Dân Thanh Hà vẫn... khát nước sạch
Liên quan đến tình trạng mất nước kéo dài tại khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội), cho tới chiều tối 24/10, hàng nghìn người dân vẫn phải xếp hàng dài hứng từng xô nước về để sử dụng.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Văn Toản, hiện đang sinh sống tại tòa HH02-1C bức xúc chia sẻ: Suốt vài ngày qua, tối nào anh cũng phải xếp hàng đợi đến lượt lấy nước do các mạnh thường quân ủng hộ.
Tối muộn ngày 24/10, hàng trăm người dân tại KĐT Thanh Hà vẫn phải xếp hàng dài... đợi nước. (Ảnh chụp lúc 21 giờ ngày 24/10) |
"Cả ngày đi làm về rất mệt nhưng tôi vẫn phải cố gắng vì nếu không sẽ không có nước sạch để dùng. Mỗi tối, nước trong hệ thống chỉ bơm được từ 1-2 tiếng, lại chảy rất chậm", anh Toản vừa bế con, vừa xách chậu kể.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Tổ trưởng tổ dân phố số 1, cụm chung cư HH01-B1.4 cho biết, mỗi ngày tòa nhà được điều phối nước trong khoảng thời gian ngắn. Ngoài ra, cũng có thời điểm, nước không được cấp theo đúng lịch điều phối Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà nên việc tích trữ của nhân dân càng trở nên khó khăn hơn.
Người dân hứng từng xô nước sạch về sử dụng. (Ảnh chụp lúc 21 giờ tối 24/10) |
Bên cạnh đó, việc nguồn nước không bảo đảm chất lượng cũng khiến cho hàng chục nghìn người dân sinh sống tại đây bất an. Theo nhiều cư dân, trước đó, họ đã chủ động đem mẫu nước đi xét nghiệm và phát hiện nhiều chỉ số vượt mức an toàn cho phép. Đáng chú ý nhất khi kết quả xét nghiệm mẫu nước lấy từ bể nước Công ty nước sạch Thanh Hà phát hiện có vi khuẩn E.coli.
"Nhiều cư dân vẫn lo ngại nguồn nước được cấp không bảo đảm chất lượng nên cơn 'khát' của mọi người càng trở nên trầm trọng hơn", anh Toản nói.
Trước sự việc trên, đêm 23/10, hàng nghìn người dân hiện đang sinh sống tại khu đô thị Thanh Hà đã cùng nhau ký tên vào đơn kêu cứu khẩn cấp gửi tới nhiều cơ quan ban ngành để phản ánh về những vi phạm của Công ty Cổ phần nước sạch Nam Hà Nội - Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà liên quan đến quy chuẩn Bộ Y tế, chất lượng nước sinh hoạt tại đây thời gian qua.
Người dân ký đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng tối 23/10. |
"Cho đến nay, các đơn vị cung cấp nước vẫn chưa có một phương án nào để giải quyết sự việc, chấm dứt việc cung cấp nước không bảo đảm chất lượng cho người dân. Cụ thể nguồn nước mà cư dân đang được cung cấp không bảo đảm quy chuẩn, chất lượng.
Trong quá trình sử dụng nước do Công ty Thanh Hà và Công ty Nam Hà Nội cung cấp, kể từ năm 2017 đến nay chúng tôi luôn nhận thấy nguồn nước mà chúng tôi được cung cấp có những biểu hiện bất thường như nước đục, mùi hôi tanh, mùi clo nồng nặc, nghiêm trọng hơn, khi sử dụng gây ra sự ngứa ngáy khó chịu, bị tróc da như tiếp xúc với hóa chất", đơn viết.
Tiếp tục họp khẩn tìm giải pháp tháo gỡ
Trước tình trạng trên, chiều 24/10, tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Cự Khê, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển và ông Đoàn Viết Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Thanh Oai đã tiếp tục có cuộc họp với đại diện các tổ dân phố, cư dân Khu đô thị Thanh Hà và Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà, Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Thanh Hà và các đơn vị liên quan.
Tại cuộc họp, ông Dương Đình Trình, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà cho biết, ngày 23/10, đơn vị đã làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội cùng một số đơn vị cấp nước thống nhất tăng cường nước sạch cho Khu đô thị Thanh Hà từ 12 giờ trưa nay (24/10) trở đi, tăng cấp nước. Cũng theo ông Trình, đơn vị này xác định ít nhất trong vòng 10 ngày mới có thể cơ bản ổn định nguồn nước. Ngoài ra, để khắc phục tình trạng mất nước cục bộ, chủ đầu tư và công ty nước sạch, chi nhánh đưa về 2 téc lớn 20m3 tại 2 cụm HH01 và HH02.
