Sáng 17/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 1. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn dự và chỉ đạo cuộc họp.
Dự kiến sơ tán gần 30.000 người tránh bão số 1
Theo Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm, sáng hôm nay (17/7), bão số 1 đã có cường độ cuối cấp 11, đầu cấp 12, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) 310 km về phía Đông Đông Nam.
Dự báo từ nay đến chiều (17/7), bão hướng về đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó dọc theo bắc Vịnh Bắc bộ, vào giữa Đông Đông Nam và Quảng Tây (Trung Quốc).
Trong 24 giờ tới bão di chuyển hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/giờ; cường độ cấp 11-12, giật cấp 15. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: phía bắc vĩ tuyến 17,5 độ vĩ bắc, từ kinh tuyến 107,5-115,5 độ kinh đông.
Hướng đi của bão số 1. |
Gió mạnh trên biển từ chiều và tối ngày 17/7, khu vực bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Biển động dữ dội.
Trên đất liền, từ gần sáng ngày 18/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 13; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ cấp 6-7, giật cấp 9.
Nước dâng, sóng lớn sóng biển: vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông cao 5-7m; Bắc Vịnh Bắc Bộ cao 3-5m; ven biển từ Quảng Ninh - Nam Định cao 2-4m. Ven biển từ Quảng Ninh-Thái Bình có nước dâng từ 0,5-0,8m. Dự kiến đổ bộ vào đất liền từ Quảng Ninh-Thái Bình vào chiều tối ngày 18/7.
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm báo cáo nhanh tại cuộc họp. |
Thủy triều dự kiến cao nhất 3,7m lúc 18 giờ ngày 18/7 (thời điểm dự kiến bão đổ bộ). Nguy cơ cao ngập úng ở khu vực trũng thấp tại khu vực ven biển, cửa sông, sạt lở bờ biển.
Mưa lớn từ đêm 17/7 đến ngày 20/7, Bắc Bộ mưa 200-400mm, có nơi trên 500mm; Thanh Hóa và Nghệ An mưa 100-200mm, có nơi trên 300mm. Mưa ở Bắc Bộ có thể kéo dài.
Hiện tại, các địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm và trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; trong đó các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh-Ninh Bình dự kiến sơ tán khoảng 29.887 người (Quảng Ninh 700, Hải Phòng 8.691, Thái Bình 19.021; Nam Định 1.128; Ninh Bình 347).
Các địa phương quyết tâm bảo đảm an toàn trước bão số 1
Báo cáo tại cuộc họp, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong 2 ngày qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, ban hành các văn bản, tổ chức kiểm tra ở các địa phương để chuẩn bị tốt nhất phòng, chống bão số 1.
Hiện, Quảng Ninh đã bố trí các lực lượng sẵn sàng hơn 1.000 người. Ngoài ra còn có 1.000 người khác sẵn sàng ứng trực. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, toàn tỉnh có trên 6.000 tàu, 231 tàu đánh bắt xa bờ đã vào khu vực neo đậu an toàn. Với nuôi trồng thủy sản, Quảng Ninh có 14.000 lồng hiện đã kiểm soát, chằng chéo bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ.
"Toàn bộ người già, trẻ nhỏ và phụ nữ đã đưa vào vùng an toàn", ông Diện nói. Đối với hoạt động du lịch, 12 giờ trưa nay (17/7) Quảng Ninh sẽ cấm biển và dừng toàn bộ tàu ra khơi. Hiện Quảng Ninh có khoảng hơn 4.000 khách du lịch sẽ được đưa về đất liền trước khi bão đổ bộ. Đối với khách ở lại trên các đảo, tỉnh sẽ bố trí ăn nghỉ, ổn định tình hình.
Bên cạnh đó, địa phương này đã rà soát thông tin, triển khai các biện pháp phòng, chống lũ quét có thể xảy ra sau bão.
Quang cảnh cuộc họp. |
Trong khi đó, tại Hải Phòng, tính tới 5 giờ sáng nay, 17/7, tỉnh đã liên lạc với tất cả gần 2.000 tàu thuyền. Hiện 45 phương tiện đang di chuyển về bờ, hơn 1.300 phương tiện khác đã neo đậu ở 3 vị trí an toàn.
Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, tại Bạch Long Vĩ hiện đã có mưa nhỏ và xuất hiện gió cấp 2 tới cấp 3. Khu vực này, ngoài 27 tàu thuyền đang ở trong âu tàu thì chỉ còn 8 phương tiện hoạt động cách đảo từ 1-5 hải lý và vẫn trong tầm kiểm soát.
Tại Cát Bà, 9.600 lượt khách lưu trú đang được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng vận động về đất liền trong ngày. Các trường hợp muốn ở lại cũng sẽ được bố trí nơi ăn ở bảo đảm an toàn.
"Hải Phòng sẽ cấm biển từ 21 giờ ngày hôm nay. Từ 12 giờ trưa 17/8, mọi hoạt động du lịch cũng sẽ dừng", ông Nguyễn Đức Thọ thông tin thêm.
Về sản xuất nông nghiệp, các địa phương tại Hải Phòng cũng sẽ thực hiện ứng trực với phương châm 4 tại chỗ. Hiện, các Sở Xây dựng, Giao thông vận tải cùng các huyện, xã tiếp tục khẩn trương triển khai các biện pháp sẵn sàng đối phó với bão số 1.
Đại diện các bộ, ban ngành báo cáo tại cuộc họp. |
Thông tin tại cuộc họp, Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho hay, hiện đơn vị này cũng đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Yêu cầu các sân bay có thể bị ảnh hưởng trực tiếp như Cát Bi, Vân Đồn... điều chỉnh lịch bay, tuyến bay phù hợp; chống tràn tại các nhà ga; triển khai phương án dừng tàu khi có bão; điều tiết, thông tuyến trong và sau bão...
Bộ Giao thông vận tải cũng đã liên lạc trực tiếp với các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, hướng dẫn thực hiện các giải pháp an toàn theo phương án tránh bão đã được phê duyệt.
Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân lưu ý các địa phương cần chủ động lưu trữ hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, đặc biệt hoạt động khai thác khoáng sản.
Hàng loạt sân bay phía bắc có thể bị ảnh hưởng bão số 1
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: "Dù Ban chỉ đạo và các địa phương đã có kinh nghiệm trong phòng, chống bão nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Không có gì là chắc chắn, dự báo vẫn là dự báo".
Phó Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo, các địa phương thực hiện tốt Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16/7/2023 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó với bão.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đề nghị Ban chỉ đạo và các địa phương cần chủ động, linh hoạt; phối hợp tốt và chuẩn bị chu đáo nhất trước có thể, quyết tâm không để có thiệt hại về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản trước, trong và sau bão.