Hệ thống thủy lợi đổi thay vùng Bảy Núi

Vùng Bảy Núi gồm huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với diện tích tự nhiên 95.491 ha, trong đó có khoảng 9.500 ha đất vùng cao, chưa kể đất đồi núi. Nằm xa kênh, rạch, sông cho nên thiếu hụt nguồn nước quanh năm, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Do vậy, xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao là mấu chốt để nông dân chủ động sản xuất, thay đổi cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Các hồ nước tích trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Các hồ nước tích trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Mùa khô, người dân miệt dưới còn có nước dùng nhưng với vùng Bảy Núi là vấn đề khó khăn. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết: “Mùa khô, nắng gắt, muốn có nước sinh hoạt người dân phải dậy từ 3 giờ sáng mang theo thùng, can nhựa đến giếng vét nước. Ai đến trước thì đặt thùng xếp hàng chờ đến lượt mình. Nước sinh hoạt còn không đủ dùng thì có đâu nước tưới! Nhưng bây giờ đã có hệ thống hồ, trạm bơm, nhà máy nước sạch xây dựng cung cấp đủ nước tưới tiêu, sinh hoạt cho người dân”.

Ðó cũng là nỗi lòng ngày nào của người dân xã An Cư, thị xã Tịnh Biên (trước đó là huyện Tịnh Biên) khi mùa khô về. Thế rồi, khi đám trẻ chăn trâu phát hiện vũng nước nhỏ không bao giờ cạn nằm ở ấp Ba Xoài, xã An Cư và kể lại cho người lớn nghe. Người ta kéo nhau đến, người có xe trâu hay xe ngựa đánh xe chở nước về. Hay tin, địa phương đã khảo sát và nhận thấy đây là mạch nước ngầm, nguồn nước đạt chuẩn cho nên mở rộng thành hồ Cây Ðuốc, làm đường ống cấp nước sinh hoạt cho người dân xã An Cư và một số xã lân cận.

Nông dân Chau Út, ngụ ấp Phước Bình, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn có hơn 5 công đất ruộng nhớ lại, vùng này có 6 tháng mùa mưa và 6 tháng mùa khô, mùa khô thì đất nứt nẻ không trồng gì được. Vì thế nông dân chỉ trồng được 1 vụ lúa vào mùa mưa nhưng mưa to cùng với nước suối, nước mưa từ núi Cô Tô chảy tràn xuống cũng gây ngập lụt thiệt hại lúa, hoa màu. Năm nào lượng mưa ít thì cây lúa, rau màu lại không đủ nước.

Trong trí nhớ ông Chau Út, ngày xưa hồ Ô Thum nhỏ như cái ao, chỉ hứng nước mưa, nước ngầm từ núi Cô Tô cho nên không đủ nước dùng. Từ khi được cải tạo thành hồ với dung tích hơn 250.000 m3, đã cấp nước cho hàng trăm ha đất ruộng vùng trên. Nguồn nước ổn định, ông Chau Út yên tâm làm ruộng ba vụ/năm, từ đó cuộc sống cũng khấm khá hẳn lên.

Cùng với hồ Ô Thum, các “ao nhỏ” trước đây như Soài So, Soài Check, Ô Tức Sa, Ô Tà Sóc… được mở rộng, nâng cấp đã thành hồ lớn cung cấp nước tưới tiêu quanh năm cho nhà vườn, nhà nông. Những đồng ruộng, đất vườn, đất rẫy ven chân núi, chân hồ ngày nào khô hạn nay xanh mướt, vàng rực mầu lúa, mầu xanh rau màu. Mùa khô, chúng tôi men theo đường dẫn nước của Trạm bơm 3/2 chạy xuyên qua cánh đồng xã An Cư, thị xã Tịnh Biên trong tiếng nước chảy rì rào.

Nông dân Bùi Văn Quí ngụ xã Lê Trì, huyện Tri Tôn vui mừng khi hồ Núi Dài 2 sắp đưa vào sử dụng. Ông Quí chuyên trồng xoài, trước đây phải nghĩ đủ cách để tìm cách trữ nước tưới cho xoài như đào hố hứng nước mưa, dẫn nước ngầm từ núi Dài chảy ra, lót bạt cao su quanh vườn giữ nước. Còn ông Nguyễn Văn Văn cho biết, huyện Tri Tôn hưởng lợi từ 4 hồ lớn gồm hồ Soài Check, Soài So, Ô Thum, Ô Tà Sóc và những trạm bơm vùng cao ở các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống như xã Ô Lâm, An Tức, Châu Lăng, Lương Phi.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Tịnh Biên Phạm Thành Nhơn, sau khi có hệ thống thủy lợi, đồng bào dân tộc Khmer tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho nên lúa đạt năng suất 5,4-7,3 tấn/ha thay vì 4,5 tấn/ha như trước đây. Ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang thông tin, Trung ương và tỉnh đã đầu tư xây dựng 1.957 công trình thủy lợi gồm: 422 cống, 221 tiểu vùng đê bao; 288 trạm bơm với tổng công suất 614.140m3/giờ; 14 hồ chứa nước với dung tích khoảng 4,48 triệu mét khối… cung cấp nước sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho hơn 14.000 dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc với hơn 4.000 ha đất...

Việc xây dựng các hồ trữ nước ngọt, trạm bơm, hệ thống thủy lợi đã hạn chế tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến vùng Bảy Núi. Nông dân vùng cao đã đóng góp hạt lúa cho vựa lúa Tứ giác Long Xuyên, từ làm một vụ luôn lo thiếu ăn, nay họ có thể an tâm sản xuất, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu vẫn là mối lo tiềm ẩn với vùng cao.

Vấn đề này, ông Lương Huy Khanh cho biết, để chủ động ứng phó hạn hán, tỉnh tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và nguồn vốn của tỉnh để đầu tư hệ thống thủy lợi vùng cao. Hiện tỉnh đang tổ chức thực hiện đầu tư dự án: Cụm công trình thủy lợi vùng cao Bảy Núi, thời gian từ 2024-2026, đầu tư mới 6 trạm bơm vùng cao và nâng cấp các trạm bơm hiện có, khi đưa vào sử dụng sẽ phục vụ tưới thêm cho 1.475 ha.

Ðồng thời, tỉnh đề xuất các dự án khác như: Dự án hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc; dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng Ðồng bằng sông Cửu Long….