Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tình hình rủi ro gian lận thẻ tại Việt Nam trong giai đoạn từ quý III/2022 đến quý II/2023 đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt, các rủi ro liên quan đến tội phạm công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp.
Nhận diện các xu hướng rủi ro
Chia sẻ về công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao trong hoạt động thanh toán thẻ, ông Cao Việt Hùng - Phó Trưởng phòng, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết: Thời gian vừa qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao liên quan đến lĩnh vực ngân hàng tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, có xu hướng thay đổi về phương thức, thủ đoạn, tập trung vào một số tội phạm như: vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán thẻ; tấn công, khai thác lỗ hổng bảo mật; sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay nặng lãi qua các ứng dụng; sử dụng thiết bị giả trạm BTS,...
Thời gian vừa qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao liên quan đến lĩnh vực ngân hàng tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, có xu hướng thay đổi về phương thức, thủ đoạn, tập trung vào một số tội phạm như: vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán thẻ; tấn công, khai thác lỗ hổng bảo mật; sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay nặng lãi qua các ứng dụng; sử dụng thiết bị giả trạm BTS,...
Đáng chú ý, tội phạm đánh cắp thông tin thẻ ATM (Skimming) có xu hướng giảm, tuy nhiên, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ngày càng gia tăng, nhất là các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia do người nước ngoài cầm đầu sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp như: thuê các địa điểm khép kín tại nước ngoài hoạt động với mô hình công ty quy mô lên tới hàng trăm người, dụ dỗ, lôi kéo người Việt Nam bằng thủ đoạn "việc nhẹ, lương cao", "giao chỉ tiêu" mỗi ngày phải lừa đảo được một số lượng bị hại nhất định.
"Tội phạm móc nối với các đối tượng trong nước thu gom tài khoản thanh toán phục vụ hoạt động nhận, chuyển tiền vi phạm pháp luật (dấu hiệu rửa tiền), sử dụng tiền ảo USDT và các dạng tương tự để làm công cụ rửa tiền, chuyển ra nước ngoài, gây thiệt hại lớn về tài sản cho nhân dân, ảnh hưởng uy tín ngành ngân hàng", đại diện A05 cho hay.
Ngoài ra, thủ đoạn lừa đảo phổ biến của các đối tượng tội phạm cũng được đại diện Bộ Công an chỉ ra là: giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, thuế, bảo hiểm xã hội yêu cầu người bị hại cài đặt các ứng dụng giả mạo trên điện thoại, âm thầm kiểm soát điện thoại, thực hiện giao dịch chuyển tiền chiếm đoạt; tuyển cộng tác viên bán hàng online, người mẫu nhí, làm nhiệm vụ đơn hàng, kêu gọi đầu tư chứng khoán,... sau khi người bị hại chuyển tiền các đối tượng chiếm đoạt, thông qua tiền ảo chuyển ra nước ngoài; lập website, giả mạo nhân viên các ngân hàng, công ty tài chính đăng bài quảng cáo cho vay thủ tục nhanh, gọn, yêu cầu nộp các loại phí để chiếm đoạt tài sản.
Cùng với đó, một số thủ đoạn mới được các đối tượng tội phạm sử dụng gần đây như: sử dụng công nghệ AI (Deepfake) để giả mạo khuôn mặt, giọng nói (Deepvoice) liên hệ người thân, bạn bè chuyển tiền; giả mạo dịch vụ lấy lại tiền đã bị lừa đảo; lập doanh nghiệp "ma", mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền đầu tư chứng khoán, Forex,...
Thủ đoạn lừa đảo phổ biến của các đối tượng tội phạm cũng được đại diện Bộ Công an chỉ ra là: giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, thuế, bảo hiểm xã hội yêu cầu người bị hại cài đặt các ứng dụng giả mạo trên điện thoại, âm thầm kiểm soát điện thoại, thực hiện giao dịch chuyển tiền chiếm đoạt; tuyển cộng tác viên bán hàng online, người mẫu nhí, làm nhiệm vụ đơn hàng, kêu gọi đầu tư chứng khoán,...
“Dự báo trong thời gian tới hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng phát triển, có xu hướng lợi dụng các thành tựu khoa học, công nghệ như Deepfake, Deepvoice để thực hiện hành vi phạm tội. Các ngân hàng và khách hàng của ngân hàng tiếp tục là mục tiêu của tội phạm”, ông Cao Việt Hùng cho biết thêm.
