Rừng được cấp chứng chỉ nhiều nhất nước
Hàng chục năm trước, khi ít người quan tâm đến rừng trồng được cấp chứng chỉ của Hội đồng quản trị rừng FSC (Forest Stewardship Council - bảo đảm các tiêu chí phát triển bền vững, cân bằng giá trị bảo vệ môi trường rừng với lợi ích của nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương), thì Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải, tiền thân là lâm trường Bến Hải đã chủ động xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và sớm được quốc tế ghi nhận.
Vào năm 2010, GFA, một trong những tổ chức được FSC ủy nhiệm đánh giá cấp chứng chỉ FSC trên toàn thế giới đã đánh giá Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đạt các nguyên tắc, tiêu chí về quản lý rừng bền vững trên diện tích gần 10 nghìn ha rừng. Từ sự kiện này, Công ty trở thành đơn vị đi đầu trong mô hình trồng rừng FSC. Tiếp sau đó, các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Triệu Hải, đường 9 ở Quảng Trị cũng tham gia trồng rừng bền vững, nâng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC của tỉnh này lên mấy chục nghìn ha.
Ở một mô hình khác, ông Hoàng Đức Doanh, Chủ tịch Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị cho biết, năm 2010 mô hình chứng chỉ rừng cho nhóm hộ gia đình được Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam đánh giá lần đầu tiên, cấp chứng chỉ thời hạn năm năm cho 316 ha rừng, của 118 hộ gia đình thuộc năm thôn của hai xã Trung Sơn (huyện Gio Linh) và Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh). Đây là mô hình quản lý rừng bền vững của nhóm hộ nông dân đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng chỉ FSC. Đến nay, ở Quảng Trị có 33 chi hội với 3.200 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC.
Ông Đặng Thơ ở khu phố bốn, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, là chủ nhóm hộ ba gia đình trồng 300 ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC. Mỗi héc-ta rừng, ông Thơ đầu tư từ trồng đến chăm sóc, khai thác đến gần 30 triệu đồng. Được trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc tốt cho nên rừng FSC của nhóm hộ ông Thơ cho năng suất từ 170 đến 200 tấn gỗ/ha, trong đó đến 70% gỗ có đường kính hơn 12 cm. Với giá bán 1,4 triệu đồng/tấn gỗ vừa khai thác, sau khi trừ hết mọi khoản chi phí, nhóm hộ ông Thơ lãi hơn 100 triệu đồng/ha, gấp hai lần so trồng rừng truyền thống.
Tại Quảng Trị, hiện có gần 25 nghìn ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC.
Đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, dư địa để phát triển rừng trồng bền vững của tỉnh còn rất lớn. Quảng Trị có tổng diện tích tự nhiên hơn 470 nghìn ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp và đất có rừng chiếm gần 300 nghìn ha. Lâm nghiệp chiếm một vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Với định hướng đẩy mạnh hơn nữa việc trồng rừng bền vững, cách đây hơn bốn năm tỉnh đã xây dựng Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó lĩnh vực lâm nghiệp được xác định phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, từng bước thay đổi toàn diện kết cấu của ngành theo hướng hội nhập, phát triển sâu rộng với thị trường quốc tế thông qua phát triển trồng rừng FSC. Hiện mỗi năm tỉnh tập trung trồng mới 7.000 ha rừng sản xuất và 1.000 ha rừng phòng hộ theo tiêu chí quản lý bền vững.
Liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp sản xuất lúa hữu cơ
Việc trồng rừng FSC và lúa hữu cơ đã mang đến nhiều niềm vui cho người nông dân cũng như doanh nghiệp ở Quảng Trị. Ngoài mô hình canh tác lúa tự nhiên ở huyện Triệu Phong; mô hình “Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu” đối với cây lúa, rau; một mô hình tiêu biểu trong giai đoạn 2015-2020 là sản xuất lúa hữu cơ liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp .
Trên cơ sở của Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐND tỉnh Quảng Trị về việc chọn bộ sản phẩm chủ lực nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh trên thị trường gồm “sáu cây, hai con” (cây lúa hữu cơ, chất lượng cao; hồ tiêu, dược liệu; cao-su; cà-phê; gỗ nguyên liệu rừng trồng, con bò và con tôm) cho giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025 gắn liền với chuỗi giá trị sản phẩm liên kết từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và thị trường phân phối tiêu thụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã bám sát nghị quyết thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Điểm nhấn nổi bật nhất là mô hình sản xuất lúa hữu cơ được Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị triển khai cách đây năm năm theo công nghệ phân bón Ong Biển để sản xuất ra hạt gạo có thương hiệu “Gạo hữu cơ Quảng Trị”, đang được người tiêu dùng vui mừng đón nhận.
