Tuy nhiên, tôi nhận thấy vấn đề giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều thách thức. Tính đến hết tháng 9/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 51,38% kế hoạch. Dù cao hơn 4,68% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng đây vẫn là con số chưa được như kỳ vọng.
Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm gây ra nhiều tác hại: Các công trình chậm tiến độ, gây ảnh hưởng sự phát triển kinh tế-xã hội; nhiều dự án sử dụng vốn vay, Nhà nước phải trả lãi trong khi vốn nằm chờ... Bản thân các nhà thầu cũng chịu thiệt hại khi giải ngân chậm.
Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ, các ban, ngành phải tích cực tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, thủ tục hành chính trong đầu tư; đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; tăng cường kỷ luật công vụ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và nêu gương, phổ biến kinh nghiệm những ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao.
Việc thực hiện tốt công tác giải ngân sẽ tạo thêm đòn bẩy giúp kinh tế-xã hội nhanh chóng phục hồi, phát triển.
Lương Nhật Đức
(Phố Hoa Lâm, quận Long Biên, Hà Nội)
Quan tâm chăm lo đời sống bà con các dân tộc thiểu số
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi... Nhiều nơi ở vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Lạng Sơn từng bước vươn lên xây dựng nông thôn mới.
Qua nghe báo cáo của Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, bà con rất vui mừng, phấn khởi về những thành tích đã đạt được của đất nước trong thời gian qua.
Tuy nhiên, một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển còn chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa theo kịp các vùng khác, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh chưa cao. Tỷ lệ giảm nghèo hằng năm tuy đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch, nhưng không bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Khả năng tiếp nhận chính sách hỗ trợ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa thoát khỏi tập quán sản xuất nhỏ lẻ.
Người dân mong muốn Quốc hội, Chính phủ giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên cho các địa bàn còn hạn chế về cơ sở hạ tầng, hộ nghèo, hộ cận nghèo; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo quy hoạch tỉnh, trọng tâm là các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, giáo dục và đào tạo, nguồn nhân lực, y tế, văn hóa, du lịch, nước sạch, điện, thông tin-truyền thông, các dự án phát triển sản xuất, bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái...
Dương Ngọc Thông
(Thôn Hợp Tân, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn)
Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm
Vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát; đồng thời, đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ, đưa nhiều công trình hạ tầng giao thông vào sử dụng.
Là người dân sống trên địa bàn có dự án sân bay quốc tế Long Thành, tôi rất phấn khởi khi dự án trọng điểm quốc gia này được Quốc hội, Chính phủ giám sát chặt chẽ.
Hiện nay, nhiều hạng mục của dự án đã được khởi công, tạo thành một đại công trường nhộn nhịp; trong đó, gói thầu nhà ga hành khách, được xem là “trái tim” của dự án sau một thời gian gián đoạn do gặp khó khăn trong lựa chọn nhà thầu, nay đang triển khai xây dựng. Người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã chuyển vào khu tái định cư sinh sống ổn định, nhà cửa được xây dựng khang trang, tạo ra một khu đô thị hiện đại.
Người dân địa phương rất mong muốn sân bay quốc tế Long Thành cùng các dự án giao thông trọng điểm quốc gia qua địa bàn thi công bảo đảm tiến độ, hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho Đồng Nai, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam mà còn cả nước.
Chúng tôi mong muốn Chính phủ tiếp tục có các giải pháp quyết liệt trong điều hành, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
VÕ ĐÔNG HÀ
(Khu phố Phước Long, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai)
Cần giảm tiêu chí và điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn lãi suất thấp
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, nhưng thực tế, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Riêng về gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, đến nay toàn quốc mới giải ngân được hơn 800 tỷ đồng, nhiều địa phương, trong đó có Quảng Bình tỷ lệ này còn rất thấp.
Nguyên nhân là do trong giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp thường kinh doanh đa ngành, đa nghề, ngân hàng khó tách ra được, trong khi doanh nghiệp không thể hạch toán riêng cho từng lĩnh vực kinh doanh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp phải có quá trình sản xuất, kinh doanh tốt, có dự án tái cơ cấu khả thi, có hiệu quả, có khả năng trả được nợ cũ và có tài sản thế chấp. Trong khi các doanh nghiệp muốn có vốn hoạt động trước đó đã mang tài sản thế chấp để vay vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét chỉ đạo hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định và điều kiện cho vay vốn lãi suất thấp.
Đề nghị Chính phủ trong năm 2024 tiếp tục giảm 2% thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hiện, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp phù hợp các tỉnh, thành phố lớn, có nhiều khu công nghiệp; riêng đối với các tỉnh nhỏ, quy mô sản xuất công nghiệp còn hạn chế là chưa thật phù hợp. Do vậy, Nhà nước cần tăng nguồn vốn tiêu dùng xã hội cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho công nhân lao động và cho hộ dân vay làm nhà ở với lãi suất ưu đãi 5%/năm để giải quyết nhu cầu về nhà ở ổn định lâu dài...
Lê Thuận Văn
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình
Lo ngại tội phạm liên quan trẻ em
Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội. Theo dõi phần báo cáo này, là một cử tri, tôi có niềm tin rằng, Chính phủ đang nỗ lực để tiếp tục điều hành nền kinh tế-xã hội vượt qua những khó khăn trong bối cảnh chung khó khăn như hiện nay. Điều này được chứng minh qua những số liệu tích cực từ nền kinh tế.
Tuy vậy, trong vấn đề đời sống an sinh xã hội vẫn tồn tại nhiều vấn đề tiêu cực, tác động đến tâm lý người dân chưa được giải quyết; trong đó có nạn bắt cóc trẻ em, đòi tiền chuộc của các đối tượng xấu. Vấn đề này được các cơ quan báo chí nêu nhiều hơn trong thời gian gần đây; có trường hợp nạn nhân là trẻ em đã tử vong liên quan hành động của kẻ xấu.
Vấn đề trẻ em không chỉ là mối quan tâm của mỗi gia đình mà là vấn đề của cả xã hội; đối với một đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề này lại càng được quan tâm hơn. Các cơ quan chức năng cần có những giải pháp cứng rắn, quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn vấn đề này một cách chủ động. Đối với các đối tượng gây ra những vụ việc tương tự cần có các chế tài nghiêm khắc để xử lý, răn đe.
Gia đình, nhà trường, xã hội, đặc biệt là các gia đình cũng cần cẩn trọng trong quá trình chăm sóc, trông giữ trẻ; đối với trẻ ở độ tuổi đã tương tác được cần có hướng dẫn để các em chủ động ứng phó với đối tượng có ý định thực hiện hành vi xấu.
TRẦN HỮU THÁI
(Phường 15, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh)