Cần hoàn thiện chính sách về người có công với cách mạng

Để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, bảo đảm quyền lợi đối với người có công với cách mạng, hiện các ngành chức năng đang nghiên cứu, bổ sung nhiều quy định mới, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Nghị định 131).
Cần hoàn thiện chính sách về người có công với cách mạng

Thời gian qua, Báo Nhân Dân đã đăng nhiều tin, bài phản ánh nỗ lực của toàn xã hội trong công tác đền ơn đáp nghĩa cũng như những bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách, đồng thời kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi một số quy định tại Nghị định 131, khắc phục những bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện, như bài: Gian nan hành trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ sai và thiếu thông tin (ngày 19/6/2023); Thực hiện chính sách đối với người hy sinh vì Tổ quốc (ngày 20/7/2023); Gỡ khó tiếp cho xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (ngày 7/12/2023).

Sau khi đăng các bài phản ánh nêu trên, tòa soạn Báo Nhân Dân tiếp tục nhận được các ý kiến của bạn đọc về việc cần sửa đổi một số quy định tại Nghị định 131.

Đại tá Nguyễn Tiến Lợi, Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Hòa Bình cho rằng, Nghị định 131 có nhiều sai sót, cả về nội dung và lỗi kỹ thuật. Những lỗi đó đã vô tình gây khó các gia đình liệt sĩ và các cơ quan chức năng.

Thứ nhất, phần phụ lục của Nghị định 131 có quy định 104 mẫu giấy tờ, trong đó còn thiếu bốn loại đơn chưa có mẫu như: Đơn xin cấp bản sao giấy báo tử; đơn xin xác nhận nơi liệt sĩ hy sinh; đơn xin xác nhận mộ liệt sĩ; đơn xin cấp giấy báo tin mộ liệt sĩ. Do không có mẫu đơn, nhiều trường hợp đã phải làm lại, gửi lại nhiều lần mới bảo đảm đầy đủ các thông tin theo đúng quy định.

Thứ hai, về xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định ADN, Điều 147 quy định phải có giấy xác nhận nơi liệt sĩ hy sinh (mẫu 44), thế nhưng, những liệt sĩ không có thông tin (thuộc diện mất tin, mất tích ở chiến trường) thì không thể có giấy xác nhận nơi hy sinh để đề nghị giám định ADN.

Thứ ba, Nghị định 131 quy định chỉ thân nhân liệt sĩ, người được thân nhân liệt sĩ ủy quyền, hoặc người thờ cúng liệt sĩ được đi nhận bàn giao hài cốt liệt sĩ khi di chuyển. Quy định như vậy là gây khó cho những gia đình liệt sĩ không còn thân nhân, hoặc người thờ cúng vì lý do sức khỏe không thể đi nhận hài cốt liệt sĩ, thậm chí không biết đến bao giờ hài cốt liệt sĩ mới được di chuyển về quê.

Từ thực tế này, cần quy định thêm giấy tờ khi di chuyển hài cốt liệt sĩ là biên bản họp gia đình phân công người đi nhận hài cốt liệt sĩ, có xác nhận của chính quyền địa phương đối với những trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân, hoặc người thờ cúng không thể đi nhận hài cốt liệt sĩ.

Thứ tư, tại điểm c, mục 1, Điều 159 quy định: Phòng lao động-thương binh và xã hội cấp huyện phối hợp với UBND cấp xã bàn giao hài cốt liệt sĩ và mẫu giấy giới thiệu di chuyển hài cốt liệt sĩ, phần xác nhận của nơi đến ghi là cấp xã (giấy xác nhận này là thủ tục để thanh toán tiền hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ). Trên thực tế, phần lớn nghĩa trang liệt sĩ do cấp huyện và cấp tỉnh quản lý.

Quy định như vậy buộc các sở hoặc phòng lao động-thương binh và xã hội quản lý nghĩa trang liệt sĩ phải báo cáo UBND xã nơi có nghĩa trang liệt sĩ về việc cho phép di chuyển hài cốt liệt sĩ để có được chữ ký của lãnh đạo cấp xã vào biên bản bàn giao, đồng thời xác nhận vào giấy giới thiệu di chuyển hài cốt liệt sĩ; trong khi UBND xã đó không quản lý nghĩa trang liệt sĩ. Vì vậy, nên sửa đổi quy định này, bỏ cụm từ “cấp xã” trong phần “xác nhận của nơi đến”.

