Chăm lo người có công bằng tình cảm và trách nhiệm

Phát huy truyền thống, đạo lý "đền ơn đáp nghĩa", trong những năm qua, bằng tình cảm và trách nhiệm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công, gia đình chính sách cả về vật chất và tinh thần. Nhờ đó hầu hết hộ gia đình chính sách đều có nhà ở kiên cố, có mức sống từ trung bình khá trở lên.
Hội Cựu chiến binh huyện Sông Mã và đoàn viên thanh niên xã Chiềng Sơ thăm hỏi, động viên gia đình người có công. (Ảnh LUYỆN NGỌC TUẤN)
Hội Cựu chiến binh huyện Sông Mã và đoàn viên thanh niên xã Chiềng Sơ thăm hỏi, động viên gia đình người có công. (Ảnh LUYỆN NGỌC TUẤN)

Những năm gần đây, hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại các địa phương đã đi vào chiều sâu, được xã hội hóa mạnh mẽ, nhất là việc huy động, đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh Hà Giang đã huy động các tổ chức, cá nhân đóng góp được hơn 42 tỷ đồng cho quỹ đền ơn đáp nghĩa. Số tiền quỹ đã hỗ trợ để xây dựng mới gần 400 căn nhà, sửa chữa 151 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền gần 24 tỷ đồng; tặng 1.056 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền 3,2 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ với số tiền hơn 5 tỷ đồng.

Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng thường xuyên thăm hỏi, trao quà tặng các gia đình chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán, dịp 27/7 hằng năm, hỗ trợ người có công khi gặp khó khăn, đau ốm. Đồng chí Phạm Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang cho biết: "Hoạt động tri ân lớn nhất và huy động nguồn lực xã hội hóa được nhiều nhất tại Hà Giang là chương trình xây dựng nhà ở cho hộ cựu chiến binh nghèo, gia đình chính sách và hộ nghèo nơi biên giới. Chương trình này được triển khai từ năm 2019 đến 2022, chỉ trong vòng hơn ba năm, tỉnh đã huy động được hơn 400 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 340 nghìn ngày công lao động để xóa nhà tạm cho 6.700 hộ, trong đó có hơn 1.000 hộ cựu chiến binh, gia đình chính sách".

Thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) chia các cơ quan, đơn vị trường học trên địa bàn thành 13 nhóm. Cán bộ, công chức của mỗi nhóm đóng góp ngày lương để hỗ trợ hộ nghèo, gia đình người có công làm mới, sửa chữa nhà ở. Đồng chí Hoàng Thị Minh Hạnh, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Cao Bằng cho biết, từ năm 2023 đến nay, các nhóm đã hỗ trợ 47 hộ nghèo, gia đình người có công làm mới, sửa chữa nhà ở. Các công ty sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn hỗ trợ hàng trăm mét khối cát, hàng trăm tấn xi-măng hỗ trợ hộ nghèo, người có công làm mới, sửa chữa nhà ở.

Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La ưu tiên hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo có thành viên là người có công. Đến đầu năm 2020, tỉnh Sơn La đã hoàn thành công tác hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg cho 100% đối tượng người có công với cách mạng. Cựu chiến binh Dương Văn Bắc, bản Pe Tiến, xã Chiềng Sơ (huyện Sông Mã) cho biết: "Năm 2018, gia đình tôi được xã hoàn thiện thủ tục theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng để làm nhà ở. Có ngôi nhà kiên cố, vững chắc, gia đình không còn lo lắng mỗi khi mưa gió, giúp chúng tôi yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no".

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La thông tin thêm: Năm 2024, tỉnh Sơn La tiếp tục rà soát, thống kê nhu cầu vốn xây dựng mới hoặc cải tạo nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tổng số nhà cần hỗ trợ là 444 hộ, gồm xây mới cho 163 hộ và cải tạo 281 hộ. Tổng số kinh phí dự kiến thực hiện là 18,210 tỷ đồng, trong đó 100% vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp.

Các xã, phường cũng có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Phường Duyệt Trung (thành phố Cao Bằng) có 31 người có công, trong đó, một số người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh việc xã hội hóa, thăm hỏi, tặng quà người có công, phường đã kết nối, lựa chọn gia đình người có công để các đơn vị hỗ trợ. Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Dũng, ở tổ 3, phường Duyệt Trung, nhập ngũ năm 1973, tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên, bị nhiễm chất độc hóa học. Đang hưởng trợ cấp người nhiễm chất độc hóa học 1.562.000 đồng/tháng, ông Dũng vẫn chạy xe ôm để mưu sinh. Từ tháng 8/2024, phường Duyệt Trung đã lựa chọn ông Dũng để Trường mầm non Duyệt Trung định kỳ thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ nhu yếu phẩm hằng tháng.

Hiệu trưởng Trường mầm non Duyệt Trung Đinh Thị Lụa chia sẻ, trong buổi sinh họat chi bộ tháng 7/2024, các đảng viên đã thông qua chương trình "địa chỉ đỏ", lựa chọn gia đình người có công để chăm lo, hỗ trợ. Hằng tháng, nhà trường sẽ tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ nhu yếu phẩm, chăm lo người có công. Nhà trường tổ chức đưa các em học sinh đến nghe cựu chiến binh Nguyễn Tiến Dũng trò chuyện, thiết thực giáo dục truyền thống, giáo dục lòng biết ơn người có công cho học sinh. Vị Cựu chiến binh này xúc động chia sẻ: Ba con gái của tôi lấy chồng xa, dịp Tết mới về đón Tết cùng ông bà, nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cô giáo, các cháu học sinh, tôi ấm lòng lắm...

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, Hà Giang là địa bàn diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Theo thống kê, tại Hà Giang có khoảng 4.000 chiến sĩ đã hy sinh, trong đó có khoảng 1.400 liệt sĩ vẫn nằm lại chiến trường. Do đó, công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ được cấp ủy, chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, tỉnh triển khai dự án "Rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ", vừa tạo quỹ đất sạch để phát triển kinh tế, vừa tạo điều kiện cho công tác cất bốc hài cốt liệt sĩ. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành với hơn 1.700 ha đất sạch tại các điểm cao thuộc các xã Thanh Đức, Thanh Thủy, Xín Chải (huyện Vị Xuyên); giai đoạn 2 hiện đang thực hiện rà phá 1.500 ha tại xã Minh Tân (huyện Vị Xuyên) và các xã Tả Ván, Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ). Diện tích đất được làm sạch vật cản đến đâu, công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ được triển khai ngay đến đó. Từ năm 2018 đến nay, Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã tìm kiếm, quy tập được 132 hài cốt liệt sĩ và một mộ tập thể.