Cảnh giác lừa đảo du lịch trên không gian mạng

Càng gần đến hè, nhu cầu đặt vé máy bay, khách sạn, dịch vụ du lịch ngày càng tăng. Ðây cũng là lúc nhiều khách hàng dễ bị sập bẫy của đối tượng lừa đảo trên không gian mạng.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách cần tìm kênh phân phối chính thống khi mua tour du lịch.
Du khách cần tìm kênh phân phối chính thống khi mua tour du lịch.

Chị Hà (tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Do có nhu cầu đến Thành phố Hồ Chí Minh nên thông qua người quen, chị được giới thiệu với người tên A. mua giúp vé máy bay. A. báo giá vé đi từ sân bay Vân Ðồn (Quảng Ninh) đến sân bay Tân Sơn Nhất của hãng VietJet Air là 2,7 triệu đồng/người (vé khứ hồi). Chị Hà đặt bốn vé cho người nhà cùng đi vào giữa tháng 4/2024, tổng giá vé chị đã chuyển

cho A. là 10,8 triệu đồng. Tuy nhiên, đến gần thời gian bay, chị Hà vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào về chuyến bay, chưa thấy mã vé máy bay, thời gian bay… Lúc này, chị Hà liên hệ với A. thì được trả lời rằng do đang trong giai đoạn cao điểm nghỉ lễ 30/4 nên nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Vì vậy không còn vé hãng VietJet, A. đề nghị chị Hà đổi sang vé của hãng Vietnam Airlines với giá gần 3,2 triệu đồng/vé (vé một chiều). Khi mua vé mới thì sau ba ngày sẽ được hoàn tiền vé cũ.

Chị Hà đồng ý và chuyển gần 9,4 triệu đồng tiền vé cho ba người vào tài khoản của A. với hy vọng sẽ được bay sớm. Tuy nhiên, gần đến thời điểm khởi hành, vé máy bay mới vẫn chưa có, mà toàn bộ số tiền đã chuyển khoản mua vé máy bay cũng không thấy tăm hơi. “Tôi không ham vé giá rẻ, chúng tôi đặt vé qua A. vì tin tưởng người quen giới thiệu nhưng không ngờ lại rơi vào trường hợp này. Tôi có liên lạc thì A. viện đủ lý do và hứa sẽ hoàn lại tiền, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy”, chị Hà nói.

Nhiều đối tượng còn mạo danh khách sạn tên tuổi để lừa người tiêu dùng. Mới đây, một đoàn khách từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh bị lừa tiền cọc và tiền khách sạn. Ðoàn khách đến thành phố du lịch tự túc bốn ngày, ba đêm (ngày 17/4). Họ đặt phòng và chuyển cọc trước 50% qua một người tên Khanh xưng là quản lý khách sạn Ðại Nam Sài Gòn, nằm trên đường Nguyễn Siêu, Quận 1. Mọi giao dịch đều trực tuyến. Do được giới thiệu nên đoàn cũng không hỏi kỹ danh tính người đặt phòng. Khi đến Thành phố Hồ Chí Minh, Khanh thông báo phải đổi sang chi nhánh 2 cùng hệ thống, do cơ sở 1 đang sửa chữa; đồng thời, giục nhóm khách chuyển nốt tiền phòng. Khách sạn mới tên TN Central Hotel ở Quận 1, chất lượng “tệ hơn nhiều so với ảnh”.

Khanh nói đoàn ở tạm một đêm, rồi chuyển sang khách sạn khác tốt hơn; giá mới là 1,6 triệu đồng/đêm (đắt gấp ba lần giá phòng theo thỏa thuận ban đầu). Bức xúc, đoàn đến khách sạn Ðại Nam Sài Gòn đối chất thì mới hay, khách sạn này vẫn hoạt động bình thường. Quản lý khách sạn Ðại Nam cho biết: Không nhận được đơn đặt phòng nào của đoàn khách Hà Nội từ phía người tên Khanh.

