Cần xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động các cung, nhà thiếu nhi trên cả nước

NDO - Nhiều năm qua, hoạt động của hệ thống cung, nhà thiếu nhi đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển chung của sự nghiệp giáo dục, văn hóa, thể thao và xã hội, tuy nhiên, một số nhà thiếu nhi hiện chưa phát huy hết tiềm năng, thiếu chuyển biến, đổi mới về mô hình hoạt động, đội ngũ cán bộ nhiều nơi còn thiếu, chưa đủ để thực hiện các nhiệm vụ.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang (giữa) và đại diện các đơn vị liên quan điều hành Hội nghị.
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang (giữa) và đại diện các đơn vị liên quan điều hành Hội nghị.

Sáng 19/12, tại Hà Nội, Hội nghị Hội đồng Đội Trung ương lần thứ ba khóa IX, giai đoạn 2023-2028 đã diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương.

Theo các báo cáo về thực trạng thực hiện Hướng dẫn liên tục số 15 ngày 29/11/2002 của Ban Tổ chức Trung ương và Trung ương Đoàn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của nhà thiếu nhi ở các địa phương, năm 2017, cả nước có 209 cung, nhà thiếu nhi ở cả cấp tỉnh và cấp huyện. Đến năm 2018, cả nước chỉ còn tổng cộng 168 cung, nhà thiếu nhi .

Qua các năm 2019, 2020 và 2021, tổng số cung, nhà thiếu nhi cấp tỉnh, huyện trên cả nước lần lượt giảm còn 134, 126 rồi 122 đơn vị. Sau khi tăng lên 130 đơn vị vào năm 2023, số cung, nhà thiếu nhi nêu trên đã dừng lại ở con số 126 vào năm 2024 (trong đó, có 24 đơn vị cấp tỉnh và 102 đơn vị cấp huyện).

Cần xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động các cung, nhà thiếu nhi trên cả nước ảnh 1

Đại diện các bộ, ngành, đoàn thể nêu ý kiến tại Hội nghị.

Về vai trò của hệ thống cung, nhà thiếu nhi các cấp tại hội nghị, nhiều đại biểu đồng tình nhận định: những năm qua, hệ thống luôn phát huy vai trò là trung tâm vui chơi, giải trí của thiếu nhi; nơi nghiên cứu, tổng kết, hướng dẫn phương pháp công tác Đội, phong trào thiếu nhi trong, ngoài nhà trường; phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng và khả năng sáng tạo cho thiếu nhi...

Mặc dù còn khó khăn về cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động, nhưng hệ thống cung, nhà thiếu nhi đã từng bước khẳng định được vị thế của một thiết chế văn hóa dành cho thiếu nhi ở cơ sở, là điểm sáng văn hóa, góp phần lành mạnh hóa môi trường xã hội.

Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, một số nhà thiếu nhi hiện nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thiếu sự chuyển biến, đổi mới về mô hình hoạt động dành cho thiếu nhi. Đội ngũ cán bộ nhà thiếu nhi ở không ít nơi còn thiếu, chưa đủ để thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị. Việc đầu tư xây dựng và định hướng hoạt động hệ thống nhà thiếu nhi ở một số nơi còn yếu, cơ sở vật chất còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu học tập và sinh hoạt của thiếu nhi.

Bên cạnh đó, do thực hiện cắt giảm kinh phí được cấp từ ngân sách, nguồn kinh phí tự chủ lại hạn chế, công tác vận động nguồn lực xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, cho nên một số đơn vị khó có thể bảo đảm duy trì các hoạt động thường xuyên.

Đáng chú ý, ở một số địa phương, nhà thiếu nhi cấp huyện có nơi còn chưa quyết định thành lập bộ máy hoặc có bộ máy, trụ sở nhưng chưa đi vào hoạt động; cá biệt có trường hợp để cơ sở vật chất hư hỏng, xuống cấp. Nhiều đơn vị chỉ có nhà thiếu nhi cấp tỉnh, chưa có nhà thiếu nhi cấp huyện nên sân chơi cho các em ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu, vẫn còn sự chênh lệch giữa thiếu nhi thành thị và nông thôn...

Cần xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động các cung, nhà thiếu nhi trên cả nước ảnh 3

Các đại biểu thảo luận về thực trạng hệ thống nhà thiếu nhi trên cả nước.

Từ những vấn đề trên, các đại biểu đề nghị sửa đổi Hướng dẫn 15 theo hướng kế thừa, bổ sung các quy định về nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động của nhà thiếu nhi .

Liên quan đến mô hình hoạt động, cần bổ sung quy định nhà thiếu nhi là đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và văn hóa, thể thao. Về tên gọi, cần thống nhất gọi chung là " nhà thiếu nhi " đối với đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và "cung Thiếu nhi" đối với đơn vị có đủ điều kiện xếp hạng theo các quy định.

Cần xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động các cung, nhà thiếu nhi trên cả nước ảnh 4

Chủ tọa hội nghị lắng nghe ý kiến của các đại biểu.

Ngoài ra, cần bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ của nhà thiếu nhi cho phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển, tăng cường chức năng hướng dẫn hoạt động của nhà thiếu nhi cấp tỉnh đối với nhà thiếu nhi cấp huyện, tăng cường nhiệm vụ xã hội hóa các hoạt động nhằm huy động mọi nguồn lực trong đóng góp xây dựng, phát triển hệ thống Nhà thiếu nhi.

Các đại biểu cũng lưu ý nên có quy định Giám đốc nhà thiếu nhi cấp tỉnh phải là cán bộ chuyên trách, đồng thời nghiên cứu, bổ sung quy định về kinh phí hoạt động của nhà thiếu nhi các cấp được cấp riêng trong tổng kinh phí của Đoàn Thanh niên các cấp.