Thứ năm, về tổ chức lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ, Điều 149 quy định UBND cấp xã tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ được di chuyển theo nguyện vọng của gia đình. Trên thực tế, có những đợt di chuyển nhiều hài cốt liệt sĩ về cùng một nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện. Nếu lần lượt từng xã tổ chức lễ truy điệu và an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, hoặc cùng lúc đưa hài cốt liệt sĩ đến nghĩa trang liệt sĩ huyện để an táng thì sẽ xảy ra tình trạng lộn xộn. UBND cấp huyện muốn đứng ra tổ chức lễ truy điệu tập thể và an táng các liệt sĩ cho trang trọng cũng không biết dựa vào quy định nào để xây dựng kế hoạch thực hiện và thanh quyết toán các chi phí cho buổi lễ.

Cựu chiến binh Nguyễn Chí Cao, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cho biết: Khoản 2 Điều 155 Nghị định 131 quy định: “Thân nhân liệt sĩ, người được thân nhân liệt sĩ ủy quyền, người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ (tối đa 3 người) được hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ”. Thực tế, có không ít trường hợp người thờ cúng liệt sĩ vì những lý do bất khả kháng như tuổi cao, sức yếu, khuyết tật... không thể trực tiếp di chuyển hài cốt liệt sĩ, khi ủy quyền cho người khác đi thay thì theo quy định lại không được hỗ trợ kinh phí, vì vậy không bảo đảm quyền lợi cho gia đình liệt sĩ và công tác tri ân liệt sĩ.

Khoản 2 Điều 157 quy định điều kiện di chuyển hài cốt liệt sĩ chỉ áp dụng với các trường hợp mộ liệt sĩ đang an táng ngoài nghĩa trang liệt sĩ nhưng có biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ của cơ quan có thẩm quyền, nay đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ. Trên thực tế, có nhiều trường hợp tham gia hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến nhưng không thuộc lực lượng vũ trang, là dân quân, du kích, cán bộ địa phương hy sinh, được an táng tại nghĩa trang nhân dân.

Sau nhiều năm, những trường hợp này mới được xác nhận là liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công; thân nhân liệt sĩ có nguyện vọng đưa hài cốt liệt sĩ vào an táng tại nghĩa trang liệt sĩ nhưng do Nghị định 131 quy định phải có biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ của cơ quan có thẩm quyền cho nên nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ không thực hiện được. Ngoài ra, đối với những mộ liệt sĩ đang an táng tại nghĩa trang nhân dân, khi hư hỏng, xuống cấp, hiện vẫn chưa có quy định hỗ trợ kinh phí để sửa chữa.

Bà Ngô Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ trực thuộc Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam (gọi tắt là Trung tâm MARIN) cho biết: Trong quá trình thực hiện xác định danh tính hài cốt bằng phương pháp thực chứng, cho thấy: Điều 138; Điều 144; Điều 145 của Nghị định 131 chưa phù hợp với thực tế khiến nhiều hồ sơ đề nghị xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng chưa được giải quyết, ảnh hưởng đến công tác tìm kiếm quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ và các chính sách đền ơn đáp nghĩa.

Ngày 30/10/2023, Trung tâm MARIN có văn bản đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ xem xét kiến nghị sửa đổi Nghị định 131. Ngày 7/6/2024, Trung tâm gửi văn bản kiến nghị sửa đổi một số quy định tại Nghị định 131 đến Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). Ngày 23/9/2024, Trung tâm tiếp tục gửi bản kiến nghị lên cổng dịch vụ công quốc gia về việc góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131, trong đó đề nghị sửa đổi Điều 138; Điều 144; Điều 145.

Mong rằng những ý kiến đóng góp nêu trên sẽ sớm được cơ quan soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131 quan tâm, xem xét, góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân các Anh hùng, liệt sĩ, bảo đảm quyền lợi người có công với cách mạng, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh.