Quảng Trị, mùa Xuân trồng rừng

NDO -

NDĐT - Tháng Giêng, dọc đường Hồ Chí Minh hoa trẩu nở trắng đẹp đến nao lòng. Ngàn vạn chùm hoa chi chít trên ngọn cây, sáng lấp lánh cả khoảng rừng. Cứ mỗi độ tết đến xuân về, các địa phương, đơn vị cũng như người dân Quảng Trị lại tổ chức "Tết trồng cây” đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Những cánh rừng hoa trẩu ấy được người dân trồng vào dịp tết cách nay mười năm tròn. Từ xưa nay, người dân Quảng Trị luôn chăm chút trồng cây đã mang lại những cánh rừng bát ngát cho Tổ quốc.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tham gia Tết trồng cây năm Canh Tý 2020 .
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tham gia Tết trồng cây năm Canh Tý 2020 .

Dòng họ trồng cây, người người trồng cây

Đúng ngày lập Xuân năm Canh Tý 2020, con cháu dòng họ Lâm ở làng Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, tập trung về nhà thờ họ Lâm trồng cây đầu năm. Mỗi năm, con cháu dòng họ này lại trồng một loại cây…

Truyền thống trồng cây trên nương rẫy và tại nhà thờ của con cháu dòng họ Lâm mỗi dịp tết đến Xuân về có từ lâu nhưng phát triển mạnh lên từ khi Giáo sư (GS) lâm nghiệp Lâm Công Định, một người con của dòng họ về làng động viên, trực tiếp trồng cây với bà con. Trước hết, trồng cây xanh trong vườn nhà, dọc đường làng, ở sân đình, nhà thờ, nhà văn hóa… sau đó, trồng ở vùng gò đồi hoang hóa để sớm mang lại màu xanh vốn có cho làng xóm, cho các cánh rừng như trước khi đất nước chưa có chiến tranh.

GS Định luôn đau đáu với việc trồng cây gây rừng. Ông tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Hà Nội và sớm trở thành Giám đốc Sở Thủy Lâm (thủy lợi và lâm nghiệp) Liên khu V trong những kháng chiến chống Pháp. Có thể nói, suốt cả cuộc đời GS đã dành trọn tâm huyết cho những rừng cây tự nhiên và rừng trồng.

Như có một sự sắp đặt của số phận dành cho GS họ Lâm, không chỉ bằng lòng với những giống cây rừng đã có ở Việt Nam, qua những lần dự hội thảo ở nước ngoài, đại hội lâm nghiệp thế giới, GS luôn tìm cách mang về nước những hạt giống quý của các giống cây có những tác dụng đặc biệt với môi trường sinh thái Việt Nam. Năm 1981, sau khi dự hội nghị quốc tế về lâm nghiệp, GS đã mang được giống cây neem từ Senegal về trồng ở vùng cát khô cằn ven biển Ninh Thuận, đặt tên cây xoan chịu hạn. Ông giúp cho Sở Lâm nghiệp Thuận Hải ngày đó nhân giống, phát triển thành rừng ở Tuy Phong, Phước Dinh, Ninh Phước, Ninh Thuận.

Trong lá thư của nông dân xã Phước Dinh gửi cảm ơn GS Lâm Công Định ngày 22-10-2004, có viết: “Những người nông dân ở xã Phước Dinh xin chân thành kính chúc GS được nhiều sức khỏe, đồng thời kính cảm ơn GS, một nhà khoa học lớn đã giúp cho địa phương một loài cây mà từ trước chưa có ở đây, đó là cây xoan chịu hạn có tên là cây neem được trồng và phát triển rất tốt ở địa phương chúng tôi. Nơi đây từ trước nay là vùng cát nóng, nghèo dinh dưỡng, không thể trồng cây gì được, chỉ độc nhất một loại xương rồng mọc hoang dại…Nay thì khác hẳn rồi, mới hơn tám năm mà cây xoan chịu hạn đã phát triển xanh tốt thành rừng, khí hậu không còn khắc nghiệt như xưa, nước ngầm đã có, trồng trọt đang phát triển, người dân Phước Dinh giờ đây không còn sợ nghèo đói nữa”. Sự biết ơn của những nông dân xã Phước Dinh là phần thưởng lớn nhất cho GS họ Lâm, người đã gắn trọn đời mình với những rừng cây.

Là một nhà khoa học thực nghiệm, nên tác phẩm suốt đời của GS Lâm Công Định chính là những cánh rừng. Cho tới khi về già, ông mới có thời gian ngồi lại viết cuốn sách khiêm nhường có tên: Giáo trình môn Điều chế rừng, dành cho việc đào tạo chuyên gia lâm nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ.

Ở Quảng Trị những ngày đầu xuân, không chỉ có một dòng họ trồng cây mà người người trồng cây. Nhớ lời Bác Hồ dạy, tỉnh Quảng Trị luôn tích cực hưởng ứng “Tết trồng cây” và phát triển thành mùa xuân trồng cây. Tất cả các thành phố, thị xã, huyện, đơn vị, người dân trên địa bàn đều tham gia “Tết trồng cây”. Các cơ quan, đơn vị, địa phương vận động cán bộ, nhân dân, thanh niên, học sinh hưởng ứng bằng việc tham gia trồng cây nơi công sở, trường học, nhà văn hóa thôn, nhà thờ các dòng họ, đình làng…tạo môi trường sống xanh-sạch-đẹp.

Mùa xuân trên những cánh rừng

Cùng chúng tôi ngược lên cánh rừng dọc hai bên Quốc lộ 9, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị Trần Văn Tý không khỏi tự hào về truyền thống và hiệu quả trồng rừng của người dân địa phương này. Những rừng cây đâm chồi nảy lộc, đất trời bình yên như được khoác lên mình tấm áo đầy sức sống. Quảng Trị hôm nay, ngoài rừng tự nhiên còn trải dài đã bạt ngàn màu xanh của rừng trồng các loại cây keo. Dưới những tán rừng những mầm xanh mới đang được người dân chăm sóc, bởi rừng ngoài việc giúp họ có thu nhập ổn định, còn cân bằng môi trường sinh thái cho cuộc sống thêm trong lành.

Ông Trần Văn Tý cho biết, ngay từ lúc tái lập tỉnh vào năm 1989, ngành lâm nghiệp đã tham mưu tỉnh thực hiện tốt các dự án về trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc tạo ra trên vùng gò đồi và vùng cát tỉnh Quảng Trị một diện tích rừng rất lớn và hiệu quả. Bên cạnh đó, để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng, triển khai thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Hằng năm, Quảng Trị trồng mới và trồng lại khoảng 5.500-6.000 ha rừng sản xuất tập trung, năng suất rừng đạt 100-120m3/ha/chu kỳ, tăng trưởng hằng năm trên 20m3/ha/năm. Trong năm 2019 diện tích trồng rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt gần 10.000 ha; riêng cây phân tán trồng được 2,5 triệu cây các loại, nhờ vậy góp phần tăng độ che phủ rừng đạt đến 50,1%.

Quảng Trị, mùa Xuân trồng rừng ảnh 1

Quảng Trị luôn làm tốt công tác trồng chăm sóc và bảo vệ rừng.

Để thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng năm 2020, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch trồng khoảng 7.000 ha, trong đó trồng rừng phòng hộ Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và trồng rừng thay thế đạt 400 ha, trồng rừng sản xuất 6.600 ha.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, đến nay tỉnh Quảng Trị trồng được gần 111.000 ha rừng, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác tiêu thụ hiện ước khoảng gần 1 triệu m3/năm. Quảng Trị phấn đấu trở thành trung tâm trồng, cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ lớn phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập bền vững cho người dân sống tốt hơn nữa với nghề rừng. Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn nhân lực và nhận thức của người dân ngày một nâng cao, kinh tế lâm nghiệp Quảng Trị đã có sự chuyển biến tích cực và trở thành một trong lĩnh vực sản xuất đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tỷ trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Sự phát triển của phong trào trồng cây, trồng rừng không những đem lại những lợi ích về môi sinh, môi trường, hạn chế thiên tai, lũ lụt mà còn đem lại nhiều lợi ích kinh tế cao.

Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban kinh tế Trung ương, khi còn giữ chức vụ Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có chuyến thăm và kiểm tra công tác phát triển lâm nghiệp tại Quảng Trị. Khi ô-tô của đoàn dừng lại một điểm trên đường Hồ Chí Minh nhánh đông, nhìn thấy cánh rừng trải dài ngút tầm mắt, ông nói rất khâm phục nhân dân Quảng Trị, họ đã góp phần trồng và tạo nên những cánh rừng bát ngát cho cho Tổ quốc hôm nay và mai sau.