Ngày 21/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 đã diễn ra Phiên họp toàn thể về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Phiên họp được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và phát biểu chỉ đạo về công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế tại điểm cầu Hà Nội.
Xác định rõ các ưu tiên hợp tác và lộ trình thực hiện
Tại hội nghị, cập nhật triển vọng kinh tế thế giới, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới không mấy khả quan, dự báo chỉ phục hồi nhẹ vào năm 2024 trước tác động từ những rủi ro an ninh năng lượng, xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế…
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Tuy nhiên, kinh tế thế giới cũng đang chứng kiến những xu hướng phát triển mới mà tất cả các quốc gia, địa phương, doanh nghiệp trên toàn cầu đang phải thích ứng mạnh mẽ.
Đơn cử như thực tế tại Hoa Kỳ, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, có các xu hướng nổi trội mà chính phủ và doanh nghiệp nước này đang hết sức quan tâm, như toàn cầu hoá, liên kết kinh tế thế giới đang thay đổi theo hướng tăng tính linh hoạt trong hợp tác thương mại, theo nhóm, theo khối, bảo hộ thương mại nhiều hơn.
Theo đó, doanh nghiệp Hoa Kỳ đang tiếp tục dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất tới các quốc gia thân thiện, nội khối, tăng khả năng tự lực, tự cường trong nước để tăng khả năng ứng phó, cũng như quan tâm đầu tư và các lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo, chất bán dẫn, năng lượng xanh…
Nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ ngoại giao kinh tế phục vụ đất nước
“Những xu hướng mới đòi hỏi các quốc gia, khu vực không thể đứng yên, đứng riêng lẻ mà cần sự hợp tác, chia sẻ lợi ích, rủi ro ngày càng cao”, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ chỉ rõ. Từ đó, theo đại sứ, các bộ, ngành, địa phương Việt Nam cần có các giải pháp để thích ứng với xu hướng mới này, trong đó các địa phương cần liên kết với nhau để tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh, có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, logistics, nguồn nhân lực… phong phú, ổn định để thu hút nhà đầu tư Mỹ, đón đầu các xu hướng thay đổi, chuyển dịch mới.
Ngoài ra, cần tập trung một số biện pháp nhằm cụ thể hóa nội hàm kinh tế trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, trong đó cần có cơ chế phối hợp liên ngành để tổng hợp, rà soát, đôn đốc việc thực hiện các nội dung đã thoả thuận.
Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các văn kiện, chủ động đề xuất, rà soát các nội dung, kinh phí, lộ trình hợp tác cụ thể, cũng như chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, chủ động liên hệ, tìm kiếm các đối tác, doanh nghiệp Hoa Kỳ và tiến hành gặp gỡ, họp với phía Hoa Kỳ để xác định rõ các ưu tiên và lộ trình thực hiện.
Tận dụng tối đa tiềm năng, cơ hội, chủ động thích ứng, hợp tác
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu Nguyễn Văn Thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Chia sẻ về kết quả hợp tác với một trong những đối tác quan trọng là Liên minh châu Âu (EU), Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-EU đã đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, trong đó có hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác hơn nữa. Việt Nam cần đề ra giải pháp phù hợp, tận dụng tối đa tiềm năng, cơ hội, vượt qua thách thức để đạt hiệu quả cao nhất.
Theo đại sứ, với một đối tác quan trọng như EU, cần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác, song để đạt hiệu quả trong từng giai đoạn, Việt Nam phải chọn các lĩnh vực trọng điểm để tạo tác động lan tỏa. Với nhiệm vụ ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, từ thực tiễn trên địa bàn EU, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo kiến nghị đưa hợp tác bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu thành lĩnh vực hợp tác trọng điểm giữa hai bên trong thời gian tới.
Đại sứ cho rằng, hợp tác trong lĩnh vực này sẽ tác động mạnh mẽ đến thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với EU và khu vực, không chỉ giúp Việt Nam tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững mà còn giúp tác động đến hợp tác với các đối tác khác.
Đại sứ chỉ rõ, EU là đối tác quan trọng của Việt Nam nhưng kết quả đạt được vẫn còn xa với tiềm năng. Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-EU đạt 52 tỷ USD, chỉ chiếm 1,7% tổng nhu cầu nhập khẩu của EU. Đầu tư của EU vào Việt Nam chỉ 27 tỷ USD, thua xa một số nước.
