Chọn lọc khi sử dụng ChatGPT

Chat Generative Pre-training Transformer (ChatGPT) - chatbot được điều khiển bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) do Công ty OpenAI phát triển đang sở hữu lượng người dùng cực lớn chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt. Trả lời lưu loát các câu hỏi ở nhiều lĩnh vực, làm thơ, giải toán, soạn thư điện tử, viết bài luận… tính năng vượt trội của ứng dụng thông minh này khiến nhiều người thắc mắc “Lĩnh vực giáo dục đối đầu thế nào với gian lận công nghệ cao?”.
0:00 / 0:00
0:00
ChatGPT có thể giúp người học và người dạy tiết kiệm được nhiều thời gian.
ChatGPT có thể giúp người học và người dạy tiết kiệm được nhiều thời gian.

Tìm cách thích ứng

“Các lớp thầy Dũng dạy học kỳ này sinh viên được phép dùng ChatGPT để làm bài”. Đây là thông tin được PGS, TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đăng tải trên trang Facebook cá nhân. Trả lời phóng viên báo Thời Nay, ông Dũng cho rằng, đó là lựa chọn phù hợp trong thời đại số vì nó giúp tiết kiệm thời gian cho người học. “Hiện nay ứng dụng này chưa có phiên bản tiếng Việt nên muốn nhận về phản hồi chính xác, sinh viên cần hỏi bằng tiếng Anh. Nếu biết cách sử dụng, ChatGPT sẽ giúp người học nhanh chóng thu thập, tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn. Đây là sự giảm tải cho cả người dạy lẫn người học. Chỉ cần sinh viên biết chọn lọc, giảng viên thì biết cách kiểm tra, đánh giá năng lực của người học chứ giáo dục không thể đứng ngoài sự phát triển của công nghệ được”, ông Dũng cho hay.

PGS, TS Nguyễn Văn Sinh, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Quốc tế, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ChatGPT là ứng dụng AI rất thú vị, có thể áp dụng vào rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề như tư vấn tự động, hỗ trợ thông tin trong các dịch vụ tìm kiếm, dịch vụ chăm sóc khách hàng, hỗ trợ giáo viên, học sinh trong giảng dạy và học tập… Tuy nhiên, nó sẽ có những tác động tiêu cực nhất định trong trường hợp người học lợi dụng kho tri thức to lớn và khả năng, tốc độ xử lý ngôn ngữ của công cụ này để hỗ trợ viết luận văn tự động, từ đó làm cho người học lười suy nghĩ, thui chột khả năng tư duy sáng tạo.

Vậy nên, theo ông Sinh, người dạy cần xem ChatGPT như một “người bạn”, một “công cụ hỗ trợ”, một “thí dụ thực tiễn” để minh họa tương tác làm cho bài giảng thêm sinh động. Sử dụng nó như một công cụ thông minh để tìm kiếm thông tin phục vụ cho nghiên cứu, phát triển và truyền cảm hứng cho người học. Người học cũng nên xem đây là công cụ hỗ trợ tìm kiếm, khai thác thông tin thay vì lạm dụng tính năng tự động trong viết luận, trả lời câu hỏi.

Làm chủ công nghệ

Theo ông Dũng, để hạn chế sự lạm dụng công nghệ tạo ra những tiêu cực trong môi trường giáo dục, người dạy cần tăng cường các hình thức kiểm tra, đánh giá bằng dự án hoặc yêu cầu sinh viên ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, áp dụng giải quyết những vấn đề cụ thể hoặc tạo ra sản phẩm cụ thể. Khi đó, ChatGPT hay bất kỳ ứng dụng nào khác cũng không có thể làm thay.

Ông Sinh cũng cho rằng, thay vì lo sợ, tìm cách né tránh, trường học có thể đón nhận công cụ mới và thú vị này, khơi dậy tính tò mò, đam mê tìm hiểu và sáng tạo nơi người học để tiếp tục nghiên cứu cải thiện nó. Từ đó phát huy tính tích cực, đồng thời giảm bớt các yếu tố tiêu cực từ phía các bên liên quan của người dùng.

Bên cạnh đó, người dạy có thể tăng cường sử dụng hình thức thi phỏng vấn trực tiếp để có thể đánh giá chính xác năng lực của người học, thay vì cho các em làm bài tập trực tuyến để lạm dụng tính năng làm thay. Hoặc các trường có thể áp dụng nhiều công cụ phát triển khác giúp đánh giá sự gian lận trong giáo dục như “Turnitin” (dùng để kiểm tra đạo văn) hoặc chính công cụ của Công ty Open AI để xác định phân loại văn bản là thật (con người làm ra) hay giả (do ChatGPT thực hiện). Chức năng này được biết đến với tên gọi “AI classifier for indicating AI-written text”.

Đồng quan điểm, Ths Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dù là Google, ChatGPT hay một ngày nào đó lại có một ứng dụng trí tuệ nhân tạo mới nữa xuất hiện thì hiệu quả hay không tùy thuộc vào cách chúng ta tiếp cận, sử dụng công nghệ như thế nào mà thôi: “Đừng quá lạm dụng và lo lắng mà thay vào đó là sự tìm hiểu có chọn lọc. Hãy sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm gia cố thêm những phần kiến thức mình chưa kịp cập nhật, bổ sung, nhưng tiên quyết phải có chọn lọc, có sự định hướng để phát huy cao nhất tiềm năng của công nghệ cao như hiện nay”.