Gia tăng bảo mật, an toàn thanh toán thẻ
Theo ông Lê Hồng Phúc, Phó Chủ tịch Chi hội thẻ Ngân hàng Việt Nam (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), Phó Tổng Giám đốc Agribank: Sự phát triển ngày càng cao của công nghệ mang lại nhiều tiện ích, nhưng đồng thời cũng đang đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức đối với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thanh toán ngân hàng.
|
Thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao ngày càng đa dạng, tinh vi, thay đổi liên tục trong khi hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống an ninh bảo mật của ngành ngân hàng ngày càng lớn, cấu trúc phức tạp nên rất dễ bị tổn thương nếu bất cứ thành phần nào của hệ thống có lỗ hổng bảo mật. "Trong bối cảnh như vậy, với riêng lĩnh vực thẻ, Việt Nam được đánh giá là thị trường năng động bậc nhất châu Á, năng động về tốc độ phát triển nhưng đồng thời cũng là nơi mà tình hình gian lận thẻ tăng mạnh", ông Lê Hồng Phúc chia sẻ.
Việt Nam được đánh giá là thị trường năng động bậc nhất châu Á, năng động về tốc độ phát triển nhưng đồng thời cũng là nơi mà tình hình gian lận thẻ tăng mạnh.
Ông Lê Hồng Phúc, Phó Chủ tịch Chi hội thẻ Ngân hàng Việt Nam (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam)
Số liệu từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2023, số lượng thẻ ATM lưu hành đạt 138,98 triệu thẻ (tăng 0,48% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC (27 ngân hàng đang triển khai). Đến hết năm 2022, số người trưởng thành có tài khoản, bao gồm tài khoản thanh toán và thẻ ngân hàng tại tổ chức tín dụng đạt khoảng 77,41%.
Thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế cũng đang dần chiếm ưu thế, thể hiện qua các con số: so với cùng kỳ năm 2022, 8 tháng năm 2023, giao dịch qua internet tăng 76% về số lượng và 1,79% về giá trị; giao dịch qua kênh QR code tăng 152% về số lượng và 301% về giá trị; giao dịch qua mobile tăng 65% về số lượng và 77% về giá trị; doanh thu từ thị trường thanh toán điện tử đạt 20,5 tỷ USD; giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm 4% về số lượng và giảm 6% về giá trị,...
Báo cáo tóm tắt tình hình rủi ro thẻ thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Quý - Phó Phòng Quản lý vận hành thẻ VietinBank, đại diện Tiểu ban quản lý rủi ro chi hội thẻ Ngân hàng Việt Nam thông tin thêm: Doanh thu từ thị trường thanh toán điện tử năm 2023 ước đạt 20,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với ước tính từ đầu năm 2023. Sự tăng trưởng này có sự góp phần đáng kể của hoạt động thẻ. "Nhưng đồng thời, các ngân hàng phải đối mặt với các rủi ro phát sinh tương ứng với xu hướng thị trường như: Tội phạm công nghệ cao tấn công khai thác các lỗ hổng bảo mật lấy thông tin khách hàng; khách hàng cố tình trục lợi và/hoặc lợi dụng các chính sách của ngân hàng; tình trạng thanh toán khống với cách thức mới,… đang gia tăng và diễn biến phức tạp," ông Nguyễn Ngọc Quý chia sẻ.
Doanh thu từ thị trường thanh toán điện tử năm 2023 ước đạt 20,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với ước tính từ đầu năm 2023. Sự tăng trưởng này có sự góp phần đáng kể của hoạt động thẻ.
Ông Phạm Trường Giang, phụ trách Phòng Phát triển thanh toán (Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cũng cho biết, tình hình rủi ro gian lận thẻ tại Việt Nam trong giai đoạn từ quý III/2022 đến quý II/2023 đang có xu hướng tăng, đặc biệt, các rủi ro liên quan đến tội phạm công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp.
Vì vậy, để tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán, ông Phạm Trường Giang cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư 19, trong đó có một số quy định như: xây dựng bộ tiêu chí nhận diện các chủ thẻ có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo; áp dụng giải pháp công nghệ nhận diện, phát hiện hành vi bất thường, rủi ro cao trong sử dụng thẻ; có biện pháp xác minh, thẩm định, quản lý, giám sát đơn vị chấp nhận thanh toán,...
Bên cạnh đó, số lượng tài khoản thanh toán đang phát triển mạnh, kéo theo số lượng tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tài khoản ngân hàng cũng gia tăng.
Do đó, ông Cao Việt Hùng đề nghị, thời gian tới, các ngân hàng cần phối hợp Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xây dựng chương trình phối hợp và thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp danh sách tài khoản ngân hàng, ví điện tử liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật từ công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc, có kết nối liên thông với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, NAPAS, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để hạn chế tình trạng sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử không chính chủ, phục vụ ngăn chặn sớm dòng tiền vi phạm pháp luật; tăng cường an ninh, bảo mật hệ thống thông tin, phòng, chống mã độc, mua bán dữ liệu khách hàng,…
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Kelvin Utomo, Giám đốc Sản phẩm và giải pháp, Visa tại Việt Nam và Lào cho rằng, để bảo đảm an toàn thanh toán trong kỷ nguyên số, các tổ chức tín dụng nên tăng cường sử dụng các giải pháp như: Tokenization, sử dụng công nghệ cao như 3D-Secure, AI, trang bị kiến thức cho người tiêu dùng,... để phòng, chống gian lận thanh toán.