Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023)

Chú trọng chất lượng, hiệu quả thực tế của các phong trào thi đua và công tác khen thưởng

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023), phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Huy Giang (trong ảnh), Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương về những nội dung trọng tâm và các vấn đề đang đặt ra đối với công tác thi đua, khen thưởng hiện nay cũng như trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Chú trọng chất lượng, hiệu quả thực tế của các phong trào thi đua và công tác khen thưởng

Phóng viên: Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023) là một dịp quan trọng, có ý nghĩa đối với các phong trào thi đua ở khắp mọi miền đất nước. Đề nghị đồng chí cho biết nhân dịp này, đã có những hoạt động trọng tâm, thiết thực nào của các bộ, ngành địa phương hướng về ngày kỷ niệm?

Đồng chí Phạm Huy Giang: Cách đây 75 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc mở đầu phong trào thi đua hành động cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục phát huy truyền thống, tinh thần thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành và nhân dân. Để tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 11/4/2023 phê duyệt Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương sẽ tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc vào ngày hôm nay 11/6/2023. Trên cơ sở đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các cơ quan báo chí và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, nhiều hoạt động phong phú, thiết thực đã được các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức phù hợp tình hình thực tiễn, như: Tổ chức phát động phong trào thi đua, các đợt thi đua đặc biệt; tổ chức kỷ niệm gắn với biểu dương, tôn vinh, tuyên dương các điển hình tiên tiến; tổ chức cầu truyền hình; báo công tại các di tích lịch sử, cách mạng ở địa phương; tổ chức gặp mặt, giao lưu gương người tốt, việc tốt; tổ chức gặp mặt cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các thời kỳ...

Tiêu biểu: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phát động đợt thi đua cao điểm kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc; Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Giá trị trường tồn tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước”, Bộ Quốc phòng tổ chức gặp mặt, biểu dương điển hình tiên tiến toàn quân thực hiện phong trào “Thi đua quyết thắng”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tuyên dương, tôn vinh tập thể, cá nhân tiêu biểu, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác; Khối thi đua các cơ quan của Đảng tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 75 năm...

Nhiều địa phương, bộ, ngành đã tổ chức kỷ niệm bằng hình thức phù hợp, nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống thi đua yêu nước, tạo sức lan tỏa, có tác dụng động viên,cổ vũ các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tiêu biểu như các tỉnh: Điện Biên, Nam Định, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Nam, Gia Lai, Kiên Giang...

Phóng viên: Trên nền tảng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, Đảng, Nhà nước, Quốc hội ta đã có nhiều chính sách, pháp luật về thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng, gần đây là Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. Xin đồng chí cho biết những tác động tích cực cũng như những vấn đề đặt ra đối với công tác thi đua, khen thưởng hiện nay.

Đồng chí Phạm Huy Giang: Có thể nói công tác thi đua, khen thưởng trong những năm qua, đặc biệt là những năm gần đây được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bộ Chính trị đã ban hành các chỉ thị, thông báo về công tác thi đua, khen thưởng; Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành các chỉ thị về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định lấy ngày 11/6 hằng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước…

Các chủ trương, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng ngày càng được hoàn thiện. Bộ Chính trị đã thông qua Đề án “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, là những quan điểm chỉ đạo, định hướng quan trọng để các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.

Đặc biệt năm 2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng. Với các chính sách mới đột phá, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng để công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của từng bộ, ban, ngành, địa phương và của đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, để Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đi vào cuộc sống, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng của phong trào thi đua và công tác khen thưởng của các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng, trước hết là hệ thống các nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Quan tâm, chú trọng công tác phổ biến tuyên truyền chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng đến các cấp, các ngành và đến người dân bằng nhiều hình thức.

Phóng viên: Một trong những chủ trương quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng thời gian qua là khen thưởng người trực tiếp lao động sản xuất, khen thưởng thành tích đột xuất. Đề nghị đồng chí cho biết cụ thể hơn việc thực hiện chủ trương nêu trên?

Đồng chí Phạm Huy Giang: Thể chế hóa quan điểm nêu trên của Đảng, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013 đã quy định tiêu chuẩn khen thưởng cụ thể cho đối tượng là công nhân, nông dân; các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã quy định đơn giản hóa thủ tục hành chính khi đề nghị khen thưởng cho đối tượng người trực tiếp lao động sản xuất, khen thưởng thành tích đột xuất. Qua tổng kết 17 năm thi hành Luật Thi đua, khen thưởng, công tác khen thưởng đối với người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu... đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Đặc biệt là những năm gần đây, việc khen thưởng cho đối tượng này được quan tâm, chú trọng, tỷ lệ khen thưởng Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu chiếm tỷ lệ gần 50%. Khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động các hạng, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang cho đối tượng là người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu chiếm tỷ lệ 15%.

Tiếp tục thể chế quan điểm chỉ đạo của Đảng và kế thừa Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, năm 2022, Quốc hội ban hành Luật Thi đua, khen thưởng trong đó quy định nguyên tắc: Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Phóng viên: Trong quá trình thực hiện các công việc, quy định về công tác thi đua, khen thưởng, khó tránh khỏi “bệnh thành tích”, khen thưởng sai người, chưa chính xác, chưa công bằng. Đồng chí cho biết suy nghĩ về vấn đề này và phương hướng khắc phục trong thời gian tới.

Đồng chí Phạm Huy Giang: Luật Thi đua, khen thưởng có đối tượng điều chỉnh rất rộng, rất đa dạng, mỗi đối tượng được điều chỉnh có đặc thù khác nhau về tính chất, vị trí pháp lý, ngành nghề, nhiệm vụ công tác, đặc điểm hoạt động. Hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng mặc dù đã được hoàn thiện nhưng có nội dung còn bất cập, chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ của đất nước.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức đơn vị trong việc đánh giá thành tích để khen thưởng và đề nghị khen thưởng còn chưa cao; có cá nhân, tập thể còn chạy theo thành tích, kê khai gian dối, làm giả hồ sơ, xác nhận, đề nghị sai trong thi đua, khen thưởng; tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng không ổn định, thường xuyên có sự thay đổi; năng lực tham mưu của công chức làm công tác thi đua, khen thưởng còn hạn chế dẫn tới việc tham mưu, thẩm định hồ sơ khen thưởng không đúng, không đáp ứng được yêu cầu đề ra. Vì vậy, thời gian qua có những sự việc khen thưởng sai người, chưa chính xác, chưa công bằng…

Để khắc phục “bệnh thành tích”, khen thưởng sai người, chưa chính xác, chưa công bằng, việc hoàn thiện thể chế về thi đua, khen thưởng là yếu tố quan trọng hàng đầu. Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 quy định một trong các nguyên tắc của việc xét khen thưởng là “Chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời”; đồng thời tại khoản 1 Điều 13 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 cũng quy định: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích để khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng; nhân rộng điển hình tiên tiến; đánh giá thành tích; chịu trách nhiệm về quyết định khen thưởng và việc trình cấp trên khen thưởng.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí.