Các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát trong giới hạn cho phép

NDO - Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2023, ước dư nợ công là 39-40% GDP, dư nợ Chính phủ là 36-37% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 37-38% GDP, thấp hơn ngưỡng cảnh báo quy định của Quốc hội, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chiều 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Nền kinh tế tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu

Đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ trưởng nêu rõ, nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nền tảng phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong trung và dài hạn; vẫn tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu.

Một số chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021-2023 dự kiến có sự thay đổi tích cực hơn so với giai đoạn 2016-2018, như: tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP (23,77-23,94% so với 23,37%); tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội (26,7% so với 37,6%); tỷ lệ lao động qua đào tạo (68% so với 58,6%)…

Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, dự báo kinh tế nước ta sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới.

Cụ thể, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng; tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi. Tốc độ tăng GDP năm 2021 đạt 2,56%, được thế giới đánh giá là tích cực trong khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm; năm 2022 tăng 8,02%; năm 2023 ước đạt khoảng trên 5%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.

Các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát trong giới hạn cho phép ảnh 1

Quang cảnh phiên họp chiều 23/10. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ Chính phủ 3 năm được kiểm soát thấp hơn giới hạn, ngưỡng cảnh báo. Đến hết năm 2023, ước dư nợ công là 39-40% GDP, dư nợ Chính phủ là 36-37% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 37-38% GDP, thấp hơn ngưỡng cảnh báo quy định của Quốc hội, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, báo cáo chỉ rõ sau gần 2 năm thực hiện, trong số 23 chỉ tiêu có thông tin, số liệu, có 10 chỉ tiêu có thể đạt được, 13 chỉ tiêu cần nỗ lực rất lớn.

Một số chỉ tiêu có kết quả khả quan như tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 6/2023 ở mức 3,36% (cuối năm 2020 là 1,69%, năm 2021 là 1,49%, năm 2022 là 2%); năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP); các nhóm chỉ tiêu về xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn vốn tại các tổ chức tín dụng.

Một số chỉ tiêu về tăng năng suất lao động và phát triển doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động năm 2021 là 4,6%, năm 2022 là 4,8%, ước năm 2023 khoảng 3,8-4,8%. Số doanh nghiệp đến năm 2023 ước khoảng 903 nghìn doanh nghiệp (mục tiêu đến năm 2025 là 1,5 triệu doanh nghiệp).

Đề cập những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đến cuối nhiệm kỳ 2021-2025, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ xác định tiếp tục kiên định, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình giao thông trọng điểm.

Đồng thời, quyết liệt cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển các loại thị trường an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Giải pháp tiếp theo là đổi mới phương pháp, cách làm để thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó nghiên cứu thực hiện thí điểm phân cấp việc thực hiện cho cấp huyện; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao (như chip, bán dẫn), tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip điện tử đến năm 2025 và 2030.

Cùng với đó, xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Quyết liệt hoàn thành dứt điểm cơ cấu lại 4 lĩnh vực trọng tâm

Thẩm tra các báo cáo kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, cơ cấu kinh tế chưa có nhiều thay đổi; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, năng suất lao động bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 4,36-4,69%, thấp hơn mức 6,26% của 3 năm 2016-2018.

Chất lượng thu ngân sách nhà nước còn yếu tố chưa bền vững, vượt thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, dầu thô. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn còn hạn chế, tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm. Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững, còn nợ đọng xây dựng cơ bản; cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình còn rất hạn chế, huy động nguồn vốn xã hội khó khăn.

Các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát trong giới hạn cho phép ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan việc dự kiến khó hoàn thành 13/27 mục tiêu, chỉ tiêu cơ cấu lại nền kinh tế (chiếm 48,1%), bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan tới cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, năng suất lao động, phát triển thị trường tài chính, thị trường đất đai, khoa học công nghệ, phát triển doanh nghiệp, lao động.

Cũng theo ông Thanh, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm và chưa đạt được kế hoạch đề ra , khó hoàn thành được mục tiêu theo Nghị quyết. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm tránh thất thoát vốn nhà nước; có kế hoạch cụ thể sử dụng nguồn vốn thu được từ thoái vốn, trong đó ưu tiên vào các công trình, dự án quan trọng quốc gia để tạo động lực cho phát triển và sức lan tỏa cho nền kinh tế.

Ủy ban Kinh tế đề nghị, trong các năm còn lại của nhiệm kỳ 2021-2025, Chính phủ, các cấp, các ngành cần bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến các thị trường quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp.

Bên cạnh đó, triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam, phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số gắn với nâng cao năng lực nội tại.

Đồng thời, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, khuyến khích phát triển lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo và sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế theo các nhiệm vụ trọng tâm đề ra tại Nghị quyết số 31, trong đó quyết liệt hoàn thành dứt điểm cơ cấu lại 4 lĩnh vực trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, các tổ chức tín dụng và các đơn vị sự nghiệp công lập.