Vừa qua, anh Đặng Đức Tùng, ở quận Đống Đa, TP Hà Nội nhận được một cuộc gọi điện thoại của một người tự xưng là cán bộ công an và nói: Anh có phải là Đặng Đức Tùng không? Tôi là cán bộ công an được phân công điều tra vụ án mua bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép ma túy ở tỉnh Sơn La.
Trong quá trình điều tra, ban chuyên án phát hiện anh là một mắt xích quan trọng trong đường dây mua bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép ma túy. Nếu anh không muốn bị tù chung thân thì anh phải nộp 100 triệu đồng vào tài khoản... Vốn là người có kiến thức về pháp luật và đã đọc thông tin về các thủ đoạn lừa đảo mới qua điện thoại, mạng xã hội trên báo chí cho nên anh Đức rất bình tĩnh xử lý tình huống. Trước khi tắt máy điện thoại, anh Đức không quên để lại lời nhắn: “Em không nên gọi điện thoại dọa mọi người. Làm như vậy thất đức lắm em ạ! Nếu còn gọi điện thoại dọa nạt nữa anh sẽ báo công an...”.
Đó là một trong số rất nhiều thủ đoạn của loại tội phạm về lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao đã bị vạch trần. Bên cạnh đó, cũng có không ít trường hợp do cần một công việc đã bị lừa đảo tham gia cộng tác viên làm việc online trên mạng và nhận tiền hoa hồng.
Tuy nhiên, “hoa hồng” thì không thấy đâu mà tiền đóng góp để làm cộng tác viên đã lên đến cả trăm triệu đồng. Điển hình như Cơ quan CSĐT Công an huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng vừa khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối tượng Lương Thị Ngọc Giàu (SN 1991, quê ở tỉnh Đồng Nai, thường trú tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) về hành vi sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nội dung chính sự việc như sau: Sau khi tiếp nhận tin báo của chị Nguyễn Thị Ng. (trú tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) về việc chị bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức tham gia cộng tác viên làm việc online trên mạng xã hội để kiếm tiền hoa hồng. Nghe theo lời dụ dỗ của đối tượng, chị Ng. đã chuyển gần 300 triệu đồng cho các đối tượng.
Do số tiền chuyển nhiều lần và ngày càng lớn, trong khi tiền hoa hồng không nhận được, chị Ng. nghi ngờ bị lừa đảo cho nên đã đến cơ quan công an trình báo sự việc. Công an huyện Hòa Vang đã triệu tập Lương Thị Ngọc Giàu đến làm việc. Tại đây, Giàu khai nhận cùng chồng là Hồ Đức Thanh (SN 1987, trú tại tỉnh An Giang) làm giả chứng minh nhân dân (CMND) để đăng ký tài khoản ngân hàng rồi bán cho người khác với giá 5 triệu đồng.
Trong số các tài khoản ngân hàng mà Giàu tạo bằng CMND giả có số tài khoản mà chị Ng. đã chuyển tiền đến. Khám xét nơi ở của Giàu, các cán bộ công an phát hiện, thu giữ 6 CMND mang tên khác nhau có gắn hình ảnh của Giàu; đồng thời phong tỏa 2,9 tỷ đồng có trong tài khoản ngân hàng mà Giàu và Thanh đang sử dụng…
Qua tìm hiểu, để thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao thường dùng các thủ đoạn như giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo người dân có liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng như ma túy, rửa tiền; làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan công an để đe dọa. Giọng nói qua điện thoại được các đối tượng sử dụng công nghệ truyền tiếng nói qua mạng máy tính sử dụng bộ giao thức TCP/IP với thông tin truyền tải là các gói mã hóa của âm thanh để giả danh các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án...
Các đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân dùng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android để tải và cài đặt ứng dụng “Bộ Công an” do các đối tượng cung cấp. Sau khi nạn nhân cài đặt và điền thông tin vào ứng dụng trên thì các quyền quan trọng trên thiết bị như nhận, đọc, soạn, gửi tin nhắn sms, mở khóa thiết bị, bật, tắt mạng internet,... đều bị các đối tượng kiểm soát. Từ đó các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, các đối tượng vẫn áp dụng các phương thức, thủ đoạn cũ như giả danh các nhân viên y tế, ngân hàng, bảo hiểm xã hội; tuyển cộng tác viên bán hàng online; thông báo nạn nhân trúng thưởng,... yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để chiếm đoạt. Gửi đường link thanh toán trực tuyến các giao dịch, yêu cầu nạn nhân truy cập điền thông tin tài khoản, mã OTP. Có đối tượng cho số lô, đề cam kết trúng số; mạo danh các công ty tài chính FE, F88... yêu cầu nạn nhân chuyển tiền lệ phí, chứng minh thu nhập sau đó chiếm đoạt. Gọi điện, đặt lệnh giao hàng qua app và các hội, nhóm trên mạng, sau đó yêu cầu shipper ứng tiền hàng hóa trước khi giao rồi chiếm đoạt…
Theo Thiếu tá Võ Ngọc Hùng Sơn, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Đắk Nông, để hoạt động phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đạt hiệu quả, công an tỉnh đã mua sắm các trang thiết bị tốt nhất trong điều kiện có thể, đồng thời tăng cường nhân sự có chuyên môn để hỗ trợ nghiệp vụ.
Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, khó đòi hỏi anh em của phòng tự trao đổi, học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau từng bước nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ, triển khai nắm tình hình trên các trang mạng, thu thập thông tin để phòng chống và xử lý tội phạm. Cũng theo Thiếu tá Võ Ngọc Hùng Sơn, để ngăn chặn được loại tội phạm này trước hết phải nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để mọi người nắm được các thủ đoạn, chiêu trò, hình thức lừa đảo của các đối tượng, đồng thời đề ra các giải pháp phòng chống.
Khi vụ việc được xác định, xử lý kịp thời cần phối hợp các phòng nghiệp vụ, cơ quan, đơn vị và cơ quan báo chí sớm đăng tải công khai thông tin để người dân biết tránh bị lừa đảo. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác nghiệp vụ, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát tốt không gian mạng để kịp thời phát hiện, xác minh thông tin, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh ngăn chặn, xử lý.
Hiện nay, tội phạm công nghệ cao được xếp vào nhóm các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Nếu cá nhân có hành vi vi phạm mà số tài sản bị chiếm đoạt chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì các cơ quan có thẩm quyền căn cứ Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử để xử phạt. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu hành vi vi phạm đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ các điều liên quan trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử lý theo quy định...
NGUYỄN HƯNG TĨNH
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái