Trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo hoặc các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada,... nhiều tuần nay, các mẫu bánh được cập nhật liên tục, đa dạng từ kiểu cách, nhân bánh đến hương vị cũng như giá thành rất đa dạng từ 30-80 nghìn đồng/chiếc trọng lượng 50 g cho tới 150-200 nghìn đồng/chiếc với hàng xách tay từ nước ngoài, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, đi kèm với đó là việc “nhập nhèm” chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ bánh trung thu đang diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi. Điều này đang gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng.
Những loại bánh trung thu handmade hoặc xách tay đang được người tiêu dùng, nhất là giới trẻ ưa thích do có hương vị mới lạ, bánh được làm theo yêu cầu, kèm theo những lời cam kết “có cánh” như không chất bảo quản, bảo đảm vệ sinh. Song, chất lượng và độ an toàn thật sự của loại bánh này lại chưa có các cơ quan chức năng nào kiểm định. Và khi những sản phẩm không được bảo đảm kiểm nghiệm về nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng; sản phẩm có thể chứa các chất độc hại, ô nhiễm hoặc làm từ thực phẩm bị hư hỏng, biến chất do thiếu điều kiện bảo quản. Nếu sử dụng có thể gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, đau bụng… nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.
Thực tế ghi nhận, cứ mỗi dịp Trung thu đến, nhiều tổ chức, cá nhân tung ra thị trường những sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã bị cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ. Vừa qua, lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp Công an huyện Hoài Đức, kiểm tra, phát hiện một cơ sở kinh doanh có 4.000 sản phẩm thực phẩm có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu, trong đó 1.960 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất là hàng nhập lậu không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Trước đó, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra, phát hiện một địa điểm đang kinh doanh có chứa trữ 4.608 chiếc bánh trung thu hiệu Bibizan do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa.
Chính vì vậy, người tiêu dùng cần lưu ý chỉ nên mua, sử dụng thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng; tránh mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác…
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng, nhất là quản lý thị trường phải nhanh chóng vào cuộc, quản lý chặt thị trường bánh trung thu; trong đó tập trung xử lý nghiêm hành vi bán bánh trung thu chưa được kiểm định, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội...