Lao động phi chính thức gặp nhiều khó khăn trong đại dịch
PGS, TS Giang Thanh Long (Đại học Kinh tế quốc dân) đánh giá, qua các chính sách hỗ trợ người dân và người sử dụng lao động trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhất là những chính sách triển khai trong năm 2021, sẽ thấy được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và tất cả các bộ, ban, ngành, chính quyền các tỉnh đối với người lao động trong quá trình chống dịch, đặc biệt là trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư đến bây giờ, khiến đời sống kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn.
Đây là chia sẻ của PGS, TS Giang Thanh Long tại tọa đàm trực tuyến “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch” do Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.
Tuy nhiên, theo ông Giang Thanh Long, vẫn còn những khó khăn khi thực hiện các gói hỗ trợ với lao động phi chính thức.
Theo Tổng cục Thống kê, quý II/2021 có tỷ lệ lao động phi chính thức nhiều nhất trong ba năm trở lại đây, với tỷ lệ 57,4%. Như vậy, lực lượng lao động phi chính thức lên tới hàng chục triệu người.
Mặc dù các gói hỗ trợ đã tiếp cận nhiều người lao động, trong đó có người lao động ở khu vực phi chính thức - không có hợp đồng lao động hoặc không tham gia bảo hiểm xã hội. Đây cũng là nhóm đối tượng chịu tổn thương nặng do đại dịch suốt hai năm qua, đặc biệt là trong đợt dịch lần thứ tư. Khi đất nước đóng cửa nền kinh tế, thực hiện giãn cách xã hội, họ lập tức bị mất sinh kế, và không có nguồn bù đắp như nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
Vẫn còn một số lượng khá lớn lao động phi chính thức chưa tiếp cận hoặc tiếp cận chậm với các chính sách hỗ trợ do khó tiếp cận nhóm đối tượng này. Một số chính quyền địa phương áp dụng cách lên danh sách, xác nhận đối tượng. Quá trình làm thủ công như vậy, có thể xác định sai đối tượng, hoặc đối tượng được nhận hỗ trợ chậm hơn so với dự kiến.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tới ngày 1/1/2021, 209 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã thực hiện hơn 1.700 chính sách hỗ trợ khác nhau trong đại dịch. Việt Nam đóng góp khá nhiều trong số đó, với các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42, Nghị quyết 68, Nghị quyết 116..., với khoảng hơn 50 chính sách khác nhau của các địa phương và các bộ, ngành mang tính chất đặc trưng cho các công việc.
Một số quốc gia trong khu vực có lực lượng lao động phi chính thức lớn như Việt Nam. Thí dụ như Thái Lan, vào tháng 4/2020, nước này công bố gói hỗ trợ là 117 tỷ bath, tương đương khoảng 3 tỷ USD, hỗ trợ tất cả người lao động phi chính thức với mức 5.000 bath, tương đương với khoảng 125 USD.
Điều kiện của Thái Lan cũng giống Việt Nam, rất khó khăn trong xác định số người lao động phi chính thức. Thay vì để chính quyền địa phương, Bộ Lao động, hay bất kỳ một cục nào đó về lao động phải đi xác minh, người lao động đăng ký để nhận những gói hỗ trợ đó vào các ngân hàng, thí dụ như ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng chính sách hoặc trên các website do Bộ Lao động của Thái Lan đưa ra, như những website chuyên đăng ký về lao động thất nghiệp. Sau khi có thông tin, chính quyền địa phương rất đơn giản để xác định. Sau khi công bố website, chỉ sau 1 tuần, có 28 triệu người đăng ký nhận. Sau khi sàng lọc, chỉ còn 14 triệu người được hưởng chính sách, còn lại 14 triệu người trùng với các chính sách khác. Điều này tạo thuận lợi rất nhiều cho quá trình hỗ trợ người lao động.
