Chia sẻ, thúc đẩy phát triển rừng bền vững ở Quảng Trị

NDO - Ngày 10/2, Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam phối hợp Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị tổ chức Hội nghị kết thúc Dự án thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (Prosper). Hơn 3.700 nông dân thuộc các cộng đồng miền núi, nhóm hộ, hợp tác xã đã tham gia, hưởng lợi.
0:00 / 0:00
0:00
Tổ bảo vệ rừng thôn Hồ, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, là một trong những nhóm hộ được hưởng lợi từ dự án để góp phần phát triển bền vững.
Tổ bảo vệ rừng thôn Hồ, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, là một trong những nhóm hộ được hưởng lợi từ dự án để góp phần phát triển bền vững.

Ông Phạm Dũng, Giám đốc Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam (MCNV) cho biết, dự án được Liên minh châu Âu và Ủy ban đồng tài trợ cho Quảng Trị giai đoạn 2/2020 đến 2/2023. Trọng tâm là hỗ trợ năng lực thực hiện quản lý rừng bền vững và thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng về lâm sản nhóm các hộ gia đình, hợp tác xã tham gia trồng gỗ lớn, quản lý rừng, hướng đến tăng cường sự tham gia tích cực của cộng đồng trong phát triển lâm nghiệp…

Thông qua dự án, Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị (CCR) đã tham gia sâu vào tiến trình giảm phát thải và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cụ thể, với hơn 2.800ha rừng trồng gỗ keo đạt chứng chỉ quản lý bền vững FSC, hằng năm, các chi hội của Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị đóng góp trực tiếp vào lượng giảm phát thải thông qua những thay đổi về kỹ thuật lâm sinh của chủ rừng.

Cùng với đó, lần đầu tiên tại Việt Nam với mô hình rừng cộng đồng quản lý, có 2.145ha rừng tự nhiên của 5 chi hội của Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị miền núi được cấp chứng nhận FSC dịch vụ hệ sinh thái, đóng góp hấp thụ hằng năm khoảng 7.000 tấn Co2.

Kết quả dự án đã có tác động đến việc thực hiện kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững tại Quảng Trị, thúc đẩy tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu giai đoạn 2023-2026, định hướng đến 2030, với mục tiêu sản xuất khoảng 4.000 tấn hạt trẩu, tương đương trị giá thương mại khoảng 50 tỷ đồng/năm cho nông dân khu vực miền núi.

Với diện tích rừng trồng gỗ keo và rừng tự nhiên được cấp chứng nhận quản lý bền vững FSC nói trên đã tạo điều kiện cho hơn 3.700 nông dân thuộc các cộng đồng miền núi, nhóm hộ, hợp tác xã tham gia cung ứng cho thị trường nguyên liệu có chứng nhận FSC gồm gỗ keo và các lâm sản ngoài gỗ như tre nguyên liệu, hạt trẩu, bồ kết và măng khô.

Lâm sản ngoài gỗ là khoảng 30.000 tấn tre nguyên liệu có chứng nhận FSC nằm trong diện tích rừng ở trên giúp Quảng Trị có cơ hội tạo vùng nguyên liệu cho Công ty Water Solution South-East Asia để sản xuất khoảng 10.000 tấn than tre sinh học/năm, tạo ra giá trị thương mại lớn cho nông dân, đóng góp hấp thụ lâu dài 20.000 tấn Co2 hằng năm dưới hình thức than sinh học.

Ngoài ra, 5 chi hội của Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị miền núi đang tiếp cận nguồn chi trả tự nguyện hằng năm cho 7.000 tấn Co2, với mức chi trả khoảng 10 euro cho 1 tấn Co2, tương đương khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Dự án còn tạo ra các mô hình du lịch cộng đồng dựa trên các diện tích rừng được chứng nhận FSC dịch vụ hệ sinh thái, mở ra cơ hội phát triển sinh kế cộng đồng, gắn với quản lý rừng bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa người dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Hướng Hóa…

Chia sẻ, thúc đẩy phát triển rừng bền vững ở Quảng Trị ảnh 1

Tre nguyên liệu, một loại lâm sản ngoài gỗ được người dân tộc Vân Kiều trong vùng dự án làm thành sản phẩm thương mại.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đánh giá cao đóng góp của Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam và dự án Prosper. Thời gian qua, Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam đã tập trung huy động nguồn lực, hợp tác với các đối tác ở Việt Nam và Quảng Trị, triển khai các chương trình, dự án phát triển với các trụ cột được quan tâm như sức khỏe, hòa nhập xã hội, phát triển sinh kế, gắn với ứng phó biển đổi khí hậu và hỗ trợ doanh nghiệp.

Đồng chí Võ Văn Hưng đề nghị Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, kêu gọi tài trợ duy trì, nhân rộng các thành công của dự án, góp phần cùng chia sẻ nhu cầu cấp thiết về tăng cường năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ và phát triển rừng bền vững, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.