Nhiều nước đối mặt áp lực lạm phát

Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Thụy Sĩ, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck dự báo, tỷ lệ lạm phát tại nước này có thể giảm xuống 5% vào cuối năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis), lạm phát trong năm 2022 của Đức lên mức cao kỷ lục là 7,9%, chủ yếu do giá năng lượng và hàng hóa tăng mạnh. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát đã giảm rõ rệt trong tháng 12/2022. Theo Destatis, các gói cứu trợ của chính phủ đã giúp giảm áp lực với người tiêu dùng.

Cơ quan Thống kê quốc gia Italia (ISTAT) cho biết, lạm phát trung bình của nước này trong năm 2022 là 8,1%, mức cao nhất kể từ năm 1985. Chi phí năng lượng leo thang, ảnh hưởng tiêu cực tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Italia. Hoạt động xuất khẩu của Italia cũng bị ảnh hưởng do chi phí sản xuất và vận chuyển tăng cao.

Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố số liệu cho thấy, mức lương trung bình từ tháng 9 đến 11/2022 tại Anh cao hơn 6,4% so mức cùng kỳ năm trước đó. Đây là mức tăng nhanh nhất trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ONS cho biết, với tỷ lệ lạm phát 10,7% trong tháng 11/2022 thì nếu tính theo giá trị thực, thu nhập trung bình của người lao động vẫn giảm 2,6% so mức một năm trước đó.

Trong khi đó, ngày 18/1, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế, theo đó giữ nguyên lãi suất ngắn hạn. BOJ cũng nâng dự báo mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản (không bao gồm biến động giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống) trong tài khóa 2022 (kết thúc vào tháng 3/2023) lên 3%.