Cần giải pháp căn cơ trong phân loại rác tại nguồn

Hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thải ra khoảng 10 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt; trong đó, chất thải nhựa, chất thải khác có thể tái chế chiếm tỷ trọng cao (với khoảng 1.800 tấn).
0:00 / 0:00
0:00

Số lượng rác thải dự kiến sẽ còn tăng lên trong thời gian tới, tuy nhiên, việc thu gom, phân loại rác hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc chưa được giải quyết.

Chị Thái Thị Thu Hiền, ngụ phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức cho biết, nhiều năm qua, việc thu gom rác đối với khu vực các hộ dân quanh đây vẫn chưa được thực hiện quy củ. Tất cả các loại rác vẫn đang gom chung vào một thùng rác, mặc dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền, phát tờ rơi về việc phân loại rác tại nguồn. Có một thời gian, gia đình chị Hiền cũng có thực hiện bỏ rác theo hai túi (rác hữu cơ, rác vô cơ) nhưng khi đội thu gom rác đến lấy rác cũng chỉ để chung một xe cho nên sau này nhiều hộ không còn thực hiện việc này nữa.

Từ nhiều năm trước, lãnh đạo thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, văn bản quy định về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2013. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn là một giải pháp cấp thiết nhằm tạo thuận lợi cho cả người dân, các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác, phù hợp với định hướng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt là đốt rác phát điện và tái chế, cần được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nhất là với những đô thị có mật độ dân số cao, tốc độ phát triển nhanh như Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mạng lưới thu gom chất thải tái chế do chương trình phân loại rác tại nguồn còn gặp nhiều vướng mắc. Trong 20 năm qua, đã có nhiều dự án thử nghiệm phân loại rác tại nguồn ở thành phố được triển khai; thế nhưng, những dự án này chỉ mang tính khởi sự ban đầu để khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn.

Để công tác này dần được thực hiện nghiêm túc, thành phố cần phát triển mạng lưới tái chế và tái sử dụng rác với quy mô lớn; trong đó, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tái chế chất thải cần được thực hiện hiệu quả; cần quản lý hiệu quả từ đơn vị thu gom, vận chuyển cho đến xử lý; đồng bộ hạ tầng tiếp nhận rác phân loại; bố trí lịch thu gom rác nên chia ngày thu gom trong tuần theo từng loại rác để thuận tiện cho đơn vị thu gom, nhất là những đơn vị chưa trang bị phương tiện thu gom đúng chuẩn.

Bộ phận thu gom rác có quyền từ chối thu gom nếu người dân, lực lượng rác dân lập không được phân loại và chuyển giao đúng loại rác theo lịch trình quy định; tránh tình trạng tuyên truyền phân loại nhưng khi thu gom thì lại trộn chung rác, gây mất lòng tin đối với người dân. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cần phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về phân loại rác, giúp người dân nhận thức được lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội của việc phân loại, thu gom và tái chế chất thải rắn. Việc phân loại rác cần được luật hóa, chế tài thay vì chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động như hiện nay.