Một quốc gia trong ASEAN là Indonesia cũng công bố gói hỗ trợ tương đương hơn 600 triệu USD. Họ cũng số hóa tất cả các dữ liệu này, yêu cầu những người đăng ký đi vào các nhóm trong khu vực mình đang sống. Từ đó, người lao động dễ dàng đăng ký, và chính quyền địa phương xác định có đúng hay không thì sẽ dễ dàng xác nhận được đối tượng. Việc triển khai các chính sách ở Indonesia rất hiệu quả, chỉ trong vòng ba tháng, đã hỗ trợ hơn 12 triệu người lao động và người sử dụng lao động, với mức hỗ trợ khoảng 175 USD/người.
Như vậy, việc số hóa tất cả các dữ liệu, trong đó có hoạt động đăng ký người lao động, giữ vai trò quan trọng nhằm xác định đối tượng cần hỗ trợ. Đây cũng là cơ hội tốt để cộng đồng nhận thấy, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là "tấm nệm" hỗ trợ cho người lao động khi đời sống gặp khó khăn. Đồng thời, cũng lan tỏa những điểm ưu việt của các chính sách an sinh xã hội này, thu hút thêm người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Tăng hiệu quả của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Riêng về gói hỗ trợ 38 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 116 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, PGS, TS Giang Thanh Long nhận định, việc triển khai chính sách này rất nhanh, đồng bộ và hiệu quả. Thuận lợi này là nhờ số hóa công tác quản lý dữ liệu lao động, với đầy đủ thông tin trong cơ sở dữ liệu. Qua đó, sẽ giúp giải quyết chính sách rất nhanh, giảm chi phí rà soát. Đây cũng là yếu tố giúp sử dụng hiệu quả các quỹ hỗ trợ người lao động.
Đến hết ngày 16/11, kết quả triển khai Nghị quyết 116 của Chính phủ, Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã ghi nhận những kết quả khả quan đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 11.778.660 lao động. Tổng số tiền hỗ trợ là 28,01 nghìn tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có ý nghĩa tích cực giúp người lao động đang gặp khó khăn trong thời gian ngắn hạn. Tuy nhiên, ở góc độ dài hạn, cần cân nhắc vấn đề liên quan tổng thể toàn bộ thị trường lao động.
Về thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đã được đào tạo nghề thay đổi kỹ năng để có thể tìm kiếm việc làm mới trong thời gian thất nghiệp. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động mất việc mới chỉ “đang đào tạo những gì chúng ta có, chứ chưa đào tạo những gì thị trường cần”. Vì thế, dù vẫn được hỗ trợ đào tạo, nhưng họ vẫn khó tìm việc vì kỹ năng chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Đây là một điều cần lưu ý trong việc sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Vấn đề tiếp theo là kết nối thị trường lao động như thế nào. Đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những điểm yếu của thị trường lao động. Hiện nay, tỷ lệ người lao động tìm kiếm việc làm qua các trung tâm giới thiệu việc làm chính thức đã tăng trong thời gian vừa qua, nhưng vẫn còn hạn chế. Việc tìm kiếm việc làm qua người thân, gia đình, bạn bè là những chỗ tin tưởng, nhưng không phải lúc nào cũng tìm được công ty tốt có đầy đủ các chế độ an sinh xã hội. Khi các doanh nghiệp tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, sẽ bảo đảm cho người lao động về lâu dài. Cú sốc Covid-19 cho thấy những người đã tham gia các chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội đã được bù đắp một phần những đóng góp của mình trước đây, thông qua bảo hiểm thất nghiệp hoặc các hỗ trợ khác.
Hướng tới mục tiêu sử dụng an toàn, minh bạch, hiệu quả Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, PGS, TS Giang Thanh Long cho rằng, giải pháp tốt là cần phục hồi kinh tế. Qua đó, mới có thể giảm số người thất nghiệp, giảm chi tiêu Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và gia tăng số người đóng bảo hiểm thất nghiệp để bù đắp cho Quỹ.
Nghị quyết 116 cho phép doanh nghiệp giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% tới hết tháng 9/2022 rất hợp lý và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp.
Về lâu dài, khuyến khích người lao động tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp rất quan trọng. Càng nhiều người tham gia Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, sẽ càng có nguồn lực để chia sẻ rủi ro, làm “tấm nệm” để đỡ họ chống lại những cú sốc tương tự như cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra như vừa qua.
(PGS, TS Giang Thanh Long)