Cần quan tâm đến lao động phi chính thức, nhất là các quyền lợi bảo đảm an sinh xã hội

NDO - Ngày 9/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Kinh tế và Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) cùng tổ chức Tọa đàm: “Hiến kế mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm xã hội với lao động phi chính thức”.
0:00 / 0:00
0:00
Các khách mời chia sẻ tại Tọa đàm tổ chức sáng 9/6.
Các khách mời chia sẻ tại Tọa đàm tổ chức sáng 9/6.

Tọa đàm thu hút nhiều ý kiến, chia sẻ, của nhà quản lý, chính quyền địa phương, người lao động trong diện lao động phi chính thức với mong muốn nâng tỷ lệ người lao động khu vực phi chính thức tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện để họ được quan tâm, chăm lo thiết thực hơn từ các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước khi về già.

Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, vai trò của lực lượng lao động phi chính thức vô cùng quan trọng, họ làm việc chủ yếu nằm ở vùng kinh tế nông thôn, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Họ cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế chung vô cùng khó khăn thì đời sống và việc làm của họ bị tác động rõ rệt.

“Việc chăm lo cho lao động phi chính thức là không hề dễ dàng, nhất là đợt dịch Covid-19 xảy ra. Dù Nhà nước đã những chính sách nhằm hỗ trợ kịp thời cho những đối tượng này nhưng vẫn chưa thể chăm lo hết, nhất là các chế độ về Bảo hiểm xã hội, chính sách an sinh”, ông Thắng nhận định.

Theo báo cáo nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam” do Cục Bảo trợ Xã hội cùng AFV thực hiện vào tháng 11/2018 cho biết có 97,9% lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội. Đến năm 2021 theo Tổng cục thống kê, số lao động phi chính thức vẫn duy trì có đến 97,8% lao động không tham gia vào bất kỳ một loại hình bảo hiểm nào, 35,5% trong số họ là lao động làm công hưởng lương. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ (2,1%) người lao động phi chính thức cho biết họ có tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ngoài ra, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động tăng rất chậm trong hai năm qua (từ 1,6% năm 2019 lên 2,1% năm 2021). Điều này cho thấy nhiều người lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của bảo hiểm xã hội và các chính sách của bảo hiểm xã hội chưa thực sự hấp dẫn đối với người lao động.

Theo ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, lao động phi chính thức hầu hết không mặn mòi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nguyên nhân chính, do người lao động có thu nhập bấp bênh (để tham gia bảo hiểm xã hội cần có nguồn tài chính vừa bảo đảm nhu cầu trước mắt, vừa chăm lo cho gia đình, sau đó tiền dư ra mới có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện), mặt khác hạn chế nhất định về trình độ và kỹ năng nghề nghiệp cũng như nhận thức của người lao động khi tham gia loại hình này.

Ông Hà cho biết, năm 2022 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Thành phố Hồ Chí Minh gần 2,6 triệu người, bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng hơn 60.000 người. Kế hoạch được giao trong năm 2023 bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng như năm 2022 nhưng đến nay mới đạt 31.000 người. Như vậy con số đạt rất thấp.

Theo ông Hà, thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên cuối năm 2021 hầu hết các doanh nghiệp da giày, may mặc, sản xuất gỗ đều cắt giảm và cho người lao động nghỉ việc. Mới đây nhất, Công ty Pouyuen cho hơn 5.000 người lao động nghỉ việc. Vì vậy về lâu dài chính sách an sinh xã hội đối với số lao động này ra sao; công tác giới thiệu việc làm, số người mất việc có nhu cầu được hỗ trợ từ phía nhà nước rất lớn cũng cần được quan tâm thực chất hơn.

Chia sẻ tại Tọa đàm, bà Lâm Tiểu Oanh, một lao động làm nghề tự do cho hay, trước đây bản thân bà đi làm tại một doanh nghiệp và được công ty đóng bảo hiểm cho thời gian 20 năm làm việc. Sau đợt dịch Covid-19, bà Oanh nghỉ làm, chuyển qua làm lao động tự do và không tham gia loại hình bảo hiểm xã hội nào.

“Hiện nay, tôi mong muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để hết độ tuổi lao động được nhận lương hưu. Tuy nhiên, tôi cảm thấy lúng túng và thiếu thông tin về các thủ tục khi tự đóng bảo hiểm xã hội như phải liên lạc với các cơ quan nào để tham gia. Trường hợp thu nhập về lâu dài không còn bảo đảm để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mức đóng cho những năm kế tiếp sẽ ra sao…”, bà Oanh nêu vấn đề.

Đây cũng là những điểm hạn chế mà người lao động mong muốn Cơ quan Bảo hiểm xã hội khắc phục, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, mở rộng các kênh thông tin, tương tác gần hơn để người lao động có điều kiện tham gia hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện, được chăm lo về an sinh xã hội tốt hơn.