Cảnh báo thủ đoạn lừa bán tiền giả để chiếm đoạt tiền thật của nạn nhân

NDO - Các đối tượng lừa đảo thường xuyên lợi dụng mạng xã hội để tìm kiếm nạn nhân, đưa ra các lời mời mua bán, đổi tiền giả với giá cực kỳ hấp dẫn nhằm chiếm đoạt tiền thật của người bị hại.
0:00 / 0:00
0:00

CẢNH GIÁC THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO MUA BÁN TIỀN GIẢ TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Cảnh báo thủ đoạn lừa bán tiền giả để chiếm đoạt tiền thật của nạn nhân ảnh 1

Thời gian gần đây, hiện tượng mua bán tiền giả trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok đang ngày càng phổ biến và gây lo ngại. Các đối tượng lừa đảo thường xuyên lợi dụng mạng xã hội để tìm kiếm nạn nhân, đưa ra các lời mời mua bán, đổi tiền giả với giá cực kỳ hấp dẫn nhằm chiếm đoạt tiền thật của người bị hại.

Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "tiền giả", hàng loạt các tài khoản cá nhân và hội nhóm liên quan đến hoạt động liên quan đến “tiền giả” sẽ xuất hiện. Các thông tin bình luận phía dưới phần lớn là người bán nhắn nhủ sẽ báo giá riêng tư vào tài khoản cá nhân của khách hàng.

Được biết, người bán thường để lại thông tin mập mờ trên bài đăng và khuyến khích khách hàng nhắn tin trực tiếp để được báo giá. Ngoài ra, ngay khi người mua truy cập vào trang cá nhân của người bán, họ sẽ lập tức nhận được tin nhắn riêng giới thiệu về dịch vụ bán tiền giả.

Các bài viết và clip quảng cáo rao bán tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau, ví dụ như 1 triệu đồng mua được 10 triệu đồng, có tài khoản rao bán 1 triệu đồng được 14 triệu đồng không phải đặt cọc trước và được kiểm tra hàng.

Đặc biệt, người mua càng đặt số lượng lớn, tỷ lệ quy đổi sẽ càng ưu đãi. Việc thanh toán không yêu cầu đặt cọc trước; khách hàng nhận hàng qua bưu điện, kiểm tra toán trực tiếp cho nhân viên bưu điện hoặc người giao tới và được kiểm tra trước khi nhận hàng. Đáng chú ý, các tin nhắn từ các tài khoản là học sinh, sinh viên và người trẻ tuổi chiếm phần đa.

Để có thể phòng tránh được thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nên lựa chọn các cơ sở uy tín để thực hiện giao dịch đổi tiền phục vụ cho dịp lễ Tết Nguyên đán sắp tới.

Không tham gia vào giao dịch tiền tệ không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội hoặc qua các nền tảng không chính thức. Trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, hãy xác minh kỹ càng danh tính đối tác, nguồn gốc giao dịch, cũng như các thông tin liên quan. Không tin vào những lời hứa hẹn quá tốt để trở thành sự thật.

Sử dụng các kênh giao dịch chính thức và có giấy tờ hợp pháp. Cảnh giác với các yêu cầu chuyển tiền trước. Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay với cơ quan Công an để có thể hỗ trợ và giải quyết kịp thời.

CẨN TRỌNG TRƯỚC CÁC TOUR DU LỊCH SIÊU KHUYẾN MÃI DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN

Cảnh báo thủ đoạn lừa bán tiền giả để chiếm đoạt tiền thật của nạn nhân ảnh 3

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài 9 ngày, nhu cầu đi du lịch theo dạng tour trọn gói và tự túc các dịch vụ như vé máy bay, khách sạn… vì thế cũng gia tăng.

Tuy nhiên, bên cạnh loạt chương trình ưu đãi, khuyến mãi, giảm giá dịp lễ, Tết được nhiều đơn vị kinh doanh du lịch tung ra để thu hút khách, thị trường cũng đồng thời xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đặc biệt trên nền tảng trực tuyến.

Mới đây, một nạn nhân của chiêu trò trên, chị Trịnh Thương (Q12, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết khi thấy trên mạng xã hội có quảng cáo tour Quy Nhơn 3 ngày 2 đêm giá chỉ 1,5 triệu đồng, rẻ hơn hẳn so với các công ty du lịch chị từng tìm hiểu, vì muốn tiết kiệm chi phí, chị liên hệ ngay qua số điện thoại trên bài đăng.

Người tư vấn rất nhiệt tình, hướng dẫn chị chuyển khoản trước 100% để giữ chỗ, còn hứa sẽ tặng voucher ăn buffet miễn phí. Sau khi chuyển 3 triệu đồng đặt 2 suất, đối tượng hẹn gửi thông tin chi tiết qua email.

Tuy nhiên, đợi mãi không thấy, chị gọi lại thì không liên lạc được, tài khoản mạng xã hội của đối tượng cũng biến mất.

Theo đó, các đối tượng tạo lập hàng loạt các hội nhóm, Fanpage trên các trang mạng xã hội như Facebook, đăng tải thông tin về các tour du lịch Tết với giá “siêu khuyến mãi”, “siêu hời”...

Những bài viết này thường kèm theo hình ảnh bắt mắt, lịch trình hấp dẫn và cam kết “uy tín – chất lượng”. Để tạo lòng tin, các đối tượng sử dụng những bình luận giả mạo từ tài khoản ảo khen ngợi dịch vụ hoặc khoe đã tham gia và hài lòng.

Kèm theo đó, các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi khi giả mạo danh nghĩa các công ty du lịch uy tín hoặc lập ra những công ty “ma” không có thật. Chúng sử dụng mạng xã hội, tin nhắn hoặc các cuộc gọi không rõ nguồn gốc để đăng tải và chào bán các tour du lịch Tết với mức giá rẻ bất thường.

Những chiêu trò này thường đi kèm với yêu cầu thanh toán toàn bộ chi phí hoặc một khoản tiền lớn trước khi cung cấp dịch vụ, nhưng không kèm theo hợp đồng rõ ràng hay thông tin minh bạch về đơn vị tổ chức.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác trước các bài đăng quảng cáo từ những tài khoản không rõ danh tính về các tour du lịch giá siêu rẻ so với thị trường.

Thực hiện xác minh thông tin từ các nguồn chính thức, không tin tưởng vào những thông báo hoặc kênh thông tin không rõ ràng. Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu cho bất kỳ ai. Không truy cập vào những đường dẫn lạ; không tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc làm theo hướng dẫn của đối tượng lạ.

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

CẢNH BÁO MẠO DANH NHÂN VIÊN NGÂN HÀNG, GỌI ĐIỆN THÔNG BÁO MỞ TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG BỊ KHÓA

Cảnh báo thủ đoạn lừa bán tiền giả để chiếm đoạt tiền thật của nạn nhân ảnh 5

Trong thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cảnh báo người dân trước tình trạng các hacker thường tận dụng sơ hở bảo mật để tấn công tài khoản ngân hàng.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) cũng đã đưa ra cảnh báo về một số thủ đoạn lừa đảo tinh vi mà các đối tượng xấu thường lợi dụng trong dịp cận Tết.

Chiêu trò của đối tượng lừa đảo vô cùng tinh vi. Đối tượng lợi dụng những giao dịch nhỏ không vượt quá những bước xác minh bảo mật như sinh trắc học, từ đó trục lợi từ tài khoản của nạn nhân.

Ngoài ra, đối tượng còn dẫn dụ người dân cài đặt ứng dụng giả mạo nhằm thu thập toàn bộ thông tin cá nhân, từ đó thực hiện các giao dịch lớn hoặc chiếm đoạt tài sản.

Hình thức thực hiện của các đối tượng chuyên nghiệp, đánh vào tâm lý người dân khiến họ mất cảnh giác. Những đối tượng này thu thập thông tin cá nhân và dữ liệu tài khoản ngân hàng từ các “chợ đen” giao dịch dữ liệu hoặc khai thác thông tin bị rò rỉ từ các nguồn công khai như Google, Facebook, hoặc Telegram.

Sau khi có được thông tin cần thiết, chúng tiến hành thử đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Nếu truy cập thành công, các đối tượng này sẽ khai thác các thông tin nhạy cảm như số dư tài khoản.

Đáng lo ngại hơn, để tạo cớ chiếm quyền kiểm soát, chúng cố tình nhập sai mật khẩu nhiều lần, khiến tài khoản bị khóa tạm thời. Lúc này, kẻ gian giả danh nhân viên ngân hàng, liên hệ với nạn nhân và thông báo rằng tài khoản cần được khôi phục.

Chúng hướng dẫn người dùng tải các ứng dụng độc hại hoặc quét mã QR chứa mã độc nhằm thu thập thêm thông tin cá nhân quan trọng như mã OTP, mật khẩu, hoặc mã PIN.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước các cuộc gọi từ đối tượng lạ tự xưng là nhân viên ngân hàng. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP... dưới mọi hình thức. Không tin vào thông báo khẩn cấp qua điện thoại, không làm theo những yêu cầu làm việc gấp liên quan đến tài khoản.

