Châu Âu trước mối nguy bùng phát làn sóng Covid-19 mới

NDO -

Trong bối cảnh tốc độ lây nhiễm và tỷ lệ tử vong do Covid-19 đáng báo động tại châu Âu, các chính phủ đã ban bố lệnh phong tỏa cục bộ để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát kéo theo một lệnh phong tỏa toàn quốc làm kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế. 

Hành khách trên tàu điện ngầm tại Paris, Pháp. (Ảnh: Getty Images)
Hành khách trên tàu điện ngầm tại Paris, Pháp. (Ảnh: Getty Images)

Tốc độ xuất hiện ca nhiễm mới tại châu Âu đang tương đương tại châu Mỹ. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày châu Âu có thêm 100 nghìn ca mắc mới. Đến nay, “lục địa già” đã có hơn 6,2 triệu ca bệnh, trong đó ít nhất 233 nghìn người đã qua đời. 

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cơ quan y tế cộng đồng của các quốc gia và dữ liệu dân số của Liên hợp quốc tính đến ngày 12-10, San Marino có tỷ lệ tử vong do Covid-19 là 124,3/100.000 người, mức cao nhất tại châu Âu. Con số này tại Bỉ là 88,8; Tây Ban Nha: 70,5; Anh: 63,8; Italy: 59,7; Thụy Điển: 59,1; Pháp 50,4; Hà Lan: 38,6. 

Với 188.876 ca mắc và 6.631 ca tử vong, Hà Lan xếp thứ 8 trong bảng xếp hạng Covid-19 của châu Âu.

Hà Lan sẽ quay lại thực hiện biện pháp phong tỏa cục bộ từ ngày 14-10. Đây là thông báo mới nhất của Thủ tướng Mark Rutte nhằm kiểm soát dịch Covid-19 tại một trong những điểm nóng dịch bệnh của châu Âu. 

“Chúng tôi sẽ công bố các biện pháp mới và kiên quyết, và trên thực tế, chúng tôi sẽ phong tỏa theo khu vực”, ông Rutte phát biểu ý kiến tại một cuộc họp báo được phát trên truyền hình ngày 13-10.

Theo Thủ tướng Hà Lan, hoạt động bán rượu vào buổi tối và tụ tập cộng đồng có hơn bốn người sẽ bị cấm. Các cuộc tụ tập trong nhà chỉ được phép có nhiều nhất 30 người. Thời gian mở cửa của cửa hàng bán lẻ cũng sẽ bị hạn chế. 

Tuy nhiên, khác với giai đoạn Hà Lan triển khai biện pháp phong tỏa cục bộ hồi đầu năm 2020, trong lần phong tỏa này, các trường học vẫn mở cửa và phương tiện giao thông công cộng vẫn hoạt động bình thường.

Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh sẽ kéo dài ít nhất bốn tuần và được đánh giá tác động sau hai tuần. Theo Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge, nếu các biện pháp này không hiệu quả, có thể Hà Lan sẽ công bố biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn. 

Tương tự Hà Lan, Cộng hòa Séc sẽ triển khai lệnh phong tỏa theo khu vực từ ngày 14-10. Theo đó, các quán bar, câu lạc bộ và nhiều trường học sẽ đóng cửa đến ngày 3-11, trong khi các nhà hàng sẽ chỉ được phép vận chuyển đồ ăn và bán đồ ăn đóng gói mang về đến 20 giờ hằng ngày.

Ký túc xá của các trường đại học sẽ tạm ngừng hoạt động, tất cả các lớp học sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, trường mẫu giáo vẫn hoạt động. Chính phủ Séc dự định mở các trung tâm chăm sóc trẻ dành cho con của các chuyên gia y tế tuyến đầu và các nhân viên cứu trợ thường trực khác trong những ngày đóng cửa trường học. Nếu trẻ em không đi học, khoảng 30% nhân viên y tế có vai trò thiết yếu sẽ phải ở nhà để chăm sóc con.

Ngoài đeo khẩu trang khi vào các cửa hàng hay khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, người dân còn được yêu cầu đeo khẩu trang tại trạm dừng xe điện và nhà ga. Dù ở trong nhà hay ngoài trời, một nhóm chỉ được phép tụ tập nhiều nhất sáu người. Người dân cũng không được phép uống rượu tại các địa điểm công cộng.

Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, Séc đã sớm ban bố lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, đóng cửa biên giới và bắt buộc người dân đeo khẩu trang để ngăn ngừa dịch bệnh. Nhà chức trách bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế từ cuối tháng 6-2020.

Châu Âu trước mối nguy bùng phát làn sóng Covid-19 mới -0
Nhân viên dọn dẹp quán bar tại CH Séc trước khi biện pháp hạn chế mới có hiệu lực. (Ảnh: AP) 

Hôm qua, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh nhằm áp đặt biện pháp hạn chế mới đối với các cuộc tụ tập cộng đồng, các hoạt động của nhà hàng, trường học, thể thao... sau khi nước này ghi nhận số ca mắc Covid-19 tính theo ngày tăng gấp đôi vào tuần trước. 

Ông Conte cho biết, mục đích chính của sắc lệnh nêu trên là giúp Italy không phải đối mặt với nguy cơ ca nhiễm mới bùng phát dẫn đến việc nước này phải phong tỏa toàn quốc. “Chúng ta phải tránh đẩy đất nước rơi vào tình trạng bị phong tỏa toàn bộ, nền kinh tế đã bắt đầu hoạt động trở lại”, ông Conte hối thúc tại một cuộc họp báo. 

Ông lý giải nguyên nhân chính dẫn tới số ca bệnh tăng vọt gần đây là xuất hiện các ổ dịch liên quan đến hoạt động của các gia đình và nhóm bạn. Ông đánh giá việc kiểm soát dịch bệnh tại trường học của Italy tương đối tốt. Với 365.467 ca bệnh, Italy là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 5 tại châu Âu.

Tại cuộc họp diễn ra cuối tuần qua, các bộ trưởng hàng đầu trong Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhất trí rằng, nước này đang ở giai đoạn nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và do đó phải hành động ngay lập tức. 

Số ca mắc mới tại Anh đang tăng nhanh trở lại và virus SARS-CoV-2 đang chuyển hướng tấn công từ những nhóm đối tượng thanh niên sang những người già hơn ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ áp đặt bổ sung biện pháp hạn chế ở cấp độ 3 tại nhiều khu vực của vùng England để phòng dịch.

Theo kế hoạch, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ phát biểu trên truyền hình vào ngày 14-10, trong đó ông có thể sẽ công bố thêm biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Pháp đang nằm trong tốp các nước có số ca mắc mới tính theo ngày cao nhất châu Âu. Nước này đã ghi nhận gần 27 nghìn ca mắc mới vào ngày 10-10 vừa qua, đây là mức cao nhất kể từ khi Pháp phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên. 

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường