Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt

Liên tiếp ba năm nay, thành phố Hà Nội tổ chức sự kiện không dùng tiền mặt với sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như ngân hàng, trung gian thanh toán, thương mại điện tử, bán lẻ, giao nhận... và đông đảo người tiêu dùng. Qua những nỗ lực cụ thể này, tỷ lệ giao dịch thương mại trực tuyến trên địa bàn Thủ đô tăng trưởng đáng kể, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Quầy thanh toán nhanh dành cho khách thanh toán không dùng tiền mặt tại siêu thị AEON. (Ảnh LÊ HOÀNG)
Quầy thanh toán nhanh dành cho khách thanh toán không dùng tiền mặt tại siêu thị AEON. (Ảnh LÊ HOÀNG)

Ngày 21/7/2022, Sở Công thương Hà Nội phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh thành phố Hà Nội cùng các doanh nghiệp đã kích hoạt Sự kiện không dùng tiền mặt lần thứ ba với chủ đề "Chạm tới tương lai". Tại khu vực trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, hàng loạt các ngân hàng lớn như VP Bank, TP Bank, Techcombank..., các doanh nghiệp bán hàng, trung gian thanh toán, giao hàng như Airpay, Momo, VNPAY, Giao hàng nhanh, AEON Việt Nam, Hebela... đã cùng nhau giới thiệu, quảng bá về các công nghệ, sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại. Trước đây, việc thanh toán không dùng tiền mặt chỉ dừng lại ở việc sử dụng thẻ ATM hoặc các giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, thì nay người tiêu dùng có thể sử dụng các ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại thông minh để quản lý tài khoản và thanh toán nhanh chóng bằng các giải pháp như xác thực sinh trắc học vân tay, khuôn mặt. Tính năng thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code) cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn vì tính thuận tiện, đơn giản của hình thức này. Bên cạnh đó, các hình thức thanh toán không tiếp xúc được nhiều cửa hàng, đơn vị áp dụng.

Ngay tại khu trưng bày, các doanh nghiệp áp dụng nhiều ưu đãi, tặng quà cho khách hàng mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó, tạo điều kiện cho người tiêu dùng làm quen và sử dụng các thiết bị, công nghệ thanh toán điện tử trong các giao dịch mua bán. Tại hệ thống siêu thị AEON, nhiều quầy thu ngân tự thanh toán bằng thẻ ATM hoặc mã QR đã được bố trí để người tiêu dùng có thể tự trả tiền. Nhờ có các quầy thu ngân này, tốc độ xử lý các đơn hàng mua sắm đã được đẩy nhanh, đồng thời, người tiêu dùng không cần mang theo tiền mặt khi đi mua sắm tại siêu thị. Chị Nguyễn Thanh Trà (ở phố Liễu Giai, quận Ba Ðình) chia sẻ: "Thời gian gần đây, tôi ít khi cầm nhiều tiền mặt theo người bởi các hoạt động mua sắm, ăn uống đều có thể thanh toán qua ứng dụng ngân hàng hoặc thẻ ATM. Hình thức này thuận tiện, nhanh chóng và an toàn hơn".

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thông qua các chuỗi hoạt động của Sự kiện không dùng tiền mặt, hy vọng đông đảo người dân sẽ hưởng ứng tham gia, tạo thói quen tiêu dùng không tiền mặt khi giao dịch và mua sắm, góp phần thêm động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại điện tử. Từ đó, tạo thuận lợi cho khách hàng khi mua sắm, thanh toán và là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố. Hai năm 2020 và 2021, các doanh nghiệp tham gia sự kiện có tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 30%. Trong các ngày giảm giá, các sàn thương mại điện tử đã có lượng truy cập tăng từ 180% đến 250% so với ngày thường. Hàng nghìn lượt người tiêu dùng đã quan tâm và tham gia các trải nghiệm hoạt động mua sắm trực tuyến và gần 3 triệu lượt truy cập vào các hệ thống website, ứng dụng của các doanh nghiệp tham gia.

Năm 2022, thành phố Hà Nội tiếp tục đặt ra nhiều mục tiêu trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, thành phố giữ vững xếp hạng từ thứ hai trở lên so với cả nước về Chỉ số thương mại điện tử (EBI) hằng năm. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 45%; 65% các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; 75% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 45% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử... Ðồng thời, đạt và duy trì từ 98 đến 100% thanh toán trực tuyến trong hoạt động kê khai thuế, nộp thuế của doanh nghiệp; thanh toán hóa đơn tiền nước, tiền điện...

Cùng với xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0, để tiếp tục thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số, trong thời gian tới, Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh thành phố Hà Nội khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ triển khai mạnh mẽ các loại hình thanh toán mới, hiện đại. Ðồng thời, có các hình thức động viên, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị bán lẻ triển khai thực hiện thanh toán dịch vụ bán lẻ bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt... Kết hợp với phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến (qua các website, ứng dụng thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, Sendo, Shopee, Tiki, Lazada...) nhằm tìm kiếm, kết nối với khách hàng, phát triển hoạt động kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ hàng hóa...

"Thành phố Hà Nội đang cố gắng thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại, đẩy nhanh tiến trình không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế, hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt trong tương lai"-Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.