Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn thử thách, chưa đạt được trạng thái ban đầu trước khi có đại dịch, đòi hỏi cơ quan điều hành phải nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.
Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, Tổng cục Thống kê đánh giá thế nào về sự phục hồi của thị trường lao động hiện nay?
Ông Phạm Hoài Nam: Do các chủ trương, biện pháp vừa phòng, chống dịch, vừa thích ứng linh hoạt để phát triển kinh tế-xã hội được ban hành kịp thời, nền kinh tế đã từng bước phục hồi và bức tranh tổng thể về thị trường lao động việc làm có nhiều gam màu tươi sáng trong quý IV/2021.
Những dấu hiệu phục hồi đáng ghi nhận là số lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã giảm 3,5 triệu người so quý trước; tình hình thiếu việc làm được cải thiện đáng kể với số lao động có việc làm tăng trở lại; tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,42 điểm phần trăm; lực lượng lao động tăng ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng cao.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý III năm 2021 là 5,3 triệu đồng, tăng 139 nghìn đồng so với mức đáy của quý III…
Tuy nhiên sự phục hồi này chưa thật bền vững. Số lao động có việc làm trong quý IV đã dần tăng trở lại, nhưng chủ yếu tăng ở nhóm người có việc làm phi chính thức.
Sau đại dịch, nhiều lao động đã quay trở lại thị trường và có việc làm, nhưng phần lớn là việc làm phi chính thức. Đặc trưng công việc của lao động này là bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp; không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chưa đạt được trạng thái ban đầu khi chưa có đại dịch. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn ở mức cao. Tỷ lệ thanh niên không làm việc không tham gia học tập đào tạo vẫn chưa giảm nhiều. Thu nhập của người lao động vẫn thấp hơn so cùng kỳ năm trước.
Phóng viên: Năm 2021 đã diễn ra làn sóng di cư của người lao động rời bỏ các thành phố lớn về quê tránh dịch, và hiện nay, rất nhiều người trong số đó vẫn chưa trở lại làm việc, dẫn đến sự thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp. Tổng cục Thống kê có nhận định gì về tình trạng này?
Ông Phạm Hoài Nam: Tính đến ngày 15/12/2021, cả nước có khoảng 2,2 triệu người trở về từ các tỉnh, thành phố. Bao gồm khoảng 447.000 người trở về từ Hà Nội, 524.000 người về từ Thành phố Hồ Chí Minh, gần 600.000 người về từ các tỉnh phía nam và hơn 676.000 người trở về từ các tỉnh, thành phố khác.
Trong số này, có khoảng 1,6 triệu người từ 15 tuổi trở lên, chiếm 70,9%. Họ chủ yếu là lao động tự do, lực lượng chịu ảnh hưởng của các đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, chỉ thị 16, dẫn đến tình trạng cả nơi đi và nơi đến đều gặp khó khăn.
Địa phương có người đi tránh dịch bị thiếu hụt lao động, dẫn đến một số ngành như dệt may, da giày thiếu hụt lao động trong khi địa phương đón người trở về chưa thể sắp xếp, bố trí được công ăn việc làm.
Phóng viên: Trước tình trạng này, các địa phương cần có giải pháp gì để tạo công ăn việc làm cho người lao động cũng như thu hút họ trở lại làm việc, thưa ông?
Ông Phạm Hoài Nam: Rất khó để đưa ra giải pháp chung cho tất cả các địa phương, vì mỗi nơi có những đặc điểm kinh tế-xã hội, nhân khẩu học khác nhau. Từng địa phương cần xác định tiềm năng và lợi thế riêng để xây dựng chính sách phù hợp. Đồng thời quán triệt và triển khai tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ.
Báo cáo của các sở lao động, thương binh và xã hội mới đây cho biết đã có sự dịch chuyển lao động trở lại các trung tâm kinh tế, công nghiệp. Nhưng trên thực tế, chỉ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính và có chính sách đãi ngộ người lao động mới thu hút được lao động quay trở lại làm việc. Còn tuyệt đại đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa, tình trạng thiếu lao động vẫn chưa được cải thiện.
Thu hút người lao động quay trở lại làm việc là thách thức lớn đối với doanh nghiệp, người lao động sẽ khó quay trở lại thị trường nếu dịch bệnh tại những địa phương này vẫn diễn biến phức tạp.
Để hồi phục lại thị trường lao động sau đại dịch và giảm tỷ lệ thất nghiệp, cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ lao động, nhất là đối với những người về quê đang rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm.
Các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội đang được Quốc hội xem xét tại họp phiên bất thường nhằm đưa ra các gói kích cầu đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, cần quy hoạch lại các ngành nghề như dệt may, da giày, chuyển từ thành phố lớn về các địa phương để tạo việc làm tại chỗ cho người lao động.
Phóng viên: Khôi phục sản xuất có thể diễn ra trong vòng sáu tháng đến một năm nhưng khôi phục tổn thương của thị trường lao động cần phải mất nhiều thời gian hơn. Đâu là giải pháp để sớm phục hồi thị trường lao động, việc làm để đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế, thưa ông?.
Ông Phạm Hoài Nam: Để thị trường lao động phục hồi bền vững, Tổng cục Thống kê đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng. Trước hết là tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine cho toàn dân, tạo cơ chế miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất để ổn định phát triển sản xuất kinh doanh.
Đồng thời hướng dẫn, vận động người dân thực hiện 5K và các biện pháp khác để thích ứng an toàn trong đại dịch Covid-19.
Triển khai kịp thời và hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch.
Xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt là thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Nghiên cứu các chính sách tài khóa phù hợp để kích cầu đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Từ đó, kích thích phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Theo quan sát của Tổng cục Thống kê, các chính sách hỗ trợ người lao động từ trước đến nay vẫn chưa đủ lớn để bao phủ tất cả đối tượng chịu ảnh hưởng, đặc biệt là lao động phi chính thức.
Đây là khu vực chiếm hơn 50% lực lượng lao động Việt Nam, họ có đóng góp rất nhiều cho phát triển kinh tế-xã hội, nên cần sớm có chính sách hỗ trợ cho khu vực này, bao gồm cả việc dễ tiếp cận gói hỗ trợ.
Do đó, bên cạnh việc khuyến khích chuyển từ lao động phi chính thức sang chính thức, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kịp thời hơn cho người lao động trước những biến cố lớn như trong đại dịch Covid-19.
Về phía người lao động, phải có sự đổi mới tư duy và hành động trong việc tìm kiếm việc làm và tham gia làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và các hộ gia đình, nhằm bảo đảm vừa phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng có hiệu quả; vừa có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!