Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh khẳng định: Đội ngũ già làng, người có uy tín trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới; là “cầu nối” giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân.
Huyện Đồng Phú có 42 già làng, người có uy tín ở các khu dân cư. Từ năm 2022 đến nay, các già làng, người có uy tín cùng các cơ quan, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tích cực phối hợp tổ chức vận động nhân dân trên địa bàn giúp nhau cây, con giống, ngày công lao động.
Đồng thời, tổ chức ra mắt các mô hình tự quản ở khu dân cư; tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc, đóng góp để kéo điện thắp sáng, làm đường giao thông nông thôn, sân bê-tông nhà văn hóa.
Tại xã Tân Phước, già làng, người có uy tín phối hợp các chùa và nhóm tin lành, vận động tín đồ tôn giáo và nhân dân lắp đặt điện năng lượng mặt trời tại ấp Lam Sơn với tổng kinh phí 85 triệu đồng; tại ấp Phước Tâm, vận động giải tỏa mở rộng đường với chiều dài 2,6km, tổng số tiền vận động 400 triệu đồng; giải phóng mặt bằng xây dựng 1,8km đường bê-tông tại ấp Cây Điệp với số tiền 180 triệu đồng.
Tại ấp Suối Binh, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú có 293 hộ dân, trong đó hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Để ấp Suối Binh có diện mạo như hôm nay, ông Hứa Thanh Nhật (dân tộc Nùng, là người có uy tín tiêu biểu) đã cùng với Ban quản lý ấp thường xuyên đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động bà con hiến đất, đóng góp làm đường giao thông, sửa nhà văn hóa. Lời nói của ông vừa có lý, vừa có tình nên được người dân trong ấp tin tưởng, làm theo.
Ông Nhật đã vận động nhân dân kéo hơn 5km đường điện hạ thế với kinh phí hơn 200 triệu đồng để có điện thắp sáng phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Ngoài ra, ông tích cực vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh để đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống.
Tại huyện Hớn Quản, bà Thị Mương (57 tuổi, người dân tộc S’tiêng) là người có uy tín ở ấp Bù Dinh, xã Thanh An, luôn tận tâm với công việc, đặc biệt là thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
“Ở ấp Bù Dinh, người đồng bào dân tộc thiểu số S'tiêng chiếm 85%, trình độ nhận thức của bà con còn hạn chế, do đó công tác tuyên truyền, vận động còn gặp nhiều khó khăn. Bản thân tôi cùng Ban quản lý ấp đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động bà con và giúp bà con nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc học hành của con em, tích cực chăm lo sản xuất, ổn định đời sống”, bà Thị Mương chia sẻ.
Ngoài ra, bà Mương còn truyền dạy cho con cháu nghề truyền thống của đồng bào mình. Bà cũng đã thành lập và duy trì được một đội múa cồng chiêng với hơn 30 người; đồng thời, trực tiếp truyền dạy, hướng dẫn về ý nghĩa, cách thức sử dụng, di chuyển khi đánh cồng chiêng và múa theo nhịp cồng chiêng.
Bà còn thường xuyên tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ về kế hoạch hóa gia đình; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống; vận động chị em tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.
Nhiều năm qua, tình trạng sang nhượng, cầm cố đất, bán điều non hết sức nhức nhối trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở huyện Bù Gia Mập. Trước thực trạng trên, ông Khằm Thanh Sơn (dân tộc Nùng)-người có uy tín ở thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập tích cực tuyên truyền, vận động bà con không bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất.
Ông cho biết: “Hầu hết bà con ở đây là người đồng bào S’tiêng, đời sống còn nhiều khó khăn. Qua bốn năm thực hiện nhiệm vụ người có uy tín, tôi tuyên truyền, vận động bà con không cầm cố đất, không bán đất. Đến nay, trên địa bàn không thấy bà con bán đất, hay cầm cố nữa”.
Hộ anh Điểu Xen là một trong nhiều hộ đã thay đổi cách nghĩ, cách làm khi được người có uy tín thường xuyên nhắc nhở không cầm cố đất. Theo anh Xen, sau 12 năm sinh sống tại đây, dù cuộc sống của gia đình chưa thay đổi nhiều do đông con, ít đất sản xuất, nhưng gia đình đã không cầm cố, sang nhượng đất, mà tích cực lao động, làm ăn nên cuộc sống có phần khá hơn.
Trưởng phòng Dân tộc-Tôn giáo huyện Bù Gia Mập Điểu Kiêng cho biết: Già làng, người có uy tín trên địa bàn huyện luôn thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc vận động, tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, dù điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của huyện còn nhiều khó khăn, nhưng cuộc sống của phần lớn bà con đã khởi sắc hơn trước, tình trạng cầm cố, sang nhượng đất đã giảm hẳn. Sau nhiều năm tích cực tuyên truyền, vận động, già làng, người có uy tín đã góp phần làm thay đổi suy nghĩ, cách làm của phần lớn các gia đình dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.