Doanh nghiệp xuất khẩu cần sớm thích ứng Thỏa thuận xanh EU
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, EU đã ban hành một loạt các chính sách mới, như chính sách về carbon, chính sách về trách nhiệm giải trình... Những chính sách này sẽ có tác động mạnh mẽ đến xuất khẩu của Việt Nam nếu chúng ta không đáp ứng yêu cầu, nhất là các ngành lớn như dệt may, da giày…
Vì thế, lựa chọn tốt nhất là Việt Nam chủ động thích ứng, hợp tác với EU trong lĩnh vực này, qua đó góp phần giúp tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu với EU cũng sẽ có tác động mạnh mẽ tới các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế biển…, tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác bền vững về điện gió, giảm phát thải và các vấn đề môi trường. Đây là các lĩnh vực EU có thế mạnh và có nhu cầu hợp tác, đồng thời sẵn sàng hợp tác với Việt Nam.
Hơn nữa, hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu hiện là xu thế của thế giới, không thể cưỡng lại. Nếu Việt Nam đi trước sẽ có cơ hội thu hút nguồn lực, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh với các đối tác khác.
Khẳng định EU muốn đa dạng hợp tác và Việt Nam được coi là đối tác quan trọng của EU trong khu vực, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh, lãnh đạo EU đánh giá cao cam kết của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon. Do đó, để giữ đà quan hệ, đại sứ kiến nghị cần đưa hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu trở thành ưu tiên trong hợp tác giữa Việt Nam và EU từ nay đến năm 2030, khẳng định đây là “đúng lĩnh vực, đúng đối tác và đúng thời điểm”.
Tăng cường quan hệ hợp tác thực chất
Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Chia sẻ về thị trường Trung Quốc, ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao cho rằng, việc tăng cường quan hệ hợp tác thực chất, nhất là về kinh tế thương mại với Trung Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng và là cơ hội lớn với chúng ta trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường với Việt Nam, với thị trường có 400 triệu người bước vào tầng lớp trung lưu, có quy mô tương đương thị trường EU nhưng lại nằm ngay cạnh Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Bình cũng chỉ rõ, việc Trung Quốc gần đây đã nâng cao tiêu chuẩn về một số mặt hàng nhập khẩu cũng là rào cản đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nếu không đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, những xu thế mới như Trung Quốc đang thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới cũng sẽ tạo sức ép lớn nếu không bắt kịp trào lưu, xu hướng mới này.
Từ đó, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á cho rằng, để triển khai thực hiện hiệu quả nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao và khai thác tốt hơn nữa tiềm năng hợp tác giữa hai nước, cần tranh thủ không khí chính trị tốt đẹp để đẩy mạnh hợp tác thực chất, hiệu quả hơn, trong đó nên tiếp tục phát huy tối đa kênh cấp cao để tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác giữa hai bên, trong đó ban chỉ đạo song phương cần thường xuyên rà soát, đôn đốc triển khai các thỏa thuận, chương trình hợp tác hai bên đã ký kết, bảo đảm hiệu quả, thực chất, tránh hình thức.
Ngoài ra, bên cạnh mở rộng quy mô hợp tác kinh tế, cần nhận thức rõ về thị trường Trung Quốc không còn dễ tính và đang dần chuyển sang yêu cầu cao, do đó hàng hóa của Việt Nam cần chính quy hiện đại, chính ngạch.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần nâng cao chất lượng hàng hóa, nắm bắt kịp thời chính sách của Trung Quốc, phát triển theo hướng sản phẩm xanh, sạch, thích ứng với yêu cầu mới để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.
Về đầu tư, ông Phạm Thanh Bình cho rằng, xu thế Trung Quốc đang chuyển dịch đầu tư ra bên ngoài cũng là ưu thế cho Việt Nam để tăng cường hợp tác về năng lượng xanh, hạ tầng, do đó cần tăng cường hợp tác về các lĩnh vực này, đặc biệt là giao thông, trên cơ sở hài hòa yếu tố lợi ích kinh tế với an ninh, phù hợp điều kiện, tình hình Việt Nam.