Cần khoảng 2.900 tỷ đồng để khắc phục các tuyến quốc lộ bị hư hỏng do mưa lũ

NDO - Ngành giao thông ước tính sẽ cần khoảng 2.900 tỷ đồng để khắc phục các tuyến quốc lộ bị hư hỏng do mưa lũ gây ra thời gian vừa qua.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Nhân Dân)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Nhân Dân)

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra.

Theo đó, trên các tuyến quốc lộ từ Thanh Hóa và các tỉnh phía bắc có tổng cộng 4.177 vị trí hư hỏng lớn, ngập nước, hư hỏng công trình báo hiệu đường bộ, trạm thu phí, cầu phao... Trong số này có 3.924 vị trí bị thiệt hại, hư hỏng do sạt lở đất, sụt nền, đứt đường và hư hỏng cầu, cống và các công trình khác.

Trong báo cáo mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết trên các tuyến quốc lộ từ Thanh Hoá và các tỉnh phía Bắc có tổng số 4.177 vị trí hư hỏng lớn, ngập nước, hư hỏng công trình báo hiệu đường bộ, trạm thu phí, cầu phao... Trong số đó, có 3.924 vị trí bị thiệt hại, hư hỏng do sạt lở đất, sụt nền, đứt đường, và hư hỏng cầu, cống, công trình khác.

Bước đầu, ngành giao thông ước tính giá trị thiệt hại cần khắc phục đối với quốc lộ từ Thanh Hóa trở ra khoảng 2.900 tỷ đồng; bao gồm chi phí dự kiến xây dựng lại cầu Phong Châu mới (ước tính khoảng 800 tỷ đồng).

Về tắc đường, tổng số trên các tuyến quốc lộ đã có 820 vị trí trên quốc lộ bị tắc. Trong đó, có 567 vị trí tắc do sạt lở, hư hỏng công trình. Hiện đã khắc phục được 555 vị trí để thông xe. Còn lại 12 vị trí, gồm 3 vị trí ở Lào Cai, Bắc Cạn 3 vị trí, Tuyên Quang 2 vị trí; các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Quảng Ninh, Nam Định 1 vị trí.

Ngoài ra có 253 vị trí tắc đường do ngập nước. Hiện nay nước đã rút và khắc phục để thông xe 246 vị trí. Còn 7 vị trí ngập sâu tại Hà Nam, Thanh Hóa, Phú Thọ và Ninh Bình. Hiện, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai quyết liệt máy móc, phương tiện và nhân lực để sớm khắc phục dứt điểm các vị trí sạt lở.

Các đơn vị trong ngành giao thông vận tải cũng đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương khôi phục hạ tầng đường bộ phục vụ tìm kiếm cứu nạn; thông tuyến bảo đảm giao thông để phục vụ cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm người mất tích; vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, bảo đảm giao thông cho các tuyến cao tốc, quốc lộ trở lại bình thường.

Ngoài đường bộ, một số lĩnh vực khác của ngành giao thông cũng chịu thiệt hại nặng. Điển hình như lĩnh vực đường thủy nội địa, các cảng bến chưa hoạt động là 753/763 cảng bến tại các tỉnh thành phố gồm Hà Nội, Phú Thọ, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên.

Thời gian dự kiến hoạt động trở lại sau khi mực nước trên các tuyến sông đảm bảo an toàn, các thông báo hạn chế giao thông được gỡ bỏ, triển khai các hệ thống báo hiệu trên tuyến, luồng và khắc phục các thiệt hại tại cảng bến.