Chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Mặc dù công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố được triển khai từ sớm, nhưng trước dự báo diễn biến thời tiết phức tạp, thành phố cần chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
0:00 / 0:00
0:00
Diễn tập ứng phó thiên tai tại huyện Gia Lâm. (Ảnh TRỌNG TÙNG)
Diễn tập ứng phó thiên tai tại huyện Gia Lâm. (Ảnh TRỌNG TÙNG)

Sáng 5/6, trên địa bàn thành phố Hà Nội và vùng lân cận xảy ra mưa to, kèm theo giông sét nguy hiểm. Hậu quả, một phụ nữ đang cắt rau tại ruộng ở huyện Thanh Trì bị sét đánh phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Theo đại diện Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ 6 giờ đến 9 giờ ngày 5/6, tại khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên xuất hiện hơn 10.500 cú sét, trong đó hơn 7.000 cú sét đánh xuống đất. Thời điểm từ 7 đến 8 giờ sáng là thời điểm có giông sét nhiều nhất, với 2.855 cú sét, trung bình 10 phút có 475 cú sét đánh xuống đất tại khu vực Hà Nội và vùng lân cận. Có thời điểm trong 1 giây có tới 10 cú sét được ghi nhận (lúc 8 giờ 25 phút 47 giây).

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nêu rõ, ngay từ những tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã trải qua nhiều đợt nắng nóng, mưa, giông lốc phức tạp. Điển hình như trận giông lốc vào tối 20/4 khiến 56 ngôi nhà bị tốc mái, hơn 6.000 cây xanh, cây ăn quả, cây lấy gỗ bị gãy đổ… Đáng lo ngại, diễn biến thiên tai từ nay đến cuối năm 2024 được cơ quan chuyên môn nhận định sẽ còn rất phức tạp, khó lường.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, khu vực sẽ chịu ảnh hưởng của hai đến ba cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Nắng nóng sẽ xảy ra nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, tập trung từ tháng 6 đến tháng 8/2024. Toàn mùa có từ sáu đến tám đợt mưa lớn diện rộng, khả năng sẽ xuất hiện từ ba đến năm đợt lũ, trong đó có từ một đến ba đợt lũ lớn trên sông Đáy và các sông nội tỉnh.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, năm 2023 và những tháng đã qua của năm 2024, thiên tai xảy ra trên địa bàn thành phố ảnh hưởng khá lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.

Khu vực Hà Nội chịu ảnh hưởng của 21 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường; 12 đợt nắng nóng, trong đó đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt xảy ra từ ngày 16 đến 23/5/2023 với nhiệt độ cao nhất từ 40,10C đến 41,30C. Ngoài ra, thành phố còn chịu ảnh hưởng của một số loại hình thiên tai khác như: Ngập lụt, sạt lở đất, sét, giông lốc, cháy rừng tự nhiên… Vì thế, việc chủ động ứng phó thiên tai theo phương châm "bốn tại chỗ" là yêu cầu đặt ra cấp thiết.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, cho nên thiệt hại do các sự cố thiên tai trong năm 2023 và 5 tháng đã qua của năm 2024 trên địa bàn Hà Nội đã được giảm thiểu tối đa. Đặc biệt, an toàn công trình đê điều, hồ, đập được bảo đảm; không để xảy ra tình trạng ngập úng kéo dài, ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi và đời sống sinh hoạt của người dân.

Mới đây, tại hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, phường, thị trấn năm 2024 do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội tổ chức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền cơ sở phải xác định nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, sự cố là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng. Các địa phương cần huy động sức mạnh của toàn dân, sử dụng sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để "phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả" trong mọi tình huống. Cấp ủy, chính quyền cơ sở cần chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm đê điều, xâm hại hồ đập, vi phạm quy định phòng chống thiên tai ngay từ khi mới phát sinh.