Cần cơ chế, chính sách đặc thù để Thành phố Hồ Chí Minh phát huy vai trò động lực phát triển

NDO - Bày tỏ ủng hộ việc thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu Quốc hội cho rằng nếu mở rộng phạm vi thực hiện các cơ chế sẽ hút thêm nguồn lực phát triển thành phố.
0:00 / 0:00
0:00

Kỳ vọng tạo động lực mới cho Thành phố Hồ Chí Minh

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng 24/6, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh - đại biểu Quốc hội đoàn tỉnh Quảng Ninh cho biết, qua tổng kết, đánh giá, có một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù áp dụng cho Thành phố Hồ Chí Minh được đưa vào cuộc sống.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù để Thành phố Hồ Chí Minh phát huy vai trò động lực phát triển ảnh 1

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội sáng 24/6. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Song bối cảnh khách quan do đại dịch Covid-19, các chính sách, cơ chế đặc thù này chưa được triển khai nhiều, chưa thực sự hiệu quả để phát huy các chính sách, tạo thêm động lực cho thành phố phát triển.

Do đó, đại biểu đặt kỳ vọng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 54/2017/QH về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo ra những động lực, nguồn lực mới cho thành phố.

Đại biểu Thanh cho biết, qua theo dõi, đánh giá, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang “hụt hơi”. Từ chỗ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng GDP và thu nộp ngân sách cho đất nước, trong thời gian vừa qua, những nguồn đóng góp này của thành phố về mặt giá trị tuyệt đối vẫn cao nhưng tỷ trọng đang giảm dần.

“Đây là địa bàn từ trước đến nay và kể cả sau này vẫn sẽ là động lực tăng trưởng cho vùng và cả nước. Do đó, phải có các cơ chế, chính sách rất đặc biệt, đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh. Trong các chính sách đó, các đại biểu Quốc hội cũng đã tham gia góp ý và tôi cho rằng Quốc hội cũng sẽ ủng hộ để thông qua Nghị quyết”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.

Đây là địa bàn từ trước đến nay và kể cả sau này vẫn sẽ là động lực tăng trưởng cho vùng và cả nước. Do đó, phải có các cơ chế, chính sách rất đặc biệt, đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng trong quá trình tổ chức thực hiện, Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh nếu khai thác thêm, sâu hơn thì sẽ giúp phát huy chính sách tốt hơn nữa.

Đại biểu chỉ rõ, như Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã bàn, mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) cần phải được mở rộng hơn nữa đối với thành phố.

Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã có cơ chế chính sách mở rộng liên quan thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Do đó, các công trình ngoài các điểm kết nối các công trình giao thông theo đường sắt tốc độ cao, đường Vành đai 3 có thể được áp dụng và cũng giải quyết được bài toán theo Nghị quyết 18 để hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, đồng thời dùng nguồn lực đó để tạo động lực phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Đánh giá cao dư địa của Thành phố Hồ Chí Minh, ông Thanh cho rằng nếu mở rộng phạm vi thực hiện các cơ chế sẽ hút thêm nguồn lực phát triển.

“Mở rộng ở đây có nghĩa là thành phố tổ chức đấu giá, đấu thầu thực hiện các dự án phát triển đô thị, phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại, giải quyết việc làm theo ngân sách của các doanh nghiệp, ngân sách thành phố trong thời gian sắp tới”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ.

Ông Thanh cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới, thành phố sẽ xử lý được vấn đề xác định quỹ đất để thanh toán cho các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng trước đây, trong đó điều quan trọng là phải xác định được giá trị của quỹ đất này để thanh toán cho nhà đầu tư bảo đảm đúng giá trị, tránh gây thiệt hại cho Nhà nước.

Nêu quan điểm về quy định trong Nghị quyết 437 trước đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau này được đưa vào Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là không đầu tư các công trình giao thông trên đường hiện hữu, đại biểu Vũ Hồng Thanh cho rằng thành phố phải lựa chọn và phải có cơ chế, chính sách phù hợp để xử lý vấn đề này.

“Thực tiễn chúng tôi đi giám sát và sau đó tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 437 thì thấy có nhiều trạm BOT lập không đúng chỗ và người dân chung quanh trạm bị ảnh hưởng tiêu cực, phải mất thời gian, phải trả thêm tiền để đi trên chính con đường mà trước đây vẫn đi lại”, ông Vũ Hồng Thanh nêu thực trạng.