Kể lại bài học “xương máu”, chị Tâm (45 tuổi, ngụ Quận 4) cho biết: Chị lên mạng săn được tour đi Thái Lan giá rẻ chỉ 5 triệu đồng cho chuyến du lịch 7 ngày. Sau đó, một người tên Hằng liên lạc với chị Tâm cho biết, đang làm hướng dẫn viên du lịch tại Thái Lan, sẽ hỗ trợ chị Tâm trong suốt chuyến đi; đồng thời, yêu cầu khách hàng chuyển tiền để đặt vé máy bay, khách sạn. “Do chưa đi du lịch nước ngoài lần nào, nên săn được tour giá rẻ này tôi mừng như bắt được vàng.

Người tên Hằng yêu cầu chuyển khoản 100%, vì tour giá rẻ nếu không trả trước toàn bộ sẽ bị người khác mua. Nghe cũng có lý, tôi đã chuyển hết tiền. Thế nhưng, sau khi chuyển khoản tôi không còn liên lạc được với người này nữa. Lúc đó mới vỡ lẽ mình đã bị lừa”, chị Tâm ngao ngán nói. Chị Ðỗ Thanh Hoa (ngụ thành phố Thủ Ðức) cho biết, do có nhu cầu đặt tour du lịch cho gia đình vào dịp hè nên chị vào các trang mạng xã hội, kết nối với các nhóm mua bán tour.

Ngay lập tức, nhiều thành viên một số trang du lịch trực tuyến như “tour giá rẻ”, “combo du lịch trọn gói, giá sập sàn”… đã kết nối, giới thiệu những tour du lịch có giá rất rẻ; thậm chí, giá chỉ bằng nửa giá của một số công ty du lịch có thương hiệu. “Tôi có người quen làm du lịch nên đã tìm hiểu rất kỹ. Hầu hết các trang mời chào tour giá rẻ đều không có thương hiệu, giới thiệu tour không rõ ràng và quan trọng nhất, các trang đều yêu cầu đặt cọc trước. Rất có thể đây là hình thức lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền cọc, hay nhẹ hơn là các tour “treo đầu dê, bán thịt chó”, đưa khách theo tour không đúng như thực tế”, chị Hoa nói.

Ðại diện Công ty du lịch Viettour Lê Hữu Tài cho biết: Khách hàng cần nhận biết các tour du lịch có giá rẻ bất thường so với mặt bằng chung. Vì nhiều khả năng có thể là tour lừa đảo. “Ða số công ty du lịch cạnh tranh với nhau bằng dịch vụ chứ không phải bằng cách hạ giá tour. Với những công ty du lịch lớn, có uy tín thì việc hạ giá tour đều phải được tính toán các yếu tố như lợi nhuận nhờ số đông, mối quan hệ với đối tác… nhưng cũng không thể thấp hơn mặt bằng chung.

Chọn mua tour giá rẻ rất dễ bị đưa vào các trung tâm mua hàng chứ không phải đi các điểm du lịch”, ông Tài nói. Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần truyền thông du lịch Việt Phạm Anh Vũ lưu ý: Khi tìm kiếm hoặc đăng ký sản phẩm du lịch, khách nên tìm hiểu kỹ chương trình, những dịch vụ đi kèm; có thể đề nghị phía công ty cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ của công ty lữ hành, du lịch. “Thận trọng với yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, cảnh giác với những lời hẹn thu tiền tại các điểm nhà hàng, quán cà-phê…”-ông Vũ khuyến nghị.

Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết: “Ðây là thủ đoạn không mới nhưng các đối tượng lừa đảo luôn chọn các dịp nghỉ lễ để thực hiện hành vi phạm pháp. Thủ đoạn chung là lợi dụng không gian mạng để đưa ra thông tin bán tour du lịch, vé máy bay với giá rất rẻ; sau đó, chiếm đoạt tài sản của người dân”.

Công an thành phố khuyến cáo người dân nâng cao ý thức cảnh giác, không nên chuyển tiền khi chưa thẩm định kỹ. Công an đã cảnh báo đến các do-anh nghiệp để chủ động rà soát, phát hiện trang tin giả mạo của doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện trang web giả mạo, doanh nghiệp cần kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng để kịp thời điều tra, xử lý.