Đến nay là vụ thứ 11 Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị liên kết cùng nông dân Quảng Trị sản xuất lúa hữu cơ theo công nghệ phân bón Ong Biển, với phương thức công ty hỗ trợ không hoàn lại toàn bộ phân bón Ong Biển và giống lúa chất lượng cao cũng như kỹ thuật cho người dân tham gia sản xuất.
Đến mùa thu hoạch, công ty thu mua toàn bộ sản phẩm tại ruộng và trả tiền ngay cho bà con nông dân với giá hơn 6.000 đồng/kg lúa tươi, cao hơn giá thị trường 20%. Sau hơn năm năm liên kết với nông dân Quảng Trị tổng diện tích lúa hữu cơ được công ty triển khai thực hiện trên 1.200 ha. Hiện, công ty đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến nông sản hữu cơ tại Quảng Trị để thuận lợi cho việc phát triển sản phẩm.
Nhận xét về chất lượng gạo hữu cơ Quảng Trị, PGS, TS Trần Đăng Xuân, Trưởng phòng thí nghiệm sinh lý thực vật và hóa sinh (Đại học Hiroshima, Nhật Bản) cùng các nhà khoa học Nhật Bản đã xét nghiệm các chỉ tiêu và khẳng định, gạo hữu cơ sản xuất theo công nghệ Ong Biển tại Quảng Trị đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, so các sản phẩm lúa gạo ở Nhật Bản, thành phần hợp chất Momilactone A được tìm thấy cao gấp 100 lần và Momilactone B gấp 50 lần. Nghiên cứu này giúp nâng tầm giá trị thương hiệu gạo Việt Nam.
Cuối năm 2019, nghe tin vui Quảng Trị có nhiều mô hình lúa hữu cơ, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã về tận cánh đồng liên kết sản xuất của Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị tại xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh để tận mắt chứng kiến cánh đồng lúa chín vàng trĩu hạt.
Đồng chí đánh giá cao tỉnh Quảng Trị đã tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhất là lúa gạo, phù hợp chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe nhân dân. Để có sự bền vững, ổn định trong sản xuất lúa hữu cơ cần sự chung tay, góp sức của cả Nhà nước và nhà sản xuất cũng như ý thức của người dân.
Tổng kết thành tựu nông nghiệp giai đoạn 2015-2020, đồng chí Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, liên kết sản xuất lúa hữu cơ và thích nghi biến đổi khí hậu là điểm nhấn nổi bật trong thời gian qua. Các mô hình này thật sự là những ngôi sao sáng của làng lúa hữu cơ Việt Nam. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị đã đưa thành tựu này vào Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 sắp tới theo hướng tiếp tục nhân rộng, lan tỏa hơn nữa cách làm hay, ý nghĩa nhằm tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó hướng phát triển được tiến hành với phương thức Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân liên kết tổ chức sản xuất hợp lý. Chú trọng phát huy vai trò liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân theo hướng doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm, người nông dân sản xuất trên đất đai của mình.
Đồng chí Võ Văn Hưng khẳng định, sản xuất lúa theo cách này người nông dân sẽ không bị mất đất, mà đất của họ trong các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới sẽ được phá bỏ bờ ruộng manh mún, cày xới tạo thành cánh đồng lớn, được phân lô ngay ngắn theo hệ thống kênh mương đúng theo kỹ thuật, có đường giao thông thuận tiện cho việc chăm sóc và vận chuyển cây trồng, sản phẩm đến khu chế biến và bảo quản trước khi xuất kho giao cho khách hàng. Phát triển sản xuất theo hướng này, thu nhập của nông dân cao hơn, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng có thu nhập ổn định hơn, nên sẽ làm nghĩa vụ đóng góp vào GDP của địa phương tốt hơn.
Đồng chí Võ Văn Hưng cho biết, thời gian tới, Quảng Trị tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa; phát triển các hình thức liên kết hợp tác gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tỉnh quyết tâm đạt mục tiêu 100 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững vào năm 2025; diện tích lúa chất lượng cao bình quân hàng năm hơn 80% tổng diện tích gieo trồng, trong đó sản xuất theo cánh đồng lớn áp dụng quy trình hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm, có chứng nhận đạt 12 nghìn ha.
Riêng với việc trồng rừng phát triển bền vững đạt kết quả tốt hơn nữa, Chính phủ cần hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức, nhóm hộ xây dựng phương án quản lý rừng. Tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cộng đồng tham gia xây dựng chương trình quản lý rừng bền vững, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho người dân trong vùng trồng rừng. Xây dựng bộ dữ liệu hiện đại, công khai thông tin để cộng đồng và chính quyền giám sát bản đồ phát triển rừng bền vững.