Quang cảnh cuộc họp chiều 24/10 tại xã Cự Khê. |
Trước thông tin chất lượng nguồn nước không bảo đảm, ông Trình thông tin: Phía chủ đầu tư sẽ lên phương án thau rửa bể theo hình thức cuốn chiếu để đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Theo đặc thù hiện nay, lượng nước đang tiết kiệm cho sinh hoạt nên việc thau rửa phải phụ thuộc Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà. Hai bên sẽ đưa ra kế hoạch tổng thể, phải sục rửa đường ống nước trước khi thau rửa bể. Sau đó thống nhất với nhau là làm ở toà nhà nào", ông Trình nói.
Sau khi nghe những ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho hay, trước đó, sáng 23/10, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì cuộc họp, mời nhiều đơn vị liên quan để có nguồn cấp đủ cho Khu đô thị Thanh Hà.
Nhiều ngày sau khi sự việc xảy ra, tình trạng thiếu nước vẫn chưa được khắc phục triệt để. |
"Với nhu cầu sử dụng tại Khu đô thị Thanh Hà tối thiểu khoảng 3.500m3/ngày đêm. Tuy nhiên, do đang thiếu nguồn nước nên tại đây phải xác định cấp 5.000 m3/ngày đêm mới bù được và sau 7-10 ngày nguồn nước mới trở lại bình thường như trước. Chính vì vậy, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã thống nhất với đơn vị cấp nước sẽ điều tiết nước sạch thêm đơn vị khác Công ty nước mặt sông Đà, sông Đuống và nước sạch Hà Nội để cấp nguồn nước về cho Công ty cổ phần nước sạch Hà Đông để đơn vị này cấp lại cho Thanh Hà. Thời gian cấp được tính từ trưa nay (24/10)", ông Khiển nói.
Theo ông Khiển, trong ngày 24/10, qua kiểm tra lượng nước về cho Khu đô thị Thanh Hà chỉ đạt 180m3/giờ. Do đó, nếu cấp liên tục 24 giờ cũng chỉ đạt hơn 4.000m3/ngày đêm; chưa đạt như kỳ vọng.
Để khắc phục mất nước cục bộ, chủ đầu tư và công ty nước sạch, chi nhánh đưa về 2 téc lớn 20m3 tại 2 cụm HH01 và HH02 và 5 bồn mỗi bồn khoảng 5m3 đặt ở những nơi thiếu nước. |
"Để rà soát việc này, chúng tôi sẽ thành lập tổ giám sát, mỗi ngày 1 lần kiểm tra sẽ nắm được tổng số nguồn cung là bao nhiêu để phản hồi lại với Sở Xây dựng. Việc điều tiết nước đến các tổ dân phố phải do Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà phụ trách. Sở Xây dựng đã chỉ đạo, chủ đầu tư cũng đã đóng lại hệ thống, niêm phong khai thác nguồn nước ngầm. Nếu người dân chưa yên tâm sẽ cho mục sở thị trực tiếp khu vực nguồn nước ngầm đã dừng để mọi người yên tâm", ông Khiển nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai cũng cho biết, Sở Xây dựng đã thống nhất giao cho Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà phối hợp cùng Chi nhánh và dịch vụ nhà ở Thanh Hà tiến hành thau rửa và xúc rửa đường ống nước, sau đó cấp nước trở lại rồi lấy mẫu kiểm nghiệm công khai.
Ông Khiển lưu ý, trước khi tiến hành rửa bể, đường ống phải thông báo kế hoạch cụ thể để người dân nắm được và chủ động. Trong thời gian thau rửa, chủ đầu tư phải chuẩn bị, bổ sung 5 bồn, mỗi bồn khoảng 5m3 và 2 bồn 20m3 để cấp nước. Nếu thiếu thì sẽ tiếp tục bổ sung.
"Trong quá trình sục rửa đường ống sẽ dùng nước ở bể này, nguồn nước do Công ty nước sạch Hà Nội và Hà Đông cấp. Trước khi cấp, các công ty này có trách nhiệm kiểm tra bảo đảm nguồn nước này", ông Khiển nói.