Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Chỉ thị với nhiều nội dung quan trọng, thể hiện sự quyết liệt của tỉnh trong vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Một trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Thụy Sơn (Thái Thụy, Thái Bình).
Một trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Thụy Sơn (Thái Thụy, Thái Bình).

Qua theo dõi, thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành các Chỉ thị và Văn bản chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai. Công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng vi phạm về quản lý sử dụng đất như: Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không đúng quy định, lấn chiếm hành lang đê điều, công trình thủy lợi; lấn chiếm, sử dụng trái phép đất bãi bồi ven sông, ven biển; có địa phương còn có biểu hiện buông lỏng quản lý đất đai, để xảy ra vi phạm không xử lý, đùn đẩy lên cấp trên, trong đó có vi phạm phải chuyển cơ quan điều tra, khởi tố... ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về đất đai và gây dư luận xấu trong xã hội.

Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Thái Bình ảnh 1

Lãnh đạo Huyện ủy Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) đối thoại với người dân thị trấn Hưng Nhân chung quanh việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Trước tình hình này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận yêu cầu, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chủ động phát hiện các quy định chồng chéo, chưa đồng bộ, các vấn đề phát sinh trong thực tiễn để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan, công bố công khai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt của địa phương để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân biết, tuân thủ.

Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Thái Bình ảnh 2

Việc công khai, minh bạch các quy hoạch về sử dụng đất trên địa bàn sẽ tạo sự đồng thuận cao của người dân khi thu hồi đất.

Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, bảo đảm quy trình và hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương; phân công công chức, viên chức theo dõi địa bàn nắm tình hình, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm ngay từ cơ sở các vi phạm theo thẩm quyền, kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý kịp thời, triệt để vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Thái Bình ảnh 3

Huyện Vũ Thư thực hiện cấp quyền sử dụng đất lần đầu cho người dân.

Các địa phương chỉ đạo các phòng, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp xã thường xuyên rà soát tình hình quản lý sử dụng đất trên địa bàn và tổ chức kiểm tra, đề xuất xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định pháp luật đối với các vi phạm hành chính như: Lấn, chiếm, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, không đúng đối tượng; phát hiện, áp dụng các biện pháp để ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình nhà ở, hạ tầng hình thành các khu dân cư mới trái phép trên đất nông nghiệp…

Đối với những vụ vi phạm có tính chất phức tạp, quy mô lớn, kéo dài, tái phạm nhiều lần như: xây dựng các công trình, làm nhà, hàng quán trái phép trong hành lang bảo vệ đê, xây dựng lắp đặt trạm trộn bê-tông trái phép trên bãi sông…, tổ chức xử lý giải tỏa các công trình vi phạm; nếu đối tượng vi phạm không tự giác thực hiện thì tổ chức cưỡng chế, việc cưỡng chế phải phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương với Công an và các lực lượng liên quan bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật.