Cần giải pháp toàn diện để hạn chế tái nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

NDO - Khi tác động của đại dịch Covid-19 chưa giải quyết xong thì thiên tai, bão lũ lại đến ngày càng thường xuyên, một bộ phận không nhỏ người dân sẽ bị tái nghèo, đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, có giải pháp toàn diện về mặt lâu dài.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ sáng 24/10. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ sáng 24/10. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Trên đây là nội dung được đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh trong phiên thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sáng 24/10.

Giảm nghèo còn thiếu tính bền vững

Đại biểu cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế-chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, nhất là cuộc xung đột Nga-Ukraine và mới đây là xung đột Israel-Hamas, cùng với việc tăng giá trị đồng ngoại tệ mạnh, nhất là đồng USD,… đã tác động rõ rệt đến nền kinh tế nước ta, vốn có quy mô khiêm tốn nhưng độ mở cao.

Các thị trường lớn, truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc… đang dần bị thu hẹp, phát sinh nhiều rào cản kỹ thuật tạo thách thức không nhỏ cho hoạt động xuất khẩu. Vì vậy, giá nhiều mặt hàng tăng cao gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân, đặc biệt là giá các mặt hàng như vật liệu xây dựng, vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp, xăng dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu khác.

Theo đại biểu, đây là yếu tố gây bất lợi cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân do gia tăng chi phí sinh hoạt, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, do đó kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, đề ra những giải pháp căn cơ cho vấn đề này.

Về công tác giảm nghèo, đại biểu cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là giảm nghèo ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, đại biểu nhận định, vấn đề giảm nghèo thời gian qua còn thiếu tính bền vững và khả năng tái nghèo cao, còn tình trạng nghèo đói – thoát nghèo – tái nghèo.

“Khi tác động của đại dịch Covid-19 chưa giải quyết xong thì thiên tai, bão lũ lại đến ngày càng thường xuyên, một bộ phận không nhỏ người dân sẽ bị tái nghèo. Đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, có giải pháp toàn diện về mặt lâu dài”, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.

Khắc phục triệt để việc chậm giao vốn đầu tư công

Liên quan đến đầu tư công, báo cáo của Chính phủ đánh giá giải ngân vốn đầu tư công đã cải thiện đáng kể, ước giải ngân đến hết tháng 9/2023 đạt 51,38% kế hoạch.

Đại biểu đoàn Đắk Nông cho rằng, đây vẫn là con số thấp. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt nhưng vẫn còn cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước.

“Đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Sự tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế đòi hỏi phải huy động tối đa mọi nguồn lực, trong đó đầu tư công được xem là một nguồn lực quan trọng và cần thiết, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch hiện nay”, đại biểu Dương Khắc Mai nói.

Tuy nhiên, theo đại biểu, hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công của nước ta thời gian qua mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một số bất cập như hệ số ICOR của khu vực nhà nước còn cao, việc chậm giải ngân vốn, còn tình trạng lãng phí nguồn vốn nhà nước...

Cần giải pháp toàn diện để hạn chế tái nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1

Quang cảnh phiên thảo luận ở Tổ 7. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bên cạnh những nguyên nhân mà báo cáo của Chính phủ đã nêu thì một nguyên nhân khác là việc giao vốn một số chương trình mục tiêu còn chậm nên các địa phương, bộ, ngành không kịp triển khai. Do vậy, đại biểu đề nhấn mạnh cần khắc phục triệt để vấn đề này một cách căn cơ trong thời gian tới.

“Vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 đến tháng 5/2022 mới bắt đầu mới giao thì không thể thực hiện được. Như Đắk Nông chúng tôi triển khai rất khó khăn”, đại biểu cho biết.

Sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Cũng liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Dương Khắc Mai thông tin, hiện nay các địa phương đang chủ động, tích cực triển khai thực hiện tốt các nội dung liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia, một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền thì các địa phương ban hành văn bản thực hiện.

Tuy nhiên, đến nay, một số bộ, ngành Trung ương có thẩm quyền chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai xây dựng các văn bản theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, giải ngân vốn của các địa phương.

Để tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn các tỉnh, đại biểu đoàn Đắk Nông đề nghị các bộ, ngành trung ương sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để địa phương căn cứ triển khai thực hiện bảo đảm đúng thời gian, tiến độ và đúng quy định của pháp luật, và đây cũng là góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

“Ba chương trình mục tiêu quốc gia là những chương trình ý nghĩa và nhân văn, một chính sách rất ưu việt của chế độ ta đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng ta thực hiện tốt nội dung này sẽ góp phần nâng cao đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Nếu chúng ta chậm trễ ngày nào, thực hiện không tốt, không hiệu quả thì có thể tác động ngược lại”, đại biểu nhấn mạnh.

Về công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng hoạt động lập pháp đang còn những hạn chế nhất định, chủ yếu nhất là việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tiềm ẩn việc không thể tránh khỏi “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”.

Việc các cơ quan “trình gấp, trình vội”, thiếu đánh giá thực tiễn các quy định cần loại bỏ hoặc kế thừa từ đạo luật cũ, cũng như chưa thực sự phát huy việc lấy ý kiến rộng rãi toàn dân; tiếp nhận dự thảo luật, pháp lệnh và tài liệu liên quan chậm nên chưa nghiên cứu kỹ lưỡng, dẫn đến chất lượng các đạo luật thông qua chưa cao, tuổi thọ thấp.

Do đó, đại biểu đề nghị cần quyết liệt, cương quyết hơn nữa trong việc bảo đảm trình tự thủ tục ban hành văn bản pháp luật, để hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta hiện nay.