Trong những năm qua, lực lượng vũ trang huyện Bù Đốp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tích cực các hoạt động phong trào, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.
Các Câu lạc bộ “Điểm sáng biên giới”, xây dựng “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” tiếp tục phát huy hiệu quả. Đặc biệt, lực lượng vũ trang chú trọng xây dựng các mô hình tự quản như: “Tổ bảo vệ tự quản về an ninh trật tự”, “Khu dân cư không có tội phạm ẩn náu, hoạt động”, “Tổ an ninh nhân dân”, “Xóm đạo bình yên”, “Tiếng kẻng an ninh”. Để tạo thêm điểm tựa biên cương, các cấp, các ngành đã quan tâm xây dựng các khu dân cư mới nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh các vùng đất dọc tuyến biên giới.
Theo ông Lê Quang Oanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bù Đốp, thời gian qua, huyện đã phối hợp các cấp, các ngành liên quan triển khai thực hiện Đề án số 811 của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 về “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn Quân khu giai đoạn 2019-2025”. Đến nay, huyện Bù Đốp đã triển khai được năm điểm dân cư liền kề Đồn Biên phòng và chốt dân quân biên giới. Qua đó, xây dựng được 96 căn nhà cho 96 hộ dân với 317 nhân khẩu.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoàng Diệu được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 21,655 km, có 33 cột mốc, gồm hai cột mốc chính, 31 mốc phụ, một cặp cửa khẩu quốc gia Hoàng Diệu-Lapakhe. Phía ngoại biên đối diện là xã Srekhtum, huyện Keosima, tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. Còn phía ta là xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp có diện tích 4.984 ha, số dân là 1.681 hộ với 14 dân tộc anh em cùng sinh sống; đồng bào dân tộc sinh sống lâu đời là đồng bào X’Tiêng chiếm 23% số dân.
Thượng tá Phạm Văn Chỉnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoàng Diệu cho biết: Thời gian qua, đơn vị chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng duy trì, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới do đơn vị quản lý. Trong đó, phối hợp địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Đồn Biên phòng có hai đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, xã; hai đồng chí tham gia thành viên Mặt trận Tổ quốc huyện, xã; một đồng chí cán bộ đồn tham gia Hội đồng nhân dân xã; tám đảng viên tham gia sinh hoạt ở sáu chi bộ ấp; 20 đảng viên phụ trách 68 hộ gia đình trên địa bàn khu vực biên giới.
Thượng tá Phạm Văn Chỉnh cho biết thêm: Ngoài các nhiệm vụ vận động nhân dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, đơn vị chủ động thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường” nhằm giúp đỡ 21 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đỡ đầu một cháu theo chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng”; thực hiện mô hình “Hũ gạo tình thương” để tặng 30 kg gạo/tháng cho các hộ nghèo.
Để giúp nhân dân phát triển kinh tế, đơn vị thực hiện tốt mô hình “Bò giống cho người nghèo nơi biên giới”; qua đó, tặng năm hộ năm con bò giống, hiện phát triển được 10 con bò; lao động giúp dân thu hoạch nông sản, sửa chữa nhà ở, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần xóa đói, giảm nghèo, củng cố mối quan hệ đoàn kết với nhân dân trên biên giới.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên công tác dân vận khu vực biên giới còn những hạn chế, như: công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số có lúc, có nơi hiệu quả đạt được chưa cao; đời sống đồng bào dân tộc thiểu số của huyện còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao...
Từ thực tiễn nêu trên, Bí thư Huyện ủy Bù Đốp Dương Thanh Huân cho biết: Thời gian tới, các cấp, các ngành cần phối hợp lực lượng vũ trang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và người dân khu vực biên giới tích cực tham gia xây dựng, quản lý và bảo vệ đường biên, mốc quốc giới và các công trình quốc phòng-an ninh ở khu vực biên giới nhằm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân; tiếp tục chú trọng, quan tâm xây dựng lực lượng cốt cán, cơ sở chính trị trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, đặc biệt ở những thôn, ấp biên giới; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội gắn với xây dựng, củng cố thế trận phòng thủ vững chắc ở tuyến biên giới.
Để làm tốt điều này cần thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh khu vực biên giới; đồng thời, tập trung các nguồn lực ưu tiên cho việc hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân khu vực biên giới.