ChatGPT sẽ là công cụ hỗ trợ bác sĩ như thế nào?

NDO - Công cụ ChatGPT chỉ là một ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, chỉ cung cấp thông tin nền về thông tin y tế. Vai trò của ChatGPT không thể thay thế được việc chẩn đoán, hay điều trị cho bệnh nhân của thầy thuốc.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu tượng của OpenAI và ChatGPT. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tượng của OpenAI và ChatGPT. (Ảnh: AFP/TTXVN)

ChatGPT là công cụ đắc lực hỗ trợ các nhân viên y tế

PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho hay, công cụ ChatGPT do OpenAI tạo ra đã thu hút sự chú ý lớn của thế giới trong thời gian qua. Đây là một ứng dụng của trí tuệ nhân tạo có thể giúp ích cho nhân viên y tế trong quá trình khám cho người bệnh.

ChatGPT là một kênh tập hợp lượng thông tin khổng lồ, có thể giúp bác sĩ làm một số việc thường quy. Thí dụ, bác sĩ có thể đưa ra các thông tin chính, ChatGPT có thể viết bệnh án dựa trên thông tin của bác sĩ, từ đó có thể hướng dẫn cho bệnh nhân, thay vì bác sĩ sẽ phải hướng dẫn cho từng bệnh nhân.

Việc tích hợp ChatGPT vào hệ thống chăm sóc sức khỏe mang lại những lợi ích đầy hứa hẹn cho cả bệnh nhân và phía cung cấp dịch vụ y tế với vai trò trợ lý ảo. Nó có thể cung cấp thông tin và hỗ trợ theo thời gian thực, trả lời các câu hỏi của bệnh nhân và đưa ra hướng dẫn về các chủ đề liên quan đến sức khỏe, bao gồm các triệu chứng và phương pháp điều trị. Công nghệ này cũng có thể được sử dụng để nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc hoặc đến các cuộc hẹn, cuối cùng là cải thiện sự tuân thủ điều trị và kết cục điều trị của bệnh nhân.

Theo chuyên gia này, hiện tại ChatGPT chưa đe dọa cán bộ y tế vì không thay thế được cán bộ y tế trong quá trình chẩn đoán, điều trị.

Việc tiếp xúc với con người sẽ tạo ra sự tiếp xúc, tình cảm và sự động viên. Những thủ thuật hiện có của ChatGPT cũng chưa thay thế được những phương pháp điều trị từ tiêm ven, phẫu thuật, hồi sức… ChatGPT chỉ là công cụ hỗ trợ, chứ không thể đưa ra chẩn đoán bệnh dựa trên thông tin cung cấp, nên không thể thay thế bác sĩ.

“Trí tuệ nhân tạo sẽ chỉ thay thế một phần công việc của cán bộ y tế, thí dụ như đọc chẩn đoán hình ảnh, xem triệu chứng của bệnh nhân để đưa ra kết luận bệnh nhân có khả năng mắc bệnh gì. Tuy nhiên hiện nay một số phần mềm hỗ trợ bác sĩ nhưng chưa hoàn hảo, vẫn đang thử nghiệm nên chưa được dùng trong thực tế. Trí tuệ nhân tạo có thể nhìn bệnh án, đưa ra khả năng dự báo diễn biến của bệnh, còn ChatGPT chủ yếu là một công cụ chat, xây dựng thông tin tổng hợp, chỉ là một mạng của trí tuệ nhân tạo”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, dịch tễ học ở từng khu vực, quốc gia không giống nhau và thay đổi theo từng thời điểm. Việc điều trị cho người bệnh cũng mang tính cá thể hóa. ChatGPT chỉ trả lời được thông tin cơ bản chung, không thể cho đáp án cụ thể theo đặc điểm từng nơi, từng người.

“Theo tôi, nếu ChatGPT được ứng dụng trong hỗ trợ bác sĩ thì sẽ giúp cho nhân viên y tế giảm bớt việc lặp đi, lặp lại, có thể cá thể hóa thông tin cần cung cấp cho tùy từng người bệnh. Vai trò của nó có thể ứng dụng trong chuyển đổi số khám, chứ không được thiết kế để thay thế bác sĩ”, ông Dũng bày tỏ.

Trước một số ý kiến cho rằng ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) có thể thay thế bác sĩ, PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, quá trình từ chẩn đoán tới điều trị yêu cầu kinh nghiệm hành nghề và tư duy lô-gic của thầy thuốc dựa trên từng ca bệnh cụ thể để bảo đảm độ chính xác cao.

