Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Việc phát triển các loại hình dịch vụ ăn uống, thực phẩm bày bán trên đường phố đem lại nhiều thuận tiện cho người tiêu dùng. Song hiện nay, việc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) của thức ăn đường phố còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Những quán hàng rong với nhiều loại thức ăn, nước uống được bày bán tại khu vực cổng trường học không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. (Ảnh ĐỖ VI)
Những quán hàng rong với nhiều loại thức ăn, nước uống được bày bán tại khu vực cổng trường học không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. (Ảnh ĐỖ VI)

Trên đường phố Hà Nội, từ khu chợ truyền thống, cổng trường học, vỉa hè, cổng bệnh viện... không khó để tìm mua các loại thực phẩm được chế biến sẵn, bày bán bánh mì, cơm cuộn sushi, bún thịt nướng, chân gà, cánh gà... từ gánh hàng rong hay hàng quán ngồi bệt vỉa hè. Tại khu vực phố Núi Trúc nằm giáp ranh giữa hai phường Kim Mã và Giảng Võ của quận Ba Đình, nổi tiếng với các hàng thịt xiên.

Vào giờ tan học buổi trưa, hay buổi chiều tối, xuất hiện rất nhiều xe bán di động chiếm lĩnh vỉa hè. Mỗi sạp hàng thịt xiên ở đây bày bán đa dạng từ xiên cá, mực, thịt, đến các loại xiên que xúc xích chiên, hồ lô chiên, ốc viên chiên… Điểm chung của các xe đẩy, quầy hàng bán dọc đường, trước cổng trường học đều tạm bợ, không có dụng cụ bảo quản chuyên dụng. Hầu hết đồ ăn không được che chắn, mặc cho bụi đường, khói xe mù mịt. Nước thải, đồ ăn thừa được vô tư xả xuống cống thoát nước bên cạnh… Với giá rẻ cho nên học sinh, sinh viên, người lao động... là nhóm khách hàng tiêu thụ các loại thức ăn bày bán đường phố nhiều nhất.

Thực tế, thực phẩm bày bán trên đường phố với giá rẻ chính là nguồn nguy cơ lớn nhất nếu không siết chặt quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phần lớn trong số họ ít quan tâm tới nguồn gốc, hay việc pha trộn chất bảo quản trong thực phẩm bày bán trên đường phố, nguy cơ gây mất an toàn sức khỏe. Theo chuyên gia dinh dưỡng Phạm Gia Khánh, một trong những nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm là do thực phẩm ôi thiu, hết hạn sử dụng; thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản và chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP. Quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm chưa đúng cách…

Thực tế, thực phẩm bày bán trên đường phố với giá rẻ chính là nguồn nguy cơ lớn nhất nếu không siết chặt quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian qua, mặc dù các ban, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhưng số vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng thức ăn đường phố trong cả nước không giảm. Theo số liệu thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) trong năm 2024, toàn quốc ghi nhận 135 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.936 người mắc và 24 người chết.

So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 10 vụ, số ca mắc tăng 2.787 người, số người chết giảm 4 người. Đáng chú ý, trong năm 2024 xảy ra 31 vụ ngộ độc thực phẩm lớn với 30 người mắc và xảy ra chủ yếu tại bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố. Để thực hiện công tác bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, Cục ATTP đã ban hành Công văn số 271/ ATTP-NĐTT ngày 18/2/2025 đề nghị sở y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý ATTP thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh phối hợp các đơn vị chức năng triển khai một số nội dung:

Chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, giám sát nguy cơ, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, chú trọng vào bếp ăn tập thể tại trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất và thức ăn đường phố…; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình...; kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

Cơ quan chức năng cần công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng…; chú trọng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở các thông tin, cảnh báo nguy cơ mất ATTP; nâng cao kiến thức bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm góp phần phòng chống ngộ độc thực phẩm…

Cùng với các giải pháp nêu trên, để bảo đảm ATTP, nhất là loại hình kinh doanh thức ăn đường phố, cần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP ở các cấp. Thông qua hoạt động kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về ATTP. Đối với những người kinh doanh thức ăn đường phố phải chủ động nâng cao trách nhiệm trong bảo đảm ATTP vì sức khỏe cộng đồng. Mỗi người dân cần tự trang bị kiến thức về ATTP, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý về các hàng quán không tuân thủ điều kiện về ATTP.