Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thị sát các tuyến đê tại huyện Thường Tín

Chiều 10/9, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã thị sát tuyến đê bối, xã Tự Nhiên và đê sông Nhuệ, thôn Phú Lương, xã Tân Minh (huyện Thường Tín).  Theo báo cáo của chính quyền địa phương, mực nước sông Nhuệ tại cống Đồng Quan lúc 17 giờ trên mức báo động III là 2cm; mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn An Cảnh lúc 17 giờ  trên mức báo động I là 45cm.

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thị sát các tuyến đê trên địa bàn huyện Thường Tín
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thị sát các tuyến đê trên địa bàn huyện Thường Tín

Báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, theo thống kê ban đầu, trên địa bàn huyện chưa có thiệt hại về người do thiên tai; 557 công trình bị tốc mái; 250 biển quảng cáo, pano bị hư hỏng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện có khoảng 2.018 héc-ta lúa bị đổ; khoảng 716 héc-ta rau màu dập nát; khoảng 310 héc-ta hoa, cây ăn quả bị ngập nước và khoảng 170 héc-ta thủy sản bị tràn bờ; gia cầm chết khoảng 460 con; một số chuồng trại chăn nuôi bị ngập úng; tổng số 4.684 cây xanh bị gãy, đổ; 91 cột điện các loại và 3 cột viễn thông bị gãy đổ.

Bão số 3 và hoàn lưu bão số 3 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống điện và mạng viễn thông trên địa bàn.

Chiều tối và đêm 9/9 đã mất điện diện rộng trên địa bàn huyện, ảnh hưởng đến hoạt động của trạm bơm tiêu úng cũng như công tác chỉ đạo, điều hành.

Hiện tại, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện tiếp tục rà soát các thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra trên địa bàn; đồng thời, yêu cầu Xí nghiệp Thủy lợi Hồng Vân phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã vận hành các trạm bơm tiêu phục vụ công tác tiêu úng.

UBND huyện cũng yêu cầu Công ty Điện lực Thường Tín tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành khắc phục sự cố về điện, kịp thời cung cấp điện ổn định cho các trạm bơm tiêu úng và sản xuất, dân sinh trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân các xã khẩn trương khắc phục, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão.

Đặc biệt, chính quyền các xã dọc tuyến sông Hồng, sông Nhuệ liên tục theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của mưa lũ để kịp thời triển khai những phương án đã được phê duyệt.

Chỉ đạo tại buổi kiểm tra, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Thường Tín phải bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố; phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện có đê, nắm tình hình các tuyến sông, tuyến đê. Tuyệt đối không chủ quan, không để bị động, lường trước mọi nguy cơ, mọi tình huống. Đặc biệt, huyện cần có phương án, kịch bản theo từng cấp độ của báo động lũ, duy trì ứng trực 24/24 giờ; chủ động, kiên quyết di dời người dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm; rà soát các cầu yếu, không để phương tiện và người dân qua lại khi không bảo đảm an toàn

* Cùng ngày, hưởng ứng lời kêu gọi “Nhân dân Thủ đô tham gia ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phát động, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, Hà Nội cùng cả nước”, chia sẻ khó khăn với các tỉnh, thành phố, cơ quan Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã quyên góp, ủng hộ nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

Mỗi cán bộ, công chức, người lao động cơ quan Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ủng hộ ít nhất 1 ngày lương.

Tổng số tiền ủng hộ của người lao động cơ quan là trên 40 triệu đồng. Toàn bộ kinh phí ủng hộ được chuyển tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội.