Nâng cao chất lượng phục hồi chức năng cho người khuyết tật

NDO - Tỷ lệ người bệnh, người khuyết tật được tiếp cận với dịch vụ phục hồi chức năng chỉ đạt khoảng 40% trong khi nhu cầu về phục hồi chức năng sẽ tiếp tục gia tăng, đòi hỏi ngành cần phải có sự phát triển hơn nữa.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Trần Trọng Hải, Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng phát biểu khai mạc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Trần Trọng Hải, Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng phát biểu khai mạc.

Sáng 22/9, Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Hội Phục hồi chức năng Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học Phục hồi chức năng năm 2022, chào mừng Đại hội Đại biểu Hội Phục hồi chức năng Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022-2027.

Hiện nay, mạng lưới các cơ sở phục hồi chức năng được hình thành và phát triển trên toàn quốc với 63 bệnh viện/trung tâm, trong đó, tuyến Trung ương có 1 bệnh viện phục hồi chức năng (Thanh Hóa) và 1 trung tâm phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai).

100% bệnh viện đa khoa tuyến Trung ương có khoa phục hồi chức năng; có 38 bệnh viện phục hồi chức năng trực thuộc Sở Y tế các tỉnh/thành phố; 27 cơ sở điều dưỡng-phục hồi chức năng trực thuộc các bộ, ngành khác; 92% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng; tuyến huyện có 75% bệnh viện huyện có khoa, phòng, tổ phục hồi chức năng.

Ngày càng có nhiều kỹ thuật phục hồi chức năng được ứng dụng phục vụ người bệnh và người khuyết tật.

Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng được quan tâm, đầu tư và triển khai ở nhiều địa phương, góp phần làm giảm tỷ lệ khuyết tật, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật về mọi mặt, giúp người khuyết tật được hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội, phát huy tối đa năng lực của người khuyết tật đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Trần Trọng Hải, Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã phối hợp cùng với Bộ Y tế và các chuyên gia đầu ngành phục hồi chức năng tổ chức biên soạn và ban hành được ba cuốn “Quy trình kỹ thuật” gồm hơn 400 kỹ thuật vật lý trị liệu/phục hồi chức năng, và cuốn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị” với 110 bệnh lý thuộc chuyên ngành phục hồi chức năng.

Đây là các hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động chuyên môn và nghiên cứu khoa học của các cơ sở phục hồi chức năng và những người làm phục hồi chức năng trên lãnh thổ Việt Nam, bảo đảm quyền lợi cả cho người bệnh/người khuyết tật và cả cho đội ngũ cán bộ y tế đang công tác trong lĩnh vực phục hồi chức năng hiện nay.

Theo Tiến sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, ước tính năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số đã tăng lên 11,9%. Theo dự báo, đến năm 2038, dân số trên 60 tuổi ở Việt Nam dự kiến ​​đạt 21 triệu người.

Theo Điều tra Quốc gia về người khuyết tật được tiến hành năm 2016, có trên 7% dân số từ 2 tuổi trở lên là người khuyết tật; khoảng 4 triệu người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học.

Năm 2020-2022, đại dịch Covid-19 bùng phát phát ở Việt Nam, đặc biệt trong làn sóng thứ tư từ tháng 4/2021 đến nay, số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam không ngừng tăng cao. Trong đó có khoảng 20% người mắc có biểu hiện các triệu chứng của bệnh, 5% trong số này nặng và nguy kịch.

“Những người bệnh qua khỏi cũng để lại nhiều di chứng tổn thương phổi và các cơ quan, bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là sức khỏe tâm thần. Tất cả những người này rất cần được chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng”, ông Thái nhấn mạnh.

Do đó, ông Thái cho rằng, để khắc phục những khó khăn, hạn chế, nhằm phát triển phục hồi chức năng để đáp ứng nhu cầu phục hồi chức năng ngày càng tăng ở Việt Nam, Bộ Y tế và các bộ, ngành, chính quyền địa phương cùng với Tổng Hội Y học Việt Nam, Hội Phục hồi chức năng Việt Nam cần từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật về y tế, phát triển chuyên môn, tăng cường đào tạo cán bộ và đặc biệt phát triển nghiên cứu khoa học, áp dụng kỹ thuật cao, phương pháp mới trong lĩnh vực phục hồi chức năng.