Bên cạnh đó, kiến thức và hành nghề y khoa hiện còn tồn tại nhiều quan điểm, đôi khi đối nghịch nhau. Trong khi đó, siêu AI này mới trong quá trình thử nghiệm, chưa hoàn thiện.

“Khi đã hoàn thiện, ChatGPT sẽ có ích trong chăm sóc sức khỏe để từng cá nhân có thể theo dõi và biết được tình trạng sức khỏe của họ, nhất là trong lĩnh vực tư vấn, giáo dục sức khỏe, kiến thức phòng bệnh và tâm lý trị liệu”, ông Nga bày tỏ.

Chỉ coi ChatGPT là một kênh tham khảo

Trước thông tin ChatGPT có thể “chữa bách bệnh”, PGS, TS Đỗ Văn Dũng cho hay, cũng giống như Google, mặc dù sở hữu khối lượng thông tin được cập nhật rất lớn, nhưng ChatGPT chỉ là một kênh thông tin để tham khảo.

PGS Dũng dẫn chứng, trong quá trình giảng bài của mình, ông đã đưa ra nhiều dẫn chứng về kiến thức sai lệch trên Google – dù đó là thông tin được cung cấp từ website của một bệnh viện. Vì thế, ChatGPT có sai lầm lớn là nếu chúng ta Google để tìm thông tin có thể biết gốc của cái sai, nhưng ChatGPT lấy thông tin tổng hợp từ một kênh khác, ứng dụng AI này có thể sai từ số liệu ban đầu, sai từ sự tổng hợp thông tin của ChatGPT.

“ChatGPT là một robot lớn nhất thế giới hiện nay, nếu người lập trình gian lận có thể làm thủ thuật trả lời theo một cách thiên vị, hoặc có thể, thông tin sẽ bị ảnh hưởng bởi công ty dược nào đó. Sai lầm này có thể gặp do vô thức trong lúc lập trình”, ông Dũng bày tỏ.

Do đó, PGS Dũng cho rằng, cũng như Google, ChatGPT là một kênh thông tin rất lớn, có thể cung cấp thông tin, đưa ra những dự đoán về bệnh lý đã từng gặp trên thế giới, định hướng trong chẩn đoán, điều trị. Tuy nhiên, những thông tin đó chỉ mang tính chất gợi ý, muốn kiểm chứng cần phải có chuyên môn y tế.

Cũng như Google, ChatGPT là một kênh thông tin rất lớn, có thể cung cấp thông tin, đưa ra những dự đoán về bệnh lý đã từng gặp trên thế giới, định hướng trong chẩn đoán, điều trị. Tuy nhiên, những thông tin đó chỉ mang tính chất gợi ý, muốn kiểm chứng cần phải có chuyên môn y tế.

PGS, TS Đỗ Văn Dũng

Theo bác sĩ Nguyễn Duy Thịnh, phụ trách đơn vị Can thiệp, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Thanh Nhàn, ChatGPT là ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo tìm kiếm các thông tin đơn giản trong cuộc sống. Ứng dụng này không thể thay thế được cho bác sĩ.

Sử dụng ChatGPT để hỏi bệnh rất nguy hiểm, dẫn tới tâm lý chủ quan hoặc lo lắng quá mức. “Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp u thận nhưng không hề xuất hiện triệu chứng. Thậm chí, có những trường hợp mắc bệnh khác vào viện tình cờ mới biết bị ung thư thận. Như vậy trông chờ vào một ứng dụng để hỏi bệnh rất nguy hiểm, dễ bỏ qua giai đoạn sớm chữa bệnh. Hay có người bị rối loạn tiêu hóa nhưng triệu chứng giống bệnh ung thư có thể khiến người bệnh lo lắng quá mức”, bác sĩ Thịnh cho hay.

Việc đưa ChatGPT vào ứng dụng trong khám, chữa bệnh sẽ là một bước ngoặt lớn về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Theo PGS, TS Đỗ Văn Dũng, khi dùng ChatGPT, các cơ sở y tế có thể ứng dụng phần mềm để thu nhận thông tin đơn giản như địa chỉ, nghề nghiệp, hướng dẫn làm thủ tục khám chữa bệnh… cho người bệnh.

“Việc triển khai các chatbot hỗ trợ AI và điều trị từ xa như ChatGPT có thể tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như cung cấp tư vấn và hỗ trợ y tế một cách thoải mái ngay tại nhà của bệnh nhân. Với thiết kế hiện nay, ChatGPT để chat trao đổi giao tiếp như một người bạn, chưa có hệ chuyên gia giúp chẩn đoán, điều trị trong lĩnh vực y tế. Trong tương lai, ChatGPT có thể giúp chẩn đoán một số bệnh trong phạm vi nhất định nào đó”, ông Dũng nhận định.