Kinh nghiệm hay của Quảng Trị trong trồng rừng bền vững

Quảng Trị được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước phát triển rừng trồng được cấp Chứng chỉ quản lý bền vững FSC trên cả hai mô hình doanh nghiệp nhà nước và nhóm hộ gia đình. Nhờ quyết liệt ứng dụng khoa học - công nghệ, thay đổi tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ sang liên kết và tìm thị trường đầu ra với giá cả hợp lý cho sản phẩm gỗ rừng trồng, người dân Quảng Trị đã có thể sống tốt với nghề rừng.

Ðo kích thước phát triển cây gỗ của rừng được cấp chứng chỉ FSC tại huyện Hải Lăng.
Ðo kích thước phát triển cây gỗ của rừng được cấp chứng chỉ FSC tại huyện Hải Lăng.

Ðơn vị tiên phong, nhóm hộ đi đầu

Nhớ lại hơn 12 năm trước, khi tại Việt Nam ít người quan tâm đến việc rừng trồng được cấp Chứng chỉ của Hội đồng quản trị rừng FSC (Forest Stewardship Council - bảo đảm các tiêu chí phát triển bền vững, cân bằng giá trị bảo vệ môi trường rừng với lợi ích của nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương), thì Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bến Hải, tiền thân là Lâm trường Bến Hải đã chủ động xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Ngày đó, các tổ chức quốc tế đã đến đơn vị này đánh giá các tiêu chí và chỉ ra những bất cập, hạn chế trong phương pháp quản lý rừng trồng, đồng thời khuyến nghị giải pháp khắc phục. Nhờ được tư vấn đường hướng phát triển, đơn vị này nhanh chóng tiếp thu những kiến thức quản lý rừng theo tiêu chuẩn hiện đại mà FSC đưa ra.

Mồ hôi và công sức của người lao động trong đơn vị đổ xuống rừng sớm được quốc tế ghi nhận. Ðó là vào năm 2010, GFA, một trong những tổ chức được FSC ủy nhiệm đánh giá cấp chứng chỉ FSC trên toàn thế giới đã đánh giá Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bến Hải là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đạt các nguyên tắc, tiêu chí về quản lý rừng bền vững trên diện tích gần 10 nghìn héc-ta rừng. Từ sự kiện này, công ty đã được ghi tên vào bản đồ quản lý rừng bền vững của thế giới, trở thành đơn vị nhà nước đi đầu trong mô hình trồng rừng FSC. Có động lực thúc đẩy và người tiên phong mở đường, tiếp sau đó, các công ty như TNHH một thành viên Lâm nghiệp Triệu Hải, Ðường 9… ở Quảng Trị cũng tham gia trồng rừng bền vững, nâng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC lên hàng chục nghìn héc-ta.

Ở một góc độ khác, Chủ tịch Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị Hoàng Ðức Doanh cho biết, năm 2010 mô hình chứng chỉ rừng cho nhóm hộ gia đình được Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam đánh giá lần đầu tiên, cấp chứng chỉ thời hạn 5 năm cho 316 ha rừng của 118 hộ gia đình thuộc năm thôn của hai xã Trung Sơn (huyện Gio Linh) và Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh). Ðây là mô hình quản lý rừng bền vững của nhóm hộ nông dân đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng chỉ FSC. Sau 10 năm từ chi hội đầu tiên, đến nay ở Quảng Trị có 33 chi hội với 3.200 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC trên phạm vi 19 phường, xã thuộc bảy huyện, thị xã. Ông Ðặng Thơ ở khu phố 4, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, là chủ nhóm hộ ba gia đình trồng 300 ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC. Mỗi héc-ta rừng, ông Thơ đầu tư từ trồng đến chăm sóc, khai thác hết gần 30 triệu đồng. Ðược trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc tốt cho nên rừng FSC của nhóm hộ ông Thơ cho năng suất từ 170 đến 200 tấn gỗ/ha, trong đó 70% số gỗ có đường kính hơn 12 cm. Với giá bán 1,4 triệu đồng/tấn gỗ vừa khai thác, sau khi trừ hết mọi khoản chi phí, nhóm hộ ông Thơ lãi hơn 100 triệu đồng/ha, gấp hai lần so với trồng rừng truyền thống.

Tại Quảng Trị, hai mô hình trồng rừng phát triển bền vững này đã giúp nâng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC lên gần 25 nghìn héc-ta, đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương đi đầu của cả nước. Tuy nhiên, Quảng Trị có tổng cộng 120 nghìn héc-ta rừng trồng, như vậy, diện tích đạt chứng chỉ FSC vẫn còn chưa đạt như mong muốn. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu đạt 100 nghìn héc-ta rừng được cấp Chứng chỉ quản lý bền vững.

Phù hợp chiến lược phát triển lâm nghiệp

Ðể giải quyết bài toán tăng diện tích rừng FSC cũng như tăng giá trị sản phẩm trên diện tích rừng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Ðồng cho biết, dư địa để phát triển rừng trồng bền vững của tỉnh còn rất lớn. Quảng Trị có tổng diện tích tự nhiên hơn 470 nghìn héc-ta, trong đó diện tích đất lâm nghiệp và đất có rừng chiếm gần 300 nghìn héc-ta. Lâm nghiệp chiếm một vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Với định hướng đẩy mạnh hơn nữa việc trồng rừng bền vững, cách đây hơn bốn năm, tỉnh đã xây dựng đề án cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó lĩnh vực lâm nghiệp được xác định phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, từng bước thay đổi toàn diện kết cấu của ngành theo hướng hội nhập, phát triển sâu rộng với thị trường quốc tế thông qua phát triển trồng rừng FSC. Mỗi năm, tỉnh tập trung trồng mới 7.000 ha rừng sản xuất và 1.000 ha rừng phòng hộ theo tiêu chí quản lý bền vững. Ðể làm được việc này, tỉnh giao chỉ tiêu và vận động tổ chức, cộng đồng cùng tham gia trồng rừng.

Ông Nguyễn Thể, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng cho biết, HTX có 168 ha rừng trồng của 16 thành viên. Trước đây, do chăm sóc thiếu bài bản cho nên rừng không phát triển, mỗi héc-ta chỉ có giá trị vài triệu đồng. Từ ngày được tuyên truyền trồng rừng FSC cho thu nhập cao, xã viên rất vui mừng, hăng hái lao động, sản xuất. Họ được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cụ thể cách trồng rừng từ đào hố, đặt cây giống, bón phân, bảo vệ, theo dõi, đo đếm quá trình phát triển của cây cho đến ngày khai thác, tiêu thụ sản phẩm. Sau bảy năm làm ăn bài bản, rừng của HTX Phú Hưng có khoảnh đạt năng suất 200 tấn gỗ/ha, tăng gấp ba lần so với rừng trồng truyền thống. Nhờ rừng có chứng chỉ FSC, có thị trường tiêu thụ rộng rãi, giá bán gỗ lại cao hơn rừng thường từ 20 đến 30%, cho nên thu nhập của thành viên HTX tăng lên.

Ðồng chí Hà Sỹ Ðồng cho biết, nhìn một tầm xa hơn, việc phát triển rừng FSC phù hợp chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều lần đánh giá Quảng Trị là mô hình điểm của cả nước về phát triển trồng rừng bền vững được cấp chứng chỉ FSC. “Cốt lõi của việc chuyển từ trồng rừng theo cách truyền thống sang trồng rừng được cấp chứng chỉ FSC là chuyển từ sản xuất sản lượng nhiều sang giá trị, chất lượng cao; không chỉ sản xuất các mặt hàng lâm nghiệp chúng ta có thể làm được, mà chọn làm các mặt hàng thế giới cần nhất; không phải sản xuất cái dễ nhất mà sản xuất cái mình có lợi thế cạnh tranh nhất” - đồng chí Hà Sỹ Ðồng khẳng định. Cùng với việc phát triển các nhóm hộ có chứng chỉ rừng, công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại Quảng Trị ngày càng đi vào chiều sâu. Tỉnh tập trung thực hiện tốt việc sắp xếp, đổi mới và phát triển các lâm trường quốc doanh theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16-6-2003 của Bộ Chính trị và Nghị định số 200/2004/NÐ-CP ngày 3-12-2004 của Thủ tướng Chính phủ. Các công ty lâm nghiệp và hộ gia đình hoặc nhóm hộ được giao đất sản xuất đã mạnh dạn đầu tư vốn trồng rừng. Từ chỗ rừng đơn thuần xóa đói, giảm nghèo, qua tuyên truyền vận động, người dân đã ý thức được việc gắn phát triển sản xuất, kinh doanh với quản lý, bảo vệ rừng nhằm tạo ra sản phẩm rừng có giá trị kinh tế cao. Trồng rừng bền vững với các khâu chăm sóc, khai thác và chế biến, tiêu thụ xuất khẩu góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo thêm việc làm cho nông dân, giải quyết được vấn đề xã hội, từ đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Việc trồng rừng đạt chứng chỉ FSC đã giúp người dân Quảng Trị có được ba yếu tố bền vững: Kinh tế, xã hội và môi trường. Khi phát triển rừng FSC, các sản phẩm gỗ sẽ được xuất khẩu sang những thị trường đã có đạo luật Lacey và luật Flegt như Mỹ, châu Âu cho nên giá bán cao hơn nhiều. Nhờ sớm giải được bài toán trồng rừng phát triển bền vững, theo tính toán, hiện nay mỗi năm sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng Quảng Trị đạt một triệu mét khối, cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu trên địa bàn.

Ðể việc trồng rừng phát triển bền vững đạt kết quả tốt hơn nữa, Chính phủ cần hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức, nhóm hộ xây dựng phương án quản lý rừng. Tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cộng đồng tham gia xây dựng chương trình quản lý rừng bền vững, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho người dân trong vùng trồng rừng. Sớm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trong các vùng nguyên liệu để phục vụ quản lý; phòng, chống cháy rừng kết hợp phát triển kinh tế. Xây dựng bộ dữ liệu hiện đại, công khai thông tin để cộng đồng và chính quyền giám sát bản đồ phát triển rừng bền vững.