Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương, với 75% số người dân sử dụng internet, Việt Nam có 74,8% số người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến. Quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng và thực phẩm… là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử vẫn diễn biến phức tạp. Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ phổ biến ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn.
Với sự đa dạng về mẫu mã và phong phú về chủng loại, hàng giả, hàng kém chất lượng… không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, mà nguy hại hơn là ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.
Khảo sát trên các trang mạng xã hội dễ dàng bắt gặp những lời mời chào mua hàng có thương hiệu nổi tiếng như: Adidas, Gucci, Chanel, Boss… nhưng chủ yếu đó là những loại hàng hóa làm giả thương hiệu, hàng vi phạm bản quyền và cả hàng cấm kinh doanh. Khách hàng chỉ cần đặt số lượng và báo địa chỉ là hàng sẽ được chuyển tới tận nơi. Hiện nay, không ít người tiêu dùng lo ngại khi mua bán trên môi trường thương mại điện tử.
Chị Trần Thị Dung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Người tiêu dùng rất khó nhận biết hàng thật, hàng giả và khó kiểm tra chất lượng hàng khi mua hàng trên mạng".
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc hiện chưa được kiểm soát chặt chẽ là do lợi nhuận thu được từ việc sản xuất, buôn bán những mặt hàng này quá lớn.
Trong khi đó, các chủ quyền sở hữu trí tuệ chưa thật sự chú ý đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chỉ quan tâm đến các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng, ghi nhãn hàng hóa và quên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp chưa phối hợp với các cơ quan chức năng, xem việc xử lý vi phạm là nhiệm vụ của các cơ quan thực thi pháp luật.
Mặt khác, trong quá trình yêu cầu các đơn vị là các sàn giao dịch thương mại điện tử rà soát website về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... còn gặp một số khó khăn. Chẳng hạn như các sàn chưa đầu tư đúng mức cho nhân sự, bộ phận kỹ thuật để kiểm duyệt sản phẩm.
Đáng lo ngại, còn có một số hiện tượng người nổi tiếng tiếp tay cho các đối tượng quảng bá những sản phẩm kém chất lượng trên các mạng xã hội theo hình thức livestream, rồi việc khó xác định kho bãi, nguồn gốc hàng hóa, làm cho công tác thực thi pháp luật, kiểm tra càng trở nên khó khăn.
Để tăng cường hiệu quả bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng thương mại điện tử, góp phần kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ thương hiệu các sản phẩm trên internet, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) Trần Văn Dũng cho biết, cùng với việc thực hiện nghiêm Kế hoạch số 888 (Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025) của Tổng cục Quản lý thị trường, các doanh nghiệp cần phối hợp với ngành chức năng áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc ứng dụng công nghệ số chống hàng giả.
Trong đó, chú trọng xử lý các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần xây dựng và nâng cao năng lực của bộ phận sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp; thiết lập các kênh phân phối chính thức, ổn định, thuận tiện (đặc biệt chú trọng các kênh thương mại điện tử) để người tiêu dùng dễ tiếp cận; thiết lập các kênh giám sát thị trường, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi, các cơ quan hỗ trợ thực thi, các sàn thương mại điện tử để đối phó có hiệu quả với các hành vi giả mạo, cạnh tranh không lành mạnh, cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Về lâu dài, phải xây dựng nền tảng thương mại điện tử vững chắc, lựa chọn đơn vị điển hình để đẩy lùi các tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Ngoài ra, cần làm tốt công tác tuyên truyền giúp người tiêu dùng có các kinh nghiệm, kiến thức để nhận diện hàng giả, mua được hàng thật, hàng chất lượng, hàng đúng giá.
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là lĩnh vực dược, mỹ phẩm, cơ quan chức năng cần kiểm tra và đề ra các quy định để doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm tuân thủ. Cần xác minh, lưu hành, dán nhãn phụ đối với các sản phẩm nhập khẩu; tăng cường tập huấn và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cơ quan chức năng để có thể phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng buôn bán, sản xuất hàng kém chất lượng.
PHẠM THỊ ĐÀO Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Anh Đào
Các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng đa kênh và xác minh đầy đủ thông tin chứng minh gian hàng chính hãng. Các doanh nghiệp cũng nên đăng tải các giấy tờ chứng minh chất lượng sản phẩm, đặc biệt cần tối ưu việc chống giả cho sản phẩm bằng việc sử dụng các công nghệ chống giả, dán tem chống hàng giả truy xuất nguồn gốc.
PHẠM VĂN HUY, Chuyên viên tư vấn thương mại điện tử - Hội Thương mại điện tử Việt Nam, tại Cần Thơ