Trên diện tích 1,5ha tại trung tâm thị trấn Hùng Sơn, chợ Chợ Đại Từ được đầu tư bài bản với 400 ki-ốt ở trong chợ, chung quanh, khu vực ngoài trời buôn bán tất cả các mặt hàng phục vụ sản xuất, đời sống người dân.
Tại đây, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, ca-me-ra an ninh được lắp đồng bộ, đội ngũ quản lý, bảo vệ chuyên nghiệp, tiểu thương có ý thức nên từ khi đi vào hoạt động năm 2017 đến nay không xảy ra cháy, nổ, trộm cắp mất mát tài sản của tiểu thương.
Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, từ tháng 4/2022, Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên, Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ và Viettel Thái Nguyên chọn chợ Đại Từ làm thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt, ban đầu gặp không ít khó khăn.
Đại diện đơn vị đầu tư, quản lý chợ, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư chợ Miền Bắc Đinh Văn Giáp, cho biết: Ban đầu, các tiểu thương, người dân, nhất là người dân nông thôn rất băn khoăn với việc thanh toán không dùng tiền mặt, vì không biết có tiện lợi, không có tài khoản, ngại thay đổi thói quen, nhất là không biết có an toàn không.
Nhưng với sự kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục, hỗ trợ, hướng dẫn của đội ngũ nhân viên Viettel Thái Nguyên, cán bộ chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ, Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên nên băn khoăn, khó khăn, vướng mắc đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt dần được tháo gỡ.
Viettel Thái Nguyên tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ tiểu thương, người dân lập tài khoản, nạp tiền vào tài khoản Viettel Money, trang bị mã QR, kết nối với nhiều ngân hàng và các ví điện tử, hỗ trợ tiểu thương và khách hàng thực hiện giao dịch.
Chị Nguyễn Thị Đông, người chuyên bán rau ở chợ Đại Từ, chia sẻ: Với thói quen dùng tiền mặt từ trước đến nay nên khi thực hiện thanh toán điện tử thì rất ngại, sợ rườm rà, không chắc chắn, nhưng được sự tuyên truyền rộng rãi đến người dân, hướng dẫn của nhân viên Viettel thì thấy việc thanh toán dễ dàng, thuận lợi cho cả người bán và người mua hàng, trong đó thanh toán được cả tiền vài trăm đồng, vài ba nghìn đồng mà dùng tiền mặt thì nhiều khi không có để thanh toán nên cũng bất tiện.
Huyện Đại Từ có nhiều nhà máy, xí nghiệp, công nhân ngày càng tăng và tất cả đều được trả lương qua tài khoản.
Chị Dương Thanh Hà bán giày dép ở chợ Đại Từ, chia sẻ: Một số khách hàng sau khi chọn giầy, dép xong, quay ra thanh toán, thấy mình không có mã QR nên không thanh toán được, trong khi lại không có sẵn tiền mặt nên chuyển sang hàng khác, như vậy là mình không bán được hàng nên ngay sau đó phải đăng ký mã QR để tiện cho thanh toán.
Ông Đinh Văn Giáp cho hay, trước đây, tiểu thương tại Chợ Đại từ thường ôm khư khư túi, cặp đựng tiền vì sợ mất, rơi, nhưng từ khi thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách quét mã QR thì không lo điều đó nữa. Với sự văn minh, tiện lợi, an toàn khi thanh toán không dùng tiền mặt nên sau khoảng 6 tháng, đến nay có hơn 60% tiểu thương tại chợ Đại Từ bán hàng không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, việc thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Đại Từ, chợ La Bằng chưa trở thành phổ biến, vì đa số nông dân chưa thể bỏ được thói quen dùng tiền mặt, nhiều người chưa có điện thoại thông minh, ngại thao tác công nghệ...
Theo đại diện ban quản lý chợ Đại Từ, để khuyến khích không dùng tiền mặt, mỗi lần giao dịch, cả người mua và người bán hàng được hỗ trợ 5 nghìn đồng, mỗi ngày không quá 5 lần. Hiện nay, chợ nông thôn La Bằng, huyện Đại Từ cũng đang thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt.
Từ thành công bước đầu tại chợ Đại Từ, hiện nay, tỉnh Thái Nguyên và Viettel Thái Nguyên đang nhân rộng thanh toán không dùng tiền mặt tại nhiều chợ nông thôn, là bước đi cụ thể trong quá trình thực hiện kinh tế số, xã hội số mà Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đang ráo riết chỉ đạo.