểm soát lạm phát vì lạm phát tăng cao sẽ gây khó khăn cho đời sống người dân và gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Theo RBA, nếu lạm phát tiếp tục neo ở mức cao, Australia sẽ phải trả giá đắt để hạ nhiệt lạm phát, đồng thời mức lãi suất thậm chí còn cao hơn và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng mạnh hơn.

Giá năng lượng, lương thực và tiêu dùng vẫn ở mức cao đã đẩy lạm phát gia tăng khiến nhiều quốc gia phải "miễn cưỡng" tăng lãi suất ngân hàng và duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Chính phủ các nước này kêu gọi người dân đồng hành với nhà nước, chấp nhận những khó khăn trước mắt để sớm vượt cơn bão lạm phát.