Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Ðến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Các thành tố trong hệ sinh thái như chính sách, tài chính, văn hóa, thị trường, nhân lực và các hỗ trợ ngày càng có những liên kết khăng khít, tương tác và hỗ trợ nhau để thúc đẩy tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo và sự thịnh vượng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế khiến hoạt động chưa hiệu quả.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng cho biết, việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở thành phố vẫn có nhiều thách thức; trong đó, khả năng hợp tác, sự bám sát nhu cầu thị trường từ khu vực trường đại học, viện nghiên cứu hiện còn rất yếu; cơ sở vật chất phục vụ cho việc nghiên cứu của trường đại học cũng rất khiêm tốn.
"Chúng ta tập trung quá nhiều cho câu chuyện đào tạo, nặng chuyện học lý thuyết… Các hoạt động nghiên cứu để có nhiều công nghệ và chuyển giao vẫn còn yếu" - ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh, và cho biết thêm: Ðể nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, giúp Việt Nam thật sự trở thành trung tâm khởi nghiệp của khu vực, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần có nhiều giải pháp đột phá hơn nữa. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận thấy, vấn đề cốt lõi để xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp là làm sao kết nối được các thành phần của hệ sinh thái: Trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và Nhà nước. Vì thế, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai đồng thời các chương trình mà trong đó các giải pháp đều hướng tới tác động trực tiếp vào việc phát triển nghiên cứu khoa học của trường đại học, viện nghiên cứu.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khi hợp tác nghiên cứu phát triển với trường đại học; chương trình thúc đẩy thương mại hóa các nghiên cứu của các trường đại học thông qua sàn giao dịch công nghệ thành phố cũng như các sự kiện đổi mới sáng tạo mở; hỗ trợ thúc đẩy các trường đại học ở thành phố phát triển theo mô hình đại học khởi nghiệp; hoặc chính sách giúp các trường đại học hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh...
Với kinh nghiệm giúp thành phố Daejeon trở thành "thung lũng Silicon của châu Á", Giám đốc Trung tâm Ðổi mới sáng tạo của thành phố Daejeon (Daejeon CCEI) Hàn Quốc Park Dae Hee cho biết, địa bàn thành phố Daejeon hiện có 26 trung tâm nghiên cứu do Nhà nước quản lý, hơn 200 trung tâm nghiên cứu thuộc các trường đại học. Nhưng để được như hôm nay là một hành trình nỗ lực xây dựng môi trường thân thiện với khởi nghiệp và nghiên cứu sáng tạo.
Trước hết, Trung tâm Ðổi mới sáng tạo của thành phố Daejeon thường xuyên mời các nhà nghiên cứu, các giáo sư ở các trường đại học đến giảng bài, trao đổi về các vấn đề thời sự của khoa học, công nghệ. Mỗi khi địa phương nảy sinh các vấn đề nổi cộm, các nhà nghiên cứu lại được mời đến để cùng địa phương và các doanh nghiệp nghiên cứu tìm giải pháp.
Mỗi viện nghiên cứu, trường đại học đều có nhiệm vụ và chức năng riêng, nhưng dưới sự điều phối của Trung tâm Ðổi mới sáng tạo của thành phố Daejeon thì tất cả đều có một đích hướng tới là giải quyết các vấn đề thực tiễn của thành phố Daejeon nói riêng và của Hàn Quốc nói chung.
Một số chuyên gia nhận định, những thành công của Hàn Quốc về hệ sinh thái khởi nghiệp là nhờ đẩy mạnh hợp tác giữa các đơn vị, giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với trung tâm và các cơ quan hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước về khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam cơ bản đã bước qua giai đoạn đầu tiên, đang bước sang giai đoạn mở rộng và hội nhập với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên thế giới. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam là quá trình đầu tư lâu dài của Chính phủ cùng với quá trình phát triển đất nước và doanh nghiệp, nên cần có sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, bộ, ban, ngành.
Các chính sách cần được xây dựng đồng bộ, toàn diện từ cấp quốc gia, địa phương để tạo ra một môi trường thuận lợi cho các hoạt động liên quan khởi nghiệp sáng tạo.
Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đầy đủ và rõ ràng cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, cho các tổ chức cá nhân khởi nghiệp sáng tạo. Quy định pháp lý đang nằm trong các văn bản pháp luật khác nhau, nhiều nội dung nằm trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ðiều này có thể phù hợp cho giai đoạn đầu, nhưng khi hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam bước sang giai đoạn mở rộng, kết nối cần thiết phải xây dựng chính sách phù hợp bản chất, quy mô, tiềm năng, định hướng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.