Hà Nội kiểm soát các điểm dân cư ven sông, không để xảy ra thiệt hại về người khi lũ các sông lên cao

Trước nguy cơ mất an toàn do nước sông lên cao, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các sở ngành, các địa phương tuyệt đối không chủ quan, ứng phó mưa lũ theo tinh thần từ sớm, từ xa và sẵn sàng các phương án theo “4 tại chỗ”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.

Sáng 10/9, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã về công tác ứng phó với lũ lớn trên các tuyến sông.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, hiện nay mực nước trên các tuyến sông đều đang ở mức báo động.

Cụ thể, mực nước sông Tích, sông Bùi, sông Cầu, sông Đáy đã vượt báo động 3; mực nước các sông Nhuệ, sông Cà Lồ đang ở mức báo động 2.

Căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên) hồi 11 giờ 10 phút ngày 10/9 là 9,5m; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội lệnh báo động I trên sông Hồng vào hồi 11 giờ 10 phút ngày 10/9 tại địa phận các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.

Đến nay, thủy điện Tuyên Quang đang mở 7 cửa xả, hồ Thác Bà mở 3 cửa xả, hồ Hòa Bình mở 2 cửa xả.

Đêm 9/9, quận Ba Đình đã sơ tán 35 hộ với 55 nhân khẩu ở khu vực chợ Long Biên đến nơi an toàn. Các địa phương đang tiếp tục theo dõi diễn biến mực nước sông để sẵn sàng sơ tán người dân.

Theo Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ) Đinh Hữu Dương, trong 24 giờ tới, thành phố Hà Nội và các vùng lân cận tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với tổng lượng mưa tích lũy phổ biến trong khoảng từ 50-80mm, có nơi hơn 100mm.

Mưa lớn kết hợp mực nước sông lên cao nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập lụt các vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, bãi nổi ngoài đê với thời gian kéo dài, độ sâu ngập từ 0,5-1,0m, ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê, vùng ven sông Đà, sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống, sông Đáy, sông Cà Lồ.

Đặc biệt chú ý khu vực sông Hồng, sông Đuống có nguy cơ cao ngập ven bờ bãi Phúc Xá (Ba Đình), bến đò Ngọc Lâm, 2 bên bờ cầu Long Biên, chân cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long, phía sau chợ Long Biên, khu vực Đình Chèm (Bắc Từ Liêm)…

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức, vào hồi 9 giờ sáng 10/9, mực nước sông Bùi đã trên mức báo động 3. Nước lên nhanh khiến đê Bùi 2 bị tràn. Hiện, có 5 xã với 9 thôn, 450 hộ dân và 1.200 nhân khẩu bị ngập. Huyện đã sơ tán 361 hộ ở 4 thôn.

“Nếu mưa tiếp diễn, dự kiến trong 2-3 ngày tới nước sông Bùi sẽ lên 7,4m và nguy cơ ngập ở 22 thôn của 8 xã, với khoảng 3.500 nhân khẩu (2.800 hộ). Hiện, địa phương đang chỉ đạo các xã thực hiện phương án ứng phó “4 tại chỗ”, trong đó, bảo đảm nhu cầu về thực phẩm, thuốc men…”, đồng chí Nguyễn Anh Đức nói thêm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn cho biết, hồi 9 giờ sáng 10/9, mực nước sông Tích lên vượt mức báo động 3 gây ngập úng tại 5 xã với 117 hộ (427 nhân khẩu) bị ảnh hưởng. Một số trường học ở các xã Tuyết Nghĩa, Đông Xuân hiện đang bị ngập, học sinh chưa thể đến trường.

Hà Nội kiểm soát các điểm dân cư ven sông, không để xảy ra thiệt hại về người khi lũ các sông lên cao ảnh 2
Mực nước sông Hồng đang lên nhanh, vượt báo động I tại trạm thủy văn An Cảnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh nguy cơ mất an toàn lớn từ mực nước sông lên cao, do đó, các sở ngành, quận, huyện, thị xã tuyệt đối không chủ quan, ứng phó mưa lũ theo tinh thần từ sớm, từ xa và sẵn sàng các phương án theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các địa phương tiếp tục tổ chức ứng trực, nắm bắt tình hình xả lũ để thông tin kịp thời đến người dân tại các địa phương ven sông biết, chủ động phòng tránh. Duy trì cơ chế thông tin, liên lạc và các điều kiện ứng phó với mưa lũ trên các sông.

Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ các điểm dân cư ven các tuyến sông, khu vực bãi giữa. Lên phương án và biện pháp để kiên quyết di dời, tuyệt đối không để thiệt hại về người. Đồng thời, phân công nhiệm vụ các cấp hỗ trợ người dân bảo vệ tài sản.

Các Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... rà soát nguồn cung thực phẩm để phục vụ người dân; sẵn sàng hàng hóa thiết yếu hỗ trợ cho người dân trong trường hợp bị ngập lụt, chia cắt do nước lũ…

Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị các sở ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Hà Nội, cũng như cơ chế thông tin, báo cáo… để lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố nắm bắt tình hình, kịp thời có chỉ đạo ứng phó mưa lũ.