Trung thu lại lo bánh tự làm

Những năm trở lại đây, thị trường bánh trung thu Việt Nam sôi động, nhộn nhịp hơn với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu bánh lâu năm, những thương hiệu mới nổi trong ngành F&B và cả bánh tự làm, hay còn gọi là handmade.
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng phải cẩn trọng trong lựa chọn bánh trung thu. Ảnh: NGUYỆT ANH
Người tiêu dùng phải cẩn trọng trong lựa chọn bánh trung thu. Ảnh: NGUYỆT ANH

Hàng handmade “lên ngôi”

Mới qua rằm tháng Bảy nhưng thị trường bánh trung thu online đã bắt đầu sôi động với các quảng cáo “hàng chính hãng”, “hàng handmade”… Hàng trăm thương hiệu bánh “phủ sóng” khắp các “chợ mạng” lớn nhỏ. Giá bánh nướng, bánh dẻo từ 15 đến 250 nghìn đồng/bánh tùy loại. Trên Tiki, Shopee hay Lazada, gõ từ khóa “bánh trung thu”, ngay lập tức có hàng nghìn kết quả với đủ loại bánh nướng, bánh dẻo của các thương hiệu.

Đáng chú ý, phần lớn đều ghi là hàng handmade. Các kiểu bánh này thu hút khách hàng nhờ kiểu dáng đa dạng, bắt mắt, đa dạng các loại nhân bánh. Tuy nhiên, khác với bánh của các thương hiệu được đóng gói cẩn thận và ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, các mặt hàng handmade thường không có nhãn mác, đóng gói sơ sài.

Chị Diệu Hương (26 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) nhận xét, hiện nay các loại nguyên liệu để làm bánh đều được bày bán ngoài chợ và có luôn trên các nền tảng thương mại điện tử. Chỉ cần mua về chế biến, tỷ lệ sinh lời là “một ăn ba”, nên nhiều người tham gia vào thị trường này. Tuy nhiên, hầu hết đều ở quy mô nhỏ, thủ công làm ăn theo tính chất “mùa vụ” và không có gì kiểm chứng về chất lượng an toàn thực phẩm. “Tùy người làm bánh, sẽ cho các loại phụ gia, gia vị khác nhau, của ai biết người đấy nên không thể kiểm soát được chất lượng như bánh của các hãng. Nhưng bên em bảo đảm không chất bảo quản, chất phụ gia”, chị Hương “vớt vát” thêm.

Bánh trung thu handmade khó có thể đánh giá được chất lượng sản phẩm. Nhưng như lời chị Hương chia sẻ “của ai biết người đấy” đã thấy mua hàng vẫn thông qua cảm tính và sự tin tưởng lẫn nhau. Thêm vào đó, khí hậu nóng, ẩm, nhiều khói bụi, giấy bao gói nhiều sản phẩm chưa bảo đảm yêu cầu, trong khi lại vận chuyển nhiều nơi… làm cho bánh trung thu thường dễ bị hư hỏng, ô nhiễm ở bên trong mà chưa biểu hiện ra ngoài vỏ bánh… Đây được coi là một trong những nguyên nhân chính tiềm ẩn gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm cho người tiêu dùng.

Nỗ lực nhưng còn băn khoăn

Để tăng cường đấu tranh phòng chống các mặt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trong thời gian qua cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động buôn bán mặt hàng phục vụ dịp Trung thu.

Tại Hà Nội, ngày 21/8 vừa qua, Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện và thu giữ hơn 4.600 chiếc bánh trung thu nhập lậu. Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh sáng 30/8 cũng thu giữ hàng trăm bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Mới đây, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu về nguyên liệu sản xuất bánh; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất lượng sản phẩm... để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Đồng thời, trong dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng bán bánh trung thu về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Sau dịp Tết Trung thu, cũng cần phải tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng.

Tuy nhiên, đối với các mặt hàng handmade, cơ quan chức năng cũng rất khó kiểm soát việc mua bán. Bởi người bán hàng thường không đăng ký kinh doanh, các sản phẩm không dán tem mác, nơi sản xuất nên công tác kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Điều đó cũng có nghĩa, thị trường các mặt hàng đồ ăn handmade có nhiều nguy cơ về ngộ độc an toàn thực phẩm nhưng lại đang khó kiểm soát. Điều đáng nói, thị trường này đã bùng nổ vài năm trở lại đây, nhưng cơ quan chức năng chưa có một phương án quản lý hiệu quả, quy định quản lý chưa theo kịp thực tiễn. Và vì vậy, người tiêu dùng phải tự cẩn trọng trong lựa chọn thực phẩm qua hình thức online.