Nhấn mạnh cơ chế, chính sách đặc thù cho phép thành phố triển khai đầu tư các công trình giao thông trên đường hiện hữu, ông Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng thành phố phải chọn lựa dự án và phải có cơ chế, chính sách phù hợp để xử lý được thực trạng nêu trên.

“Chỗ nào giảm, chỗ nào miễn phải xem xét áp dụng cho người dân để không ảnh hưởng đến cuộc sống và tránh xảy ra khiếu kiện, mâu thuẫn xã hội, mất an ninh trật tự ở khu vực các dự án BOT mà sau này thành phố được thực hiện xây dựng các dự án giao thông trên tuyến đường hiện hữu”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Về mô hình Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, ông Thanh cho rằng đây cũng là mô hình rất là đặc thù. Trước đây, cũng đã có cơ chế cho Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội trong quá trình các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn thì thành phố được sử dụng nguồn này.

Cho rằng đây là một nguồn lực rất quan trọng, ông Thanh nêu vấn đề làm sao sử dụng nguồn này cho hiệu quả: “Nhà đất, tài sản của các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố rất nhiều, rất lớn. Nếu có các phương án để cổ phần hóa, thoái vốn và bán, thanh lý nhà đất, thành phố sẽ có thêm nhiều nguồn lực. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn lực như thế nào, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm ra sao để tạo được động lực phát triển thành phố cần được quan tâm”.

Phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế cả nước

Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 5, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố luôn giữ vị trí đầu tàu, động lực quan trọng của cả nước và cũng là đô thị đặc biệt, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sánh ngang với các thành phố lớn trên thế giới. Điều này đòi hỏi phải có một thể chế phù hợp, tương thích với tính đặc biệt của đô thị thành phố.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù để Thành phố Hồ Chí Minh phát huy vai trò động lực phát triển ảnh 4

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, dự thảo Nghị quyết có các cơ chế, chính sách tạo động lực để Thành phố Hồ Chí Minh phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế cả nước. Các cơ chế, chính sách đó cũng giúp thành phố có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho cả nước, trên tinh thần cả nước vì thành phố, thành phố vì cả nước.

Sau hơn 5 năm thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân chỉ ra rằng, quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn, có nhiều nội dung chưa đạt hiệu quả cao.

Trong khi đó, Nghị quyết 31-NQ/TW đặt mục tiêu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh ở vị trí mới, tầm cao mới; đặt thành phố so sánh với các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, khi đặt yêu cầu kinh tế số đóng góp 40% vào tổng ngân sách trên địa bàn (GRDP) của Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần thể chế phù hợp.

Điểm nổi bật trong dự thảo Nghị quyết mà đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ là có những quy định vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi để Thành phố Hồ Chí Minh phát huy hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của mình.

Dự thảo mới có 12 điều với 7 nhóm cơ chế, chính sách có những vấn đề mới đột phá. Đơn cử như việc thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng TOD rất phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đô thị hay sự ưu đãi đối với những ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, ngành mũi nhọn, đột phá.

Dự thảo cũng cho phép thành phố đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; được áp dụng hợp đồng BOT ở các dự án nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu; thực hiện dự án theo hợp đồng BT.

Một nội dung quan trọng khác là đề xuất cơ chế chính sách tăng vốn điều lệ cho Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC), giúp thành phố tập trung được nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm hoặc hỗ trợ vốn cho việc xây dựng trường học, bệnh viện.

Ông Ngân nhấn mạnh, các giải pháp đó là cơ chế đột phá tạo điều kiện để thành phố huy động được các nguồn lực nhằm chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Đại biểu cũng lưu ý, trong nội dung Nghị quyết đã bàn đến những vấn đề về quản lý đô thị, môi trường, quy hoạch, phát triển… để huy động được các nguồn lực của xã hội. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã huy động vốn đầu tư xã hội của khu vực tư nhân chiếm trên 70%.

Do đó, trong dự thảo Nghị quyết lần này đã áp dụng các cơ chế BT, BOT, PPP trên nhiều lĩnh vực, kể cả văn hoá và thể thao. Khi đó mới có đủ điều kiện để đầu tư hạ tầng cho kinh tế-xã hội, giao thông, văn hóa…