Lạm phát ở Nhật Bản lại phá vỡ ngưỡng kỷ lục trong 40 năm qua

Lạm phát ở Nhật Bản hiện nay chủ yếu do chi phí thúc đẩy và sẽ không kéo dài nên BOJ vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng nhằm đạt được mục tiêu lạm phát ổn định và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/1, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) thông báo trong tháng 12/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá thực phẩm và năng lượng nhập khẩu tăng. Đây là mức cao kỷ lục kể từ năm 1981 và là tháng thứ 16 liên tiếp, chỉ số này tăng.

Trước đó, trong tháng 11/2022, chỉ số này đã phá vỡ ngưỡng cao kỷ lục 40 năm khi tăng tới 3,7%.

Cụ thể, trong kỳ báo cáo, giá thực phẩm, không bao gồm các mặt hàng thực phẩm tươi, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy ngày càng có nhiều công ty chuyển gánh nặng chi phí sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán lẻ.

Bên cạnh đó, giá năng lượng cũng tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá khí đốt và giá điện ở khu vực đô thị đã tăng khá mạnh, lần lượt là 33,3% và 20,1%, và giá dầu hỏa tăng 4,7%, giá xăng tăng 1,6%.

Như vậy, lạm phát ở Nhật Bản đã tăng tháng thứ 9 liên tiếp, cao hơn so với con số mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ). Tính chung cả năm 2022, CPI cơ bản của Nhật Bản tăng 2,3% so với năm trước đó.

Trước đó, BOJ vẫn cho rằng lạm phát ở Nhật Bản hiện nay chủ yếu do chi phí thúc đẩy và sẽ không kéo dài nên Ngân hàng trung ương này vẫn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng nhằm đạt được mục tiêu lạm phát ổn định và bền vững.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 12/2022, BOJ đã gây ngạc nhiên cho thị trường khi tăng gấp đôi biên độ dao động lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm lên ±5%, một động thái mà nhiều nhà đầu tư coi là không khác gì việc BOJ tăng lãi suất.