Cần một tổ chức đoàn kết và tập hợp thanh niên khuyết tật cả nước

NDO - Tại Tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng”, diễn ra sáng 29/9 tại Hà Nội, các đại biểu thanh niên khuyết tật ưu tú từ khắp cả nước đã đưa ra nhiều kiến nghị, chia sẻ thực tế đáng chú ý gắn với việc hỗ trợ, tạo cơ hội để người yếu thế nói lên nguyện vọng, tìm kiếm cơ hội cho bản thân.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức.

Tại tọa đàm, đại biểu đã nghe tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý về các nội dung xoay quanh cơ chế, chính sách đối với người khuyết tật và thanh niên khuyết tật; giải pháp đổi mới công nghệ để người khuyết tật hòa nhập xã hội; hoạt động của Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật Việt Nam trong hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng...

Trong khi đó, các đại biểu “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 cũng chia sẻ, nêu kiến nghị về những chính sách hiện thực hóa mong muốn, khát khao của thanh niên khuyết tật. Phần lớn đại biểu và chuyên gia cho rằng, cần có một tổ chức tập hợp, đoàn kết thanh niên khuyết tật, tạo cơ hội để hội viên nỗ lực phấn đấu, cùng hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững.

Anh Nguyễn Hữu Hậu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Khát vọng cuộc sống” (thành phố Hải Phòng) bộc bạch những khó khăn của người khuyết tật trong đời sống hằng ngày cũng như quá trình lao động, phát triển kinh tế. Từ đó, anh Hậu mong muốn có thêm những cơ chế thoáng hơn để thanh niên khuyết tật có thể tiếp cận dễ hơn với nguồn vốn vay phát triển sản xuất, được tư vấn về pháp lý trong kinh doanh.

Đồng tình với ý kiến trên, anh Hồ Sỹ Phong, Chủ tịch Hội Người mù huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng, người khuyết tật vốn phải nỗ lực rất nhiều trong cuộc sống, ở vùng nông thôn lại càng phải cố gắng hơn gấp bội. Tuy nhiên, công tác giáo dục và đào tạo cho đối tượng này vẫn còn nhiều bất cập. Thậm chí, bản thân anh Phong muốn tìm cách di chuyển đến tham gia chương trình cũng gặp không ít khó khăn, vì ngay cả những phần mềm hỗ trợ cũng chưa quan tâm hỗ trợ người khiếm thị.

Cần một tổ chức đoàn kết và tập hợp thanh niên khuyết tật cả nước ảnh 1
Đại biểu Trần Thành Trung chia sẻ câu chuyện cuộc đời tại tọa đàm.

Chào đời với căn bệnh bại não, anh Trần Thành Trung, hiện là giám đốc một công ty marketing online cho biết, từng có thời điểm nộp tới 23 bộ hồ sơ xin việc nhưng đều bị từ chối với lý do người khuyết tật không thể đáp ứng yêu cầu lao động, dù anh sở hữu tấm bằng cao đẳng loại khá.

Để có được thành công như ngày hôm nay, anh Trung đã phải trải qua nhiều nghề nghiệp khác nhau như bán bảo hiểm, dạy gia sư tiếng Anh, sửa máy tính thuê… Anh cho rằng, cần có những chương trình, đề án nâng cao nhận thức cho người khuyết tật trong tìm kiếm việc làm, giáo dục-đào tạo, kỹ năng chuyên môn.