Thực hiện kiểm tra thông tin từ nguồn chính thống, chủ động liên hệ với ngân hàng qua số điện thoại chính thức hoặc ứng dụng ngân hàng điện tử để xác nhận tình hình. Thường xuyên thay đổi mật khẩu và bảo mật tài khoản bằng xác minh hai yếu tố (2FA).

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

CẢNH GIÁC TRƯỚC CÁC CÔNG TY QUẢN LÝ "ẢO" MỜI CHÀO ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN LỢI NHUẬN CAO

Cảnh báo thủ đoạn lừa bán tiền giả để chiếm đoạt tiền thật của nạn nhân ảnh 7

Thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) tiếp tục xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Cụ thể, các đối tượng liên tục thực hiện các cuộc gọi đến người dân tự nhận là nhân viên các công ty chứng khoán có tên tuổi như Vndirect, SSI... mời chào người dân tham gia các hội, nhóm khóa học đầu tư chứng khoán với mục đích dụ dỗ tham gia đầu tư chứng khoán.

Bên cạnh đó, các đối tượng cũng gửi các đường link lạ trên ứng dụng Telegram để chiếm quyền sử dụng tài khoản Telegram của nạn nhân, từ đó sử dụng chính các tài khoản đó để mời gọi, thêm các tài khoản trong danh sách bạn bè của nạn nhân tham gia vào các hội nhóm.

Khi nạn nhân đã tham gia vào các hội nhóm, các đối tượng không mời chào tham gia đầu tư mà chỉ đưa ra thông tin về tình hình hoạt động thị trường chứng khoán, tình hình cổ phiếu, các mã chứng khoán có tiềm năng nhằm tăng sự tin tưởng của các nạn nhân trước khi dẫn dụ.

Cuối ngày, một vài tài khoản đưa lên nhóm những kết quả giao dịch cổ phiếu lời cao và được giải thích do đầu tư chứng khoán thông qua các quỹ đầu tư nước ngoài, được vay Margin lãi suất thấp, có nhiều ưu đãi hoặc đầu tư chứng khoán dưới hình thức “Copytrade” với lời giới thiệu đầu tư chứng khoán không cần kiến thức về chứng khoán, nhà đầu tư chỉ cần chuyển tiền, nạp vào tài khoản rồi ủy thác đầu tư cho các đối tượng.

Sau khi đã dụ dỗ được các nạn nhân, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân truy cập vào các đường link website, hoặc cài các app ứng dụng trên thiết bị di động mà chúng cung cấp.

Nhằm tạo niềm tin, các đối tượng giải thích đây là hoạt động đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài có tên tuổi, được các công ty quản lý quỹ uy tín bảo lãnh và được Ủy ban chứng khoán nhà nước chấp thuận hoạt động, đồng thời cung cấp cho nạn nhân các thông tin gồm có: Giấy chứng, nhận thành lập quỹ đầu tư chứng khoán do Ủy ban chứng khoán nhà nước cấp; giấy phép kinh doanh hoạt động; các giấy tờ pháp lý và tài khoản ngân hàng nhận tiền cũng mang tên tài khoản công ty; quỹ đầu tư; công ty quản lý quỹ đứng ra bảo lãnh.

Để phòng tránh lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần cảnh giác, không tham gia đầu tư, mua bán chứng khoán qua các công ty quản lý quỹ ảo, website, ứng dụng đầu tư chứng khoán ảo với lợi nhuận cao, hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn, bởi đó chính là những cái bẫy được giăng ra nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. người Không vội vàng chuyển tiền cho những đối tượng hoặc tổ chức lạ khi chưa xác minh được danh tính.

Trước khi tham gia bất kỳ dự án đầu tư nào, người dân cần tìm hiểu kỹ về tổ chức hoặc cá nhân mời gọi đầu tư thông qua nhiều cách khác nhau như kiểm tra giấy phép hoạt động, các đánh giá từ người dùng khác, và các chứng chỉ hợp pháp.

Chỉ tải các ứng dụng từ các cửa hàng ứng dụng chính thức (Google Play, App Store). Không truy cập vào các đường dẫn lạ hoặc cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc thông tin thẻ tín dụng cho các đối tượng không rõ danh tính dưới mọi hình thức.

Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

CẢNH GIÁC KHI NHẬN ĐƯỢC TIN NHẮN DỤ DỖ ĐỔI ĐIỂM THƯỞNG TRÊN ỨNG DỤNG NGÂN HÀNG TRỰC TUYẾN

Cảnh báo thủ đoạn lừa bán tiền giả để chiếm đoạt tiền thật của nạn nhân ảnh 9

Mới đây, Cục Thông tin báo chí Ấn Độ (PIB) đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện, dụ dỗ những khách hàng sử dụng dịch vụ tại ngân hàng SBI (State Bank of India) tải về ứng dụng có chứa mã độc để đánh cắp dữ liệu.

Các đối tượng xấu giả mạo đội ngũ chăm sóc khách hàng thuộc ngân hàng SBI, chủ động tiếp cận nạn nhân thông qua tin nhắn, thông báo rằng nạn nhân đang sở hữu một số lượng lớn điểm thưởng tích được sau nhiều lần giao dịch thông qua ứng dụng trực tuyến.

Các đối tượng hứa hẹn số điểm có thể quy đổi thành tiền một cách nhanh chóng thông qua ứng dụng mang tên SBI Reward App và đính kèm đường dẫn để tải về. Sau khi truy cập vào đường dẫn, ứng dụng dưới định dạng APK sẽ ngay lập tức được tải về thiết bị của nạn nhân.

Khi mở ứng dụng, toàn bộ dữ liệu và những thông tin quan trọng có trên thiết bị của nạn nhân sẽ bị đánh cắp và xóa sạch hoàn toàn.

Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được tin nhắn với nội dung tương tự như trên.

Cẩn trọng xác thực thông tin thông qua các trang tin uy tín hoặc cổng thông tin chính thống. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không tải về các ứng dụng lạ khi chưa xác minh được thông tin và danh tính của đối tượng.

Người dân được khuyến cáo chỉ nên tải về và sử dụng các ứng dụng đến từ hệ thống cửa hàng trực tuyến App Store (Đối với hệ điều hành IOS) và CH Play (Đối với hệ điều hành Android).

Khi phát hiện thấy dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với lực lượng chức năng để kịp thời điều tra và ngăn chặn hành vi lừa đảo.

THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO DỤ DỖ ĐÓNG LỆ PHÍ CẦU ĐƯỜNG TIẾP TỤC TÁI DIỄN

Cảnh báo thủ đoạn lừa bán tiền giả để chiếm đoạt tiền thật của nạn nhân ảnh 10

Mới đây, Ủy ban Đường cao tốc Pennsylvania (PTC) đã đưa ra cảnh báo về một chiến dịch lừa đảo, nhắm vào người dân thông qua tin nhắn giả mạo, dụ dỗ thanh toán lệ phí cầu đường nhằm đánh cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng lừa đảo tạo lập tin nhắn giả mạo, chủ động gửi tới nạn nhân với yêu cầu thanh toán khoản lệ phí cầu đường còn thiếu, dụ dỗ thực hiện thanh toán bằng hình thức trực tuyến thông qua đường dẫn được đính kèm. Để thúc giục nạn nhân, các đối tượng nói rằng hiện đã quá hạn thanh toán, nếu nạn nhân không nhanh chóng thực hiện giao dịch, việc đi lại giữa các thành phố sẽ trở nên vô cùng bất tiện, thậm chí là bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Sau khi truy cập vào đường dẫn, nạn nhân sẽ được chuyển hướng tới trang web giả mạo dịch vụ E-Zpass (Tương tự dịch vụ thu phí tự động VETC). Tại đây, nạn nhân sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin như số thẻ tín dụng, thời gian hết hạn, mã CVV,... để tiến hành thanh toán một khoản phí nhỏ.

Nhờ đó mà các đối tượng có thể dễ dàng chiếm đoạt thông tin ngân hàng của nạn nhân, thực hiện các giao dịch chuyển tiền bất hợp pháp.

Trước diễn biến của thủ đoạn lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được những tin nhắn yêu cầu thanh toán lệ phí cầu đường.

Tuyệt đối không truy cập vào đường dẫn hoặc tải về ứng dụng lạ, không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin ngân hàng hoặc chuyển tiền khi chưa xác minh được tính chính thống của trang web hoặc ứng dụng được cung cấp.

Người dân chỉ nên thanh toán các khoản phí trực tuyến thông qua ứng dụng được tải về từ nguồn chính thống. Khi nhận được những tin nhắn với nội dung như trên, người dân cần nhanh chóng trình báo số điện thoại của người gửi với cơ quan công an, lực lượng chức năng để kịp thời điều tra và truy vết đối tượng, ngăn chặn hành